• Zalo

Ngân hàng 'lắc đầu' với đề xuất giữ lại sân Chi Lăng của Đà Nẵng

Kinh tếThứ Ba, 28/05/2019 14:24:00 +07:00Google News

Đại diện các ngân hàng cho rằng UBND TP Đà Nẵng đề nghị nhận lại SVĐ Chi Lăng với số tiền Phạm Công Danh đã nộp ngân sách là không phù hợp.

Chi Lăng là tài sản thi hành án

Buổi làm việc mới đây giữa UBND TP Đà Nẵng và các bên liên quan trong tiến trình thỏa thuận để sân vận động (SVĐ) Chi Lăng (tài sản phải thi hành án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm) không đạt được kết quả.

Anh-chi-lang

 Sân vận động Chi Lăng là tài sản thi hành án trong vụ án Phạm Công Danh.

Theo đại diện NH Xây dựng Việt Nam và Agribank Chi nhánh Láng Hạ, tính đến ngày 30/4/2019, ông Phạm Công Danh, Công ty Thiên Thanh phải trả các khoản vay và lãi được đảm bảo tài sản SVĐ Chi Lăng số tiền 8.725 tỷ đồng.

Theo đại diện Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng, đơn vị thụ lý thi hành Bản án số 332/2016/HSST ngày 9/9/2016 của TAND TP.HCM và Bản án số 30/2017/HSPT ngày 24/1/2017 của TAND Cấp cao tại TP.HCM do Cục THADS TP.HCM ủy thác.

Cụ thể thi hành đối với khoản buộc Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có nghĩa vụ bồi hoàn cho NH Xây dựng Việt Nam số nợ gốc là 3.646 tỷ đồng và tiền lãi đối với các khoản vay tính theo các hợp đồng tín dụng.

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thành Thành Công phải trả cho NH Xây dựng Việt Nam 300 tỷ đồng và toàn bộ lãi theo hợp đồng tín dụng.

Tổng cộng số tiền nợ gốc phải thi hành là 3.946 tỷ đồng và lãi phát sinh theo các hợp đồng tín dụng.

Bản án tuyên tiếp tục duy trì lệnh kê biên để xử lý thi hành án 8 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng SVĐ Chi Lăng gồm 11 lô đất; giải tỏa kê biên 2 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất gồm 3 lô đất.

Tòa án giao cho NH Xây dựng Việt Nam và Agribank Chi nhánh Láng Hạ quản lý, xử lý theo quy định pháp luật. Số tiền còn lại (nếu có) của tất cả 14 lô đất nêu trên sẽ được tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ khác của bị cáo Phạm Công Danh và Công ty Thiên Thanh trong vụ án này.

Mong muốn của Đà Nẵng khó thực hiện

Tại buổi thỏa thuận, đại diện UBND TP Đà Nẵng nêu quan điểm: Khi giao SVĐ Chi Lăng cho Công ty Thiên Thanh, khu đất này vẫn chưa được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và việc giao đất nêu trên không thông qua hình thức đấu giá theo quy định.

Anh-chi-lang 1

Mong muốn của Đà Nẵng là được giữ lại Sân vận động Chi Lăng. 

Thời điểm giao đất vẫn chưa có đủ mặt bằng, hiện còn người sử dụng đất khác đang sử dụng trên đất giao cho Cty Thiên Thanh (40/98 hồ sơ chưa được bàn giao đất).

Kết luận 2852 ngày 2/11/2012 của Thanh tra Chính phủ xác định việc giảm 10% tiền sử dụng đất (tương ứng số tiền 139.304.330.000 đồng) khi giao đất cho Công ty Thiên Thanh là không có căn cứ, cần phải truy thu vào ngân sách.

Do đó, quan điểm của UBND thành phố là được giữ lại toàn bộ SVĐ Chi Lăng và sẽ thực hiện việc hoàn trả lại số tiền sử dụng đất cùng các khoản tài chính khác có liên quan mà Cty Thiên Thanh đã thực nộp vào ngân sách.

Theo đại diện NH Xây dựng Việt Nam và Agribank Chi nhánh Láng Hạ, tính đến ngày 30/4/2019 ông Phạm Công Danh, Công ty Thiên Thanh phải trả các khoản vay và lãi được đảm bảo tài sản SVĐ Chi Lăng số tiền 8.725 tỷ đồng.

Vì vậy, việc UBND thành phố đề nghị nhận lại SVĐ Chi Lăng với số tiền Phạm Công Danh đã nộp ngân sách là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.

Trong khi đó, đại diện ông Phạm Công Danh, Cty Thiên Thanh cho rằng, hiện nay vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 thì NH xây dựng Việt Nam phải hoàn trả lại cho Phạm Công Danh trên 2.100 tỷ đồng theo Bản án phúc thẩm số 712 ngày 25/12/2018 của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Do đó các bên cũng sẽ ngồi lại với nhau để xem xét giải quyết việc đối trừ; cách thức tính lãi đến nay. Cty Thiên Thanh đề nghị UBND thành phố xem xét lại số tiền hoàn lại để nhận lại Khu phức hợp SVĐ Chi Lăng đã hợp lý hay chưa để có phương án giải quyết phù hợp, đảm bảo quyền lợi của các bên.

Luật sư nói gì?

Luật sư Lê Cao - Công ty Luật FDVN (thuộc đoàn luật sư Đà Nẵng) nhìn nhận, theo nội dung mà NH Xây dựng trình bày thì có thể thấy họ sẽ không hy sinh quyền lợi chính đáng của mình và các cổ đông.

“Nếu có một giải pháp nào đó để NH vẫn thu hồi tiền nợ vay thì tôi nghĩ câu chuyện thỏa thuận để TP Đà Nẵng giữ lại được sân Chi Lăng mới khả quan, nếu không sẽ rất khó”, Luật sư Lê Cao nói.

Cũng theo vị luật sư này, UBND TP Đà Nẵng đưa ra nguyện vọng là giữ lại SVĐ Chi Lăng và thực hiện trả lại số tiền sử dụng đất và các khoản tài chính khác có liên quan mà Tập đoàn Thiên Thanh đã thực nộp vào ngân sách.

Anh-chi-lang 2 3

Sân Chi Lăng hiện vẫn bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng. 

Tuy nhiên, tài sản là SVĐ Chi Lăng đã được Thiên Thanh thế chấp để thực hiện việc vay vốn tại NH. Vậy nên, quan điểm của NH, Thiên Thanh cho rằng cần phải xét tới hoàn cảnh, thời điểm mà các bên đã thực hiện giao dịch để có phương án xử lý là hoàn toàn phù hợp.

“Quan hệ giữa Đà Nẵng và Thiên Thanh là quan hệ mua bán, chuyển nhượng tài sản, còn quan hệ giữa Thiên Thanh với NH là một quan hệ về tín dụng”, ông Lê Cao giải thích.

Nếu thực tế có việc cấp đất, giao đất, chuyển nhượng đất trái pháp luật thì phải có các quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực mới tước đi quyền sử dụng, sở hữu các tài sản thế chấp của chủ thể đem tài sản này đi thế chấp. Việc thế chấp này đã được tòa án xác nhận là hợp pháp và đang được thi hành án buộc các bên phải thi hành theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Lê Cao, để giải quyết dứt điểm sự việc này, UBND TP Đà Nẵng có thể thỏa thuận với Thiên Thanh và NH Xây dựng theo hướng, UBND sẽ thanh toán nợ gốc cho NH, số tiền lãi thì các bên có thể thỏa thuận cho phù hợp lợi ích các bên.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn