• Zalo

Không bán ấn đền Trần, sao dân vẫn mất tiền?

Thời sựThứ Sáu, 02/03/2018 16:30:00 +07:00Google News

Trong lễ phát ấn vào sáng 2/3 tại đền Trần (Nam Định), nếu dân không bỏ tiền vào hòm công đức sẽ không có tờ ấn nào được đưa ra.

Trước lễ khai ấn đền Trần một ngày, trả lời phỏng vấn VTC News, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, bà Phạm Thị Oanh khẳng định từ xưa đến nay ấn vẫn được phát và người dân không phải trả tiền.

Nhưng thật bất ngờ, trong lễ phát ấn vào sáng nay (2/3), nếu người dân không ‘chìa’ tiền sẽ không có tờ ấn nào được đưa ra.

DSCF6496 5

Người dân cầm sẵn tiền trên tay trước khi được phát ấn.

Anh Minh Hải đến từ Hà Nội chia sẻ: “Qua báo chí, tôi được biết đền trần sẽ không bán ấn mà sẽ tổ chức phát cho dân, nhưng sáng nay tôi vẫn phải bỏ tiền mới có được ấn.

Tôi không tiếc vài chục nghìn, vì mình xếp hàng vài tiếng để đợi lấy ấn còn được, nhưng những cái tâm linh nói như nào thì cần phải thực hiện lời hứa như đấy”.

Trong khi đó, anh Hà Thành - người dân Nam Định cho hay, anh buộc phải bỏ tiền công đức nếu muốn có ấn.

“Tôi có thắc mắc với những người phát ấn là vì sao phải đóng từ 20 nghìn đồng trở lên mới được phát ấn, nhưng họ từ chối giải thích”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để có được một tờ ấn bằng giấy, người dân sẽ phải bỏ ra ít nhất 20 nghìn đồng.

Số tiền có thể lớn hơn, tùy thuộc vào mức độ chi trả, bù lại người dân sẽ nhận được số ấn tương ứng với số tiền bỏ ra. Ví như, công đức 150 nghìn đồng thì sẽ nhận được 6 cái ấn.

Nhiều người cho rằng, để ‘cụ thể hóa’ lời nói rằng ấn không phải để bán, Ban tổ chức lễ hội đền Trần đã cho sử dụng hòm công đức như một sự ‘phù phép’ từ cái thiếu hợp lý thành cái có tình. Bởi với nhiều người việc công đức nghe sẽ dễ chịu hơn là bỏ tiền ra mua.

DSC04314 9

'Biển người' chờ lấy ấn từ ban tổ chức.

Trao đổi với phóng viên VTC News chiều 2/3 về việc người dân vẫn phải bỏ tiền lấy ấn, ông Nguyễn Đức Bình - Phó ban tổ chức lễ hội đền Trần, Trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần, chùa Tháp Nam Định trần tình: “Theo tín ngưỡng thì người Việt mình muốn sở hữu một cái gì mang yếu tố tâm linh thì hay để lại tiền, mà người ta hay gọi là “giọt dầu”, còn nói mua bán là không đúng”.

Nhưng lời giải thích với việc nhấn mạnh “giọt dầu” ở đây của Ban tổ chức rõ ràng chưa thật sự thỏa đáng. Nếu nói là tùy tâm, “giọt dầu” thì ngay cả khi người dân chỉ công đức 5 hay 10 nghìn đồng thì vẫn có ấn, sao nhất thiết phải tối thiểu 20 nghìn đồng?

Rõ ràng, việc đưa ra con số tối thiểu cho một lần nhận ấn giá 20 nghìn đồng là một ràng buộc kinh tế, vậy thì đây có còn gọi là tùy tâm, lòng thành nữa hay không? Hay nói một cách khác, những gì đã nói từ ban tổ chức trước đó chỉ là đãi bôi (!?)

QUYẾT THẮNG
Bình luận
vtcnews.vn