Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2018, xuất khẩu hải sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.
Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt khoảng 3,5 tỷ USD; xuất khẩu hải sản đạt khoảng 3,15 tỷ USD và xuất khẩu cá tra đạt khoảng 2,25 tỷ USD.
Ngành thuỷ sản VN vẫn chinh phục các thị trường: Mỹ đạt 1,63 tỷ USD, tăng 15,7%; EU đạt 1,47 tỷ USD, tăng nhẹ 0,7%; Nhật Bản đạt 1,39 tỷ USD, tăng 6,4%...
Doanh nghiệp đua nhau báo lãi
Cùng với mức tăng trưởng chung của ngành, hàng loạt doanh nghiệp thuỷ sản công bố mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018.
Đại diện ưu tú nhất của ngành cá tra Việt Nam là Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa thông báo đã lập kỷ lục về doanh số bán hàng trong tháng 12 với mức tăng 76% so với cùng kỳ, đạt 39 triệu USD nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng lần lượt 28% và 37%.
Vĩnh Hoàn cho biết, giá cá tra trên tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều đạt mức cao, nguyên nhân là bắt đầu từ 2017, ngành công nghiệp cá tra đã phải đối mặt với thiếu hụt con giống do thời tiết lạnh, dẫn đến thiếu hụt cá tra nguyên liệu. Thêm vào đó, nhu cầu tăng đột biến ở thị trường Trung Quốc với loại cá này cũng đẩy giá tăng cao.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành cá tra là Thuỷ sản Nam Việt (ANV) cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Báo cáo tài chính quý IV/2018 của công ty này cho thấy, Navico đã hoàn thành vượt 28,7% mục tiêu về doanh thu và vượt tới 140% mục tiêu về lợi nhuận năm 2018 với 4.118 tỷ đồng doanh số, tăng 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 600 tỷ đồng cao gấp 4,2 lần so với năm 2017.
Ở mặt hàng tôm, Thuỷ sản Minh Phú (MPC) – doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới tại Việt Nam cũng cho biết năm 2018 là năm thành công với tổng sản lượng đạt 67.444 tấn, tăng 19,55% so với năm 2017. Theo đó, Minh Phú ước đạt 24.071 tỷ đồng doanh số, lãi sau thuế 1.129 tỷ đồng, vượt 14% chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.
Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng vừa công bố mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2018 nhờ giá tôm tăng mạnh trong nửa cuối năm. FMC cho biết, doanh số tiêu thụ ước đạt 4.568 tỷ đồng vượt 5%. Riêng lợi nhuận đạt trên 200 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 60 tỷ. Đây là mức lãi lớn nhất của FMC từ trước đến nay.
Thủy Sản Cà Mau (CMX), doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong nhiều năm qua cũng có được kết quả kinh doanh thuận lợi với mức lợi nhuận cao nhất lịch sử. Báo cáo tài chính quý IV của CMX cho thấy, công ty này đạt 1.062 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 78 tỷ đồng tăng 192% so với năm 2017.
2019 - Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn
Theo các chuyên gia tại Hội thảo thị trường xuất khẩu cá tra toàn cầu, sự phát triển của cá tra sẽ tiếp tục trong năm 2019 và kỳ vọng đạt 3 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm trước. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cũng dự báo, nhu cầu tại thị trường Mỹ được kỳ vọng duy trì mạnh trong năm 2019 với giá giữ ở mức cao khi các rào cản ở Mỹ đã giảm bớt. Thị trường Trung Quốc, Hồng Kông còn dư địa tăng trưởng rất tốt nhờ vào nhu cầu lớn, đa dạng về sản phẩm và mức giá.
Sau một thời gian dài suy yếu, thị trường châu Âu cũng có dấu hiệu bình phục với 244 triệu USD, tăng 20%. Giới đầu tư đang kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có thể sẽ được phê duyệt vào đầu năm 2019. Nếu EVFTA được phê duyệt, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu thuế suất bằng không, trong khi Thái Lan vẫn ở mức 20%, tạo nên lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Việt.
Một yếu tố quan trọng khác có thể ảnh hưởng tích cực đến thuỷ sản Việt Nam theo nhận định của các chuyên gia kinh tế là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. Do đó, năm 2019, cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ khiến tỷ trọng của cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ giảm.
Với sản phẩm tôm, VASEP cho rằng chiến tranh thương mại khiến hai nước Mỹ - Trung đều nâng các mức thuế nhập khẩu nên dòng chảy thương mại tôm giữa Mỹ và Trung Quốc chậm lại. Các nước cung cấp tôm cho Trung Quốc như Canada, Nga, Australia, và New Zealand, và các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Indonesia, Thái Lan, Mexico, Brazil và Việt Nam đều được lợi. Chiều ngược lại, lượng tôm nguyên liệu từ VN xuất khẩu sang TQ sẽ giảm.
Theo đó, các DN trong ngành cũng mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cho năm 2019. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Navico dự doanh số tăng mạnh lên 6.000 tỷ, lãi sau thuế 700 tỷ đồng. Minh Phú cũng dự kiến lượng tôm năm nay sẽ có sản lượng tốt, bởi tình hình khả quan năm 2018 sẽ kích thích dân nuôi tôm dẫn đến sản lượng dự kiến tăng, với nguồn nguyên liệu dồi dào kéo giá nguyên liệu giảm, lợi nhuận theo đó sẽ cao hơn. Kế hoạch, 2019, Minh Phú dự kiến đạt 77.400 tấn sản lượng, tương đương 850 triệu USD kim ngạch và mang về 2.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Giảm phụ thuộc vào tín dụng
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng các DN trong ngành cũng cần phải thận trọng khi mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc gia tăng nợ vay. Lịch sử cho thấy, DN thuỷ sản thường dễ tổn thương bởi nợ vay. Chẳng hạn như trường hợp của CMX, việc chi trả lãi vay lớn từ năm 2011 khiến cho hoạt động kinh doanh của DN này gặp nhiều khó khăn. Mãi đến năm nay, CMX mới thoát lỗ luỹ kế nhờ khoản lợi nhuận trong 2 năm 2017 và 2018.
Hay như CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) vẫn đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn trong nhiều năm qua. Năm lực tài chính kém khiến AGF không thể tận dụng điều kiện tốt của thị trường mà tiếp tục kinh doanh đi xuống với doanh số giảm gần ½ so với năm trước, lỗ ròng 178 tỷ đồng. Thủy sản Hùng Vương, công ty mẹ của AGF cũng đang phải miệt mài bán tài sản để trả nợ, hoạt động kinh doanh chính suy giảm nặng nề nhiều năm nay do bạo vay để tài trợ cho hoạt động thâu tóm của mình trước đó.
Đến cả ‘Vua tôm’ Minh Phú cũng gặp nhiều khó khăn với khoản lãi hàng trăm tỷ dẫn đến lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2015. Có vẽ như sau khi ngấm được bài học này, Minh Phú cho biết sắp có kế hoạch phát hành riêng lẻ 75,72 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư cho là Mitsui & Co.,Ltd; Hanwa Co., Ltd; Royal Holdings Co., Ltd và các nhà đầu tư khác, thương vụ chào bán này có giá trị khoảng 230-250 triệu USD nhằm tăng vốn tự có và giảm lệ thuộc vào vốn ngân hàng.
Chiều ngược lại, Vĩnh Hoàn vẫn đang cho thấy mức tăng trưởng ổn định nhất trong nhiều năm qua nhờ vào một nền tảng tài chính vững chắc và ít lệ thuộc vào nợ vay.
Bình luận