Sáng 9/7, kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV (nhiệm kỳ 2016-2021) tiếp tục diễn ra ngày họp thứ hai tại trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội.
Theo chương trình kỳ họp, HĐND TP Hà Nội sẽ dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về một số nhóm vấn đề có tính thời sự, bức xúc, nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.
Nội dung chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP; nội dung thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Tại phiên chất vấn sáng nay, nhiều đại biểu chất vấn lãnh đạo các sở, ban, ngành về vấn đề quản lý dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai. Phần lớn ý kiến của các đại biểu thắc mắc vì sao các dự án này chậm triển khai, giải pháp xử lý của TP như thế nào?
Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi: “Triển khai kết luận HĐND TP đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm luật đất đai, UBND TP đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẩn trương rà soát dừng 47 dự án vi phạm. Đến nay đã dừng được 40 dự án, còn 7 dự án chưa thực hiện thu hồi đất, 1 dự án được điều chỉnh kế hoạch đầu tư. Vậy bao giờ TP sẽ thực hiện xong việc dừng các dự án còn lại và trách nhiệm Sở KH&ĐT đến đâu?”.
Đại biểu Trần Vân Hoa (Tây Hồ) chất vấn: "Qua giám sát, có 38/78 dự án vi phạm đất có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4 ha. Đến nay, còn 18 dự án chưa được thu hồi trên thực địa. Đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết kế hoạch xử lý của UBND TP đối với 18 dự án này thế nào, bao giờ mới thu hồi, lý do gì và rào cản nào khiến cho quyết định của TP không có hiệu lực, phương án để giải quyết?".
Trong khi đó, đại biểu Lê Vĩnh Sơn (Đông Anh) thắc mắc việc Sở TN&MT còn 36 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung và đề nghị Sở này cho biết nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm và các biện pháp để xử lý tồn tại này.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tại báo cáo giải trình của UBND TP, trên cơ sở thông báo số 18 của HĐND TP, TP đã ban hành kế hoạch, giao rõ trách nhiệm cho các sở ngành. Sở KH&ĐT được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch UBND TP chỉ đạo giải trình. Trong đó, có 8 dự án nhà ở thuộc huyện Mê Linh, giao Sở TN&MT chủ trì; còn 39 dự án giao Sở rà soát và tham mưu, xử lý. Trong 39 dự án, đến nay, có 33 dự án, Sở đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND TP, có hướng xử lý.
“Trong quá trình rà soát, có một số tồn tại như các dự án do quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ thông tin và tính pháp lý dự án; một số sở ngành, ủy ban chưa chủ động, nhiều chủ đầu tư không thực hiện báo cáo giám sát đánh giá đầu tư; đánh giá nguyên nhân còn chậm; một số dự án có hồ sơ pháp lý nhưng quá trình triển khai phức tạp chờ kết luận thanh tra điều tra, nhiều dự án chậm điều chỉnh quy hoạch, cơ chế đất đai có nhiều thay đổi; công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành”, ông Quyền phát biểu.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội đưa ra giải pháp: “Rà soát văn bản quy định pháp luật có liên quan, sớm ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp với điều kiện TP; hoàn chỉnh các quy hoạch có liên quan, công bố danh mục đầu tư tăng cường kiểm soát tiến độ thực hiện, thanh tra, thu hồi dự án sai phạm, phần mềm hoàn thiện”.
Về trách nhiệm của Sở TN&MT, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, về 18 dự án vi phạm (như tại Ba Đình, Phú Xuyên, Hoài Đức…) mà TP đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, các chủ đầu tư vi phạm việc bồi thường hỗ trợ theo quy định khi nhà nước thu hồi đất, khi rà soát lại cho thấy: Các trường hợp này chậm thực hiện GPMB, các tổ chức không phối hợp, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để Hội đồng GPMB quận huyện tiến hành GPMB, không cung cấp tài liệu, không bàn giao nhà xưởng…
Trước đây, theo quy định của Luật Đất đai 2013, cấp nào có quyết định thu hồi đất thì cấp đó ra quyết định cưỡng chế, gây khó khăn cho các quận, huyện trong tổ chức cưỡng chế vì việc ký quyết định cưỡng chế thuộc UBND TP.
Đến 2017, Nghị định 01 của Chính phủ có quy định mới là việc ra quyết định này thuộc thẩm quyền UBND quận, huyện nên Sở kiến nghị các quận, huyện tổ chức GPMB với 18 dự án này, nếu chủ đầu tư không phối hợp thì tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Với việc xác định nghĩa vụ tài chính với 26 dự án, Sở đã tổ chức thuê tư vấn, xác định nghĩa vụ tài chính với 23 dự án, chủ đầu tư đã nộp tiền theo quy định. Còn 3 dự án gồm: Bãi đỗ xe công cộng ở Phùng Khoang đang đôn đốc GPMB; với dự án Công ty CP lắp máy ở Phú Thượng và dự án ở 275 Nguyễn Trãi (Công ty Hưng Việt), Sở đã thuê tư vấn, trong tuần tới sẽ triển khai.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện có dự án liên quan giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu.
Chiều nay, HĐND TP Hà Nội sẽ nghe chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Bình luận