“Tôi rất vui mừng khi Quốc hội cùng xã hội dần lấy lại được tiến độ, nhịp độ bình thường", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) bình luận về Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Bầu không khí của 4 tuần làm việc lần này có nhiều điểm mới mẻ, năng động hơn so với 2 kỳ họp đầu tiên và mang đậm sắc thái của sự phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Về hình thức, các đoàn đại biểu không còn phải thực hiện giãn cách hay họp trực tuyến từ xa. Về nội dung, đây là kỳ họp mà Quốc hội ghi nhận bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng của quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, đồng thời đưa ra những quyết sách quan trọng hướng đến phát triển dài hạn.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra trong 4 tuần với 20 ngày làm việc, được đánh giá là năng động, có nhiều quyết sách quan trọng.
Kỳ họp năng động, nhiều quyết sách quan trọng
Kỳ họp thứ 3 khép lại năm đầu tiên của Quốc hội khóa XV, được xem là sự khởi đầu đáng kỳ vọng. Các đại biểu cho thấy sự hăng hái, có trách nhiệm trong từng phát biểu.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, hai phẩm chất quan trọng đối với một đại biểu Quốc hội là dám nói và biết để nói đều được thể hiện trong các phiên thảo luận.
“Dù vẫn là những kỳ họp đầu khóa, các đại biểu rất hăng hái phát biểu, kể cả những người tham gia Quốc hội lần đầu cũng không có gì e ngại cả. Đó là điều rất tốt", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nói thêm.
Đại biểu của TP.HCM cũng cho rằng, tinh thần này cần được duy trì trong những kỳ họp tiếp theo, khi Quốc hội thảo luận và quyết định những vấn đề gai góc hơn.
Trả lời phỏng vấn bên lề hội trường, nhiều đại biểu cũng có chung quan điểm hài lòng về bầu không khí làm việc năng động, hăng hái của kỳ họp. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ấn tượng với những phiên chất vấn của Quốc hội. Trong 4 Bộ trưởng, trừ Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, 3 người còn lại mới lần đầu trả lời chất vất trước Quốc hội.
“Bầu không khí, tinh thần của các buổi chất vấn khá thẳng thắn, trực diện, có những ý kiến bám đuổi sâu sát đến cùng, khi trả lời chưa thỏa đáng, đại biểu tranh luận trở lại. Các Bộ trưởng trả lời lần đầu rất tự tin, cụ thể, không lảng tránh, rất trực diện, vấn đề chưa giải quyết được cũng đều ý kiến rõ là tiếp thu để có chỉ đạo. Đó chính là những lời hứa để các Bộ trưởng thực hiện trong thời gian tới”, GS.TS Hoàng Văn Cường bình luận.
Các Bộ trưởng trả lời tự tin, cụ thể, không lảng tránh, rất trực diện, những vấn đề chưa giải quyết được cũng đều ý kiến rõ là tiếp thu để có chỉ đạo.
Đại biểu tranh luận hăng hái tại hội trường trong các phiên làm việc.
Khoảng thời gian 4 tuần với 20 ngày làm việc - ngắn gọn hơn so với thông thường - nhưng nội dung kỳ họp được đánh giá là rất cô đọng và có nhiều quyết sách quan trọng.
Trong số những chủ trương, dự thảo luật được đưa ra bàn thảo, quyết định ở kỳ họp này, đại biểu đặc biệt đánh giá cao tầm quan trọng của 5 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nói thêm: “Có 5 dự án đường giao thông, là các tuyến vành đai và cao tốc, được bàn thảo và quyết định ngay trong kỳ họp này. Đó là động lực rất quan trọng không phải chỉ cho năm nay mà còn thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong việc tạo ra nền tảng hạ tầng ổn định cho phát triển dài hạn”.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá đây là những dự án rất quan trọng và có ý nghĩa cấp bách, đặc biệt là dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM kết nối vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực đóng góp tới 40% tổng thu ngân sách cả nước.
Theo đại biểu của đoàn TP.HCM, chưa bao giờ ngành giao thông được quan tâm như hiện nay. Một số dự án được đưa ra thảo luận ở thời điểm này là muộn nhưng vẫn cần được ưu tiên vì “lộ thông, tiền sẽ thông”.
“Giao thông thuận tiện sẽ thúc đẩy giao thông hàng hóa, giúp con người đi lại thuận tiện, từ đó, thúc đẩy du lịch phát triển và đặc biệt hơn là sẽ làm giảm chi phí tiếp vận hậu cần, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa mà đây vốn là điểm khiến đánh giá năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam còn rất thấp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.
Ngoài 5 dự án đầu tư kể trên, các đại biểu cũng chỉ mặt điểm tên những vướng mắc, ách tắc trong nhiều lĩnh vực. Từ đó, Quốc hội thảo luận để mở ra những hướng đi mới, loại bỏ dần rào cản, vướng mắc để cơ chế quản lý thông thoáng hơn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân ủng hộ chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm.
Kỳ vọng phát triển kinh tế sau đại dịch
Một nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV là đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. Từ báo cáo của Quốc hội cũng như tham luận của các đại biểu, một bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng của kinh tế Việt Nam được ghi nhận.
Điểm nhấn lớn nhất của bức tranh tổng thể nền kinh tế là tốc độ tăng trưởng. Dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng dương và tiếp tục có những tín hiệu tốt, đáng kỳ vọng. Ví dụ, các chỉ số về xuất khẩu cũng như sản xuất công nghiệp, tăng trưởng doanh thu hàng hóa, dịch vụ đều đạt mức tốt.
“Sự phục hồi, phát triển kinh tế của chúng ta rất tốt rồi, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong lộ trình trung hạn, dài hạn của sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế”, Tiến sĩ Võ Mạnh Sơn (đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) nhận xét.
Tốc độ tăng trưởng hiện tại là động lực tốt cho nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều điều kiện thuận lợi để giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn, trong đó quan trọng nhất là môi trường kinh doanh được duy trì tốt, lạm phát giữ ở mức ổn định, các nguồn lực được cân đối hợp lý.
Những gói hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch mới được giải ngân chưa tạo ra hiệu ứng rõ rệt. Tuy nhiên, những biện pháp được thực hiện từ trước đó, như việc hoãn thuế, hoãn nghĩa vụ đóng góp, hoãn trả nợ ngân hàng cũng có tác động rất tích cực đến các doanh nghiệp.
“Kết quả thấy rõ ràng nhất là số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm tăng cao, cao nhất trong rất nhiều năm. Điều này thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta phục hồi khá tốt, có nhiều lợi thế cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển lên”, đại biểu Võ Mạnh Sơn phân tích.
Đại biểu Hoàng Văn Cường bổ sung rằng nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt trước những tác động tiêu cực của tình hình thế giới. Ví dụ, mức lạm phát thế giới tăng vọt, nhiều nước lên mức kỷ lục nhưng Việt Nam giữ được ổn định. Nhiều nước có thể bị đứt gãy, đình trệ xuất khẩu hàng hóa nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta đang phục hồi khá tốt.
"Ảnh hưởng đến nền kinh tế là có, nhưng Việt Nam đỡ hơn so với mức suy thoái của thế giới", GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác tạo điều kiện cho Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế chính là khả năng kiểm soát dịch bệnh, cụ thể là tỷ lệ tiêm phủ vaccine COVID-19.
“Có thể khẳng định rằng chiến dịch tiêm chủng của chúng ta rất thành công, là một trong những nước có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất thế giới. Điều này rất quan trọng để hướng tới miễn dịch cộng đồng, kiềm chế được COVID-19 và đây chính là điều kiện rất quan trọng để chúng ta tập trung phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch”, Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.
Chung quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra 2 dấu mốc cụ thể cho thấy Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, từ đó tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế. Đó là việc chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3 và tổ chức thành công SEA Games 31, được các nước trong khu vực đánh giá rất cao.
“Hàng ngàn khán giả đã đến trên các khán đài để cổ vũ cho các môn thi đấu thể hiện rằng Việt Nam đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch COVID-19 và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh. Điều đó cho chúng ta niềm tin, hy vọng về sự phát triển, tăng tốc trong thời gian tới”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Trong giai đoạn tiếp theo, những gói hỗ trợ, phục hồi sẽ có tác động nhiều hơn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ, trong đó nổi bật là bài toán kiềm chế lạm phát.
GS.TS Trần Hoàng Ngân chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua chỉ chịu tác động mạnh nhất từ các yếu tố chi phí đẩy, chưa có yếu tố cầu kéo rõ rệt. Đây là một trong những lý do giúp Việt Nam duy trì ổn định tỷ lệ lạm phát tốt hơn so với các nước khác trên thế giới.
“Thời gian tới, chắc chắn yếu tố cầu kéo sẽ tác động đến lạm phát khi chúng ta bắt đầu thông qua các chủ trương đầu tư và đi đến các quyết định đầu tư, cũng như triển khai những gói tài khóa, tiền tệ. Đây là một sự thách thức rất lớn”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân dự đoán.
“Chúng ta cần phải kiểm soát giá, ghìm chi phí đẩy, tức là phải giảm các loại thuế, phí để giảm chi phí cho các doanh nghiệp, từ đó có thể tăng được tổng mức đầu tư theo chủ trương được Quốc hội thông qua. Có như vậy chúng ta mới tạo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo được lạm phát nằm trong tầm kiểm soát”.
Thách thức vẫn còn nhiều, nhưng nhìn vào bức tranh tổng thể nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, các đại biểu Quốc hội tin rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí có thể tốt hơn.
"Trong 4 tháng đầu tiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là hơn 5%, một con số khá cao so với bối cảnh chung. Xu thế doanh nghiệp đang phát triển tốt, nếu không có biến động đột biến, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu, thậm chí một số tổ chức trên thế giới đánh giá Việt Nam sẽ vượt mức tăng trưởng 6,5%", GS.TS Hoàng Văn Cường dự đoán.
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa), nền kinh tế Việt Nam có những căn cứ đầy triển vọng để có thể tự tin vào khả năng đạt được mức tăng trưởng đặt ra. Quốc hội và Chính phủ đang rất tích cực, quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Điều này thể hiện quyết tâm phục hồi của các thành phần trong nền kinh tế sau dịch là rất lớn.
Bình luận