Trong năm 2018, nhà đầu tư đã quá quen thuộc với những phiên VN-Index “rơi tự do”. Thế nhưng, đầu tuần này, thị trường chứng khoán vẫn gây sốc khi đánh mất 9 tỷ USD chỉ sau 2 phiên giao dịch.
Cụ thể, trong phiên đầu tuần, VN-Index giảm hơn 25 điểm xuống chỉ còn 987,34 điểm. Mốc 1.000 điểm dễ dàng bị xuyên thủng. Bước sang ngày giao dịch thứ 2 của tuần mới, VN-Index giảm thêm 25,18 điểm và dừng ở mức 962,16 điểm.
Trong 2 ngày thứ 2 và thứ 3 vừa qua, vốn hóa thị trường trên sàn TP.HCM đã “bốc hơi” 92.036 tỷ đồng và 79.227 tỷ đồng. Chỉ trong 2 ngày, sàn TP.HCM đã bị “móc túi” 171.313 tỷ đồng (khoảng 7,51 tỷ USD). Cộng với mất mát trên sàn Hà Nội, đầu tuần này, nhà đầu tư Việt “đánh rơi” tới 9 tỷ USD.
Các đại gia đình đám Việt Nam “đóng góp” nhiều nhất cho đợt “bốc hơi” 9 tỷ USD này của thị trường chứng khoán. Một số gương mặt có thể kể đến như Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam), VJC (Công ty cổ phần hàng không Vietjet), TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank).
Cụ thể, sau 2 ngày giao dịch, VNM của Tổng công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk cũng nằm trong danh sách các đại gia “tím mặt” vì thị trường chứng khoán. Chốt phiên 19/6, VNM giảm 13.700 đồng/CP so với cuối tuần trước khiến vốn hóa thị trường Vinamilk “bốc hơi” 19.885 tỷ đồng.
Đứng sau VNM về tốc độ giảm là GAS. GAS đã giảm 8.900 đồng/CP xuống 87.000 đồng/CP. Đây là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ 15/11/2017. Đà giảm này khiến vốn hóa thị trường GAS “bay hơi” 17.034 tỷ đồng.
Techcombank cũng chịu thiệt hại nặng trong “địa chấn” lần này của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau 2 phiên, TCB giảm 10.200 đồng/CP xuống 95.000 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường Techcombank hao hụt 11.888 tỷ đồng.
VJC cũng lao đao trong 2 ngày qua khi giảm 13.000 đồng/CP. VJC khiến vốn hóa thị trường hãng hàng không giá rẻ Vietjet giảm 8.975 tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trong “địa chấn” này. Cổ phiếu PLX giảm 4.800 đồng/CP xuống 62.500 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Petrolimex bị “thổi bay” 6.210 tỷ đồng.
Sau 2 phiên “địa chấn” này, các công ty chứng khoán vẫn dè dặt khi đưa ra dự báo cho xu hướng của VN-Index. Đa số ý kiến đều khuyên nhà đầu tư tạm thời quan sát và hạn chế sử dụng margin.
Công ty chứng khoán SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục duy trì tỷ trọng ở mức an toàn và quan sát diễn biến thị trường ở các ngưỡng quan trọng nêu trên để có quyết định hợp lý.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới
Công ty chứng khoán BSC nhận định tâm lý thị trường đang tiêu cực trước động thái bán ròng liên tục của khối ngoại trong thời gian qua, và chưa có tín hiệu hồi phục. Nhà đầu tư nên tránh việc sử dụng đòn bẩy (margin) trong giai đoạn này.
Công ty chứng khoán FPTS phân tích thị trường tiếp tục có phiên giao dịch khá tiêu cực khi áp lực bán mạnh có lúc đẩy VN-Index lùi sâu về sát mốc 940 điểm. Tâm lý hoảng loạn tiếp tục chi phối thị trường trên cơ sở sự phụ thuộc của các chỉ số với biến động của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và áp lực bán của khối ngoại.
Tuy nhiên, những dấu hiệu bình ổn cũng đã xuất hiện khi nhiều Bluechips hồi phục mạnh về cuối phiên chiều nhờ sự nhập cuộc của cầu giá thấp. Lực cầu khối ngoại trong phiên cũng hoạt động tích cực hơn giúp thu hẹp chênh lệch bán ròng so với phiên trước.
Video: 3 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2017 là ai?
Kỳ vọng thị trường có thể sẽ sớm cân bằng trở lại sẽ được để ngỏ cho những biến động của phiên 20/06.
Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên thận trọng, quan sát chặt chẽ phản ứng thị trường tại khu vực hỗ trợ để dự phòng rủi ro tiếp diễn chiều giảm giá.
Ở góc nhìn dài hạn hơn, nhà đầu tư có thể tranh thủ chiều giảm để chọn lọc, tìm kiếm cổ phiếu tiềm năng cho giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Bình luận