Kiểm toán Nhà nước: Quỹ của cơ sở thờ tự cũng cần được kiểm toán như doanh nghiệp

Kinh tếThứ Sáu, 11/10/2019 07:45:00 +07:00

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho rằng quỹ của cơ sở thờ tự cần được kiểm toán như doanh nghiệp, nhân vụ việc sư Thích Thanh Toàn xin giữ 300 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc.

Trả lời trên báo Lao Động mới đây, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III, đại diện Kiểm toán Nhà nước khẳng định, nguồn tiền tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là loại quỹ công cần có sự kiểm soát.

Theo ông Thăng, ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn quỹ công này được kiểm soát rất tốt và thông thường họ thông qua cơ chế kiểm toán nhằm mục đích kiểm soát, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong việc sử dụng. Tuy nhiên, ở nước ta, việc kiểm soát nguồn quỹ công từ các cơ sở thờ tự, đền chùa còn có lỗ hổng pháp lý.

Đánh giá từ cơ quan kiểm toán cho biết, những năm vừa qua, các cơ sở thờ tự, các khu du lịch tâm linh với quy mô rất lớn và thu hút được nhiều người dân đang phát triển mạnh. Song Nhà nước vẫn chưa có cơ chế quản lý, kiểm soát những nơi này.

le-dinh-thang

 Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III, Kiểm toán Nhà nước. 

Sự việc nhà sư Thích Thanh Toàn tại chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc) chỉ là một điểm nhỏ trong lỗ hổng pháp lý hiện nay, có thể dẫn tới thực trạng lạm dụng tiền công đức của dân. Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho rằng qua sự việc này, cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán như doanh nghiệp đối với quỹ của các cơ sở thờ tự.

Việc nhà sư Thích Thanh Toàn giữ lại tài sản trị giá hơn 300 tỷ đồng sau khi xả giới, hoàn tục khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn tiền đổ vào các cơ sở thờ tự hàng năm. Liệu lượng tiền lớn đổ vào nơi thờ tự có cần phải quản lý, kiểm toán như đối với doanh nghiệp? 

Trả lời VTC News về vấn đề này, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tất cả những hoạt động của tổ chức thờ tự, chùa chiền hay từ thiện đều nên được quy thành hình thức quỹ công, phi lợi nhuận. Hình thức này giúp các tổ chức minh bạch hóa số tiền có được từ nhiều hoạt động, trong đó bao gồm hợp thức hóa việc đóng thuế hay không đóng thuế, đóng nhiều hay ít, đóng với mức như thế nào. 

tri-hieu 3

 TS Nguyễn Trí Hiếu.

Theo ông Hiếu, trên thế giới vẫn có nhiều tổ chức hoạt động theo hình thức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có quy định thành lập các tổ chức như thế này để các tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động. 

Tổ chức phi lợi nhuận thường có các khoản tiền tài trợ từ xã hội đóng góp vào. Nhưng hoạt động ra sao cũng phải báo cáo thuế, báo cáo kết quả kinh doanh phi lợi nhuận. Căn cứ vào đó, Chính phủ các nước sẽ có chính sách thuế riêng cho tổ chức đó. 

Nhưng Việt Nam hiện nay không có quy định này. Hay nói chính xác, thể chế Việt Nam chưa tạo ra được các hành lang pháp lý để kiểm soát các dòng tiền quỹ công. Cơ sở thờ tự ở Việt Nam chưa có một tư cách pháp nhân nào trong thể chế. Điều này nguy cơ bị cá nhân nhân danh cơ sở thờ tự để trục lợi, thu về những khoản tiền không minh bạch. 

thich-thanh-toan

 Nhà sư Thích Thanh Toàn kê khai tài sản có giá trị khoảng sau 300 tỷ đồng trong thời gian làm trụ trì chùa Nga Hoàng, Vĩnh Phúc.

Trong tương lai, Việt Nam cần triển khai việc xây dựng quy chế cho thành lập các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận để các cơ sở thờ tự như nhà chùa có đủ hành lang pháp lý hoạt động và quản lý một cách minh bạch các nguồn tiền đổ vào. Do nguồn tiền đổ vào những nơi thờ tự hàng năm là rất lớn nên theo ông Hiếu: "Phải thay đổi tư duy về cách quản lý, phải coi các quỹ công đức, thiện nguyện là quỹ công và phải được kiểm toán chặt chẽ để cá nhân không trục lợi được".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng, sư Thích Thanh Toàn muốn thu về 300 tỷ đồng thì cần phải chứng mình đó là nguồn tài sản của riêng mình. “Việc chứng minh phải dựa trên các loại giấy tờ mua bán, sở hữu, quản lý đất đai. Trong trường hợp không chứng minh được, ông Toàn cần trả lại tài sản cho nhà chùa”, TS Long nói. 

Nói về sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm toán đối với các nguồn tiền công đức trong nhà chùa hay cơ sở thờ tự, theo ông Long, điều này không hề dễ. Bởi xưa nay, nhiều hoạt động trong các cơ sở thờ tự vẫn mập mờ giữa tiền công đức, cung tiến nhà chùa hay của vị sư trụ trì. 

"Trường hợp đối với sư Toàn, cần làm rõ số tiền 300 tỷ đồng do đâu mà ra. Của cải không phải từ trên trời rơi xuống. Nếu có kinh doanh cũng cần phải tuân thủ theo quy định đạo luật của Phật giáo", ông Long nói. 

Trước sự việc của nhà sư Thích Thanh Toàn, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn tiền đổ vào các cơ sở thờ tự hằng năm. Trong đó có câu hỏi, số tiền này phải quản lý thế nào để không đổ vào túi một cá nhân?

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn