Cầu vượt bộ hành trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại gây khó hiểu khi phần đường lên xuống được thiết kế đâm thẳng vào bãi cỏ, bụi cây nằm giữa dải phân cách.
Thông thường một cây cầu bộ hành sẽ có 2 lối đi lên hoặc xuống nhưng cây cầu này lại có tới 3 lối đi gồm 2 lối nằm ở hai đầu của cây cầu và lối thứ ba đâm thẳng xuống giữa dải phân cách.
Cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Lê Đức Thọ thuộc dự án Đường đua F1, xây dựng theo kiểu lắp ghép bằng thép, được khởi công từ năm 2019 để phục vụ người dân đi lại trong quá trình diễn ra đua xe.
Tuy nhiên, hiện cầu vượt này gần như ít được sử dụng, phần lớn thời gian bị bỏ không và đang có dấu hiệu xuống cấp ở nhiều vị trí.
Ông Nghiêm Văn Bình (50 tuổi, ở Phú Đô, Hà Nội) cho biết, nhà ông rất gần cây cầu bộ hành này, mỗi lần đi qua ông rất thắc mắc và khó hiểu khi có lối đi thẳng xuống bụi tre. "Đây cũng không phải là công viên mà chỉ là bãi cỏ nên khi đặt lối đi xuống đây là vô tác dụng", ông Bình nói.
Còn ông Hoàng Văn Yên (65 tuổi, ở Mễ Trì), cũng băn khoăn: "Việc người dân đi xuống bằng lối này sẽ làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của những mảng cỏ xanh tốt. Tôi thấy thiết kế như vậy là bất hợp lý và gây tốn kém hơn".
Ông Nguyễn Công Trình, Bí thư Đảng uỷ phường Phú Đô (quận Nam Từ Niêm, Hà Nội) cho biết, công trình cầu bộ hành xây dựng phục vụ cho đường đua F1, được Sở Văn hóa quản lý. "Sau khi dừng hoạt động đường đua F1, chúng tôi đã báo cáo lên quận để được di chuyển cầu bộ hành qua khu vực trước cổng làng Phú Đô, nơi có đông dân cư hơn, phục vụ người dân qua lại", ông Trình nói.
"Nhằm đảm bảo cho những loại cây, cỏ không bị ảnh hưởng do người dân vô tình đi xuống, chúng tôi sẽ gắn biển hoặc rào kín lối đi xuống dải phân cách", ông Trình thông tin thêm.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 70 cây cầu vượt bộ hành cùng 23 hầm đi bộ tại các nút giao thông đông đúc, khu vực gần bệnh viện, trường học, bến xe nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, giảm ùn tắc, tai nạn.
Bình luận