Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cho biết, chi phí thuê trực thăng ứng cứu công nhân mắc kẹt do vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, tỉnh Attapeu, Lào bao nhiêu không quan trọng: "Quan trọng nhất là phải ứng cứu kịp thời công nhân của Hoàng Anh Gia Lai", ông Sơn nói.
Trong khi đó, phía Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, số lượng công nhân Việt Nam bị mắc kẹt do vỡ đập thủy điện tại Lào là 26 người. Một số nguồn tin không chính thống cho biết, 26 công nhân bị mắc kẹt đang phải sống trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn lương thực, nước sạch và bị cô lập trong biển nước.
Ông Võ Trường Sơn phủ nhận vấn đề này, vị Tổng giám đốc của HAGL khẳng định, 26 công nhân vẫn an toàn và có đủ lương thực, thực phẩm trong các lán trại.
Ông Sơn tái khẳng định, Hoàng Anh Gia Lai vẫn phải gấp rút đưa họ ra ngoài đề phòng thời tiết xấu hơn. “Công nhân vẫn an toàn nhưng đề phòng tình hình mưa bão có thể tiếp tục, khu vực lán trại bị cô lập hơn, chúng tôi lên kế hoạch gấp rút đưa họ ra ngoài. Trưa nay, trực thăng sẽ đến”, ông Sơn nói.
Về chi phí thuê trực thăng, theo ông Sơn, Hoàng Anh Gia Lai chỉ đơn giản thuê trực thăng chở công nhân của mình ra ngoài để đề phòng bất trắc có thể xảy ra. Chi phí thuê thực thăng có thể lên tới vài chục ngàn đô la Mỹ cũng không quan trọng bằng việc cứu giúp công nhân bị ảnh hưởng bởi vỡ đập.
“Trong bối cảnh thiên tai như vậy, mười mấy ngàn đô la Mỹ, thậm chí 20.000 đô la Mỹ cũng không quan trọng bằng công tác cứu trợ, đảm bảo sinh mạng con người. Hoàng Anh Gia Lai sẽ nỗ lực hết sức”, ông Sơn nói.
Còn về tài sản, ông Sơn cũng không lo lắng. Ông Sơn cho biết, nước lũ khiến trang trại Hoàng Anh Gia Lai bị ngập nhưng đa phần đều là trang trại cao su. Cây cao su cao của Hoàng Anh Gia Lai đã đến tuổi trưởng thành nên nhiều khả năng sẽ không có thiệt hại lớn.
Không chỉ thuê trực thăng đưa 26 cứu giúp công nhân bị ảnh hưởng do vỡ đập thủy điện. Hoàng Anh Gia Lai còn tham gia công tác cộng đồng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, y tế, thu dọn hiện trường cùng các cơ quan chức năng của Lào.
Doanh nghiệp này đã tặng 50 tấn gạo, 5 tấn cá khô, 100.000 gói mỳ tôm, 2.000 bộ quần áo cũ... và gửi 10 bác sĩ từ bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai sang khám và cấp thuốc cho người dân vùng lũ.
Như VTC News đưa tin, nguyên nhân ban đầu gây vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy là do mưa lớn kéo dài và lũ lụt gây ra.
Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy đang được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xepian-Xe Nam Noy (PNPC).
PNPC được thành lập vào tháng 3/2012 bởi SK Engineering & Construction (SK E&C), công ty Western Power của Hàn Quốc (KOWEPO), công ty điện lực Ratchaburi của Thái Lan (RATCH) và tập đoàn nhà nước Lào Laos Holding State Enterprise. (LHSE).
SK E&C hiện nắm giữ 24% cổ phần trong khi PNPC, LHSE giữ 26%, RATCH và KOWEPO chia đều số cổ phần còn lại. Công trình thủy điện này, ước tính tiêu tốn 1,02 tỷ USD và là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Lào.
Sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích; 6 ngôi làng ở Sanamxay bao gồm Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, Samong bị ngập trong nước. Thảm họa đã khiến khoảng 1.300 hộ dân mất nhà cửa.
Video: Toàn cảnh vỡ đập thủy điện tại Lào
Bình luận