Cà Mau là địa phương thứ hai ở miền Tây (sau Tiền Giang) chịu nhiều ảnh hưởng trong mùa khô năm nay. Từ đầu mùa khô đến nay, tình trạng sông ngòi, kênh rạch cạn nước, đường sụt lún liên tục xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh này.
Trần Văn Thời và U Minh là hai huyện ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt hạn mặn. Chính vì thế, ngày 15/4, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 tại hai địa phương này.
Ghi nhận của PV VTC News ngày 20/4, nhiều con kênh ở huyện Trần Văn Thời nước chỉ còn khoảng một gang tay. Các nhánh sông nhỏ khô khốc, trơ đáy, không còn một giọt nước.
Tại nhánh kênh dẫn vào ấp Bình Minh 2 (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), đáy kênh khô cứng, trở thành lối đi bộ của người dân. Kênh rạch cạn nước, đồng nghĩa với việc giao thương bằng đường thủy của người dân bị cắt đứt.
Ngoài ảnh hưởng đến giao thương, việc các dòng kênh khô hạn còn khiến đất hai bên bị co ngót, sụt lún đường sá. Chỉ sau 2 tháng từ thời điểm mùa khô diễn ra, huyện Trần Văn Thời đã xảy ra hơn 600 điểm sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài gần 16km, tập trung chủ yếu tại ấp Bình Minh 2.
Theo người dân sống tại ấp Bình Minh 2, con đường bê tông hai bên sông là điều người dân chờ đợi nhiều năm nay. Con đường vừa hoàn công và đưa vào sử dụng chưa đầy một năm nay. Trước đây, lối dẫn vào ấp chỉ là con đường đất lồi lõm ổ gà.
Ông Nguyễn Minh Phúc, người dân ấp Bình Minh 2 cho biết: "Xưa là đường đất, năm ngoái có đường bê tông cả ấp ai cũng mừng, thế mà sử dụng chưa được một năm lại gặp hạn mặn. Hơn 10km đường tan tành".
Đường đổ sập hoàn toàn khiến nhiều gia đình bị "giam" trong nhà.
"Hạn mặn cứ kéo dài thế này có khi đất co ngót, sập luôn cả nhà chứ không phải mỗi đường như hiện tại. Nhà tôi đất sụt đến chân nhà rồi", anh Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp Bình Minh 2 nói.
Đường sụt lún để lại những hố sâu, người dân chỉ còn cách dùng gậy gộc chống giữ tạm thời.
Cũng tại xã Trần Hợi, cạnh bên những dòng kênh trơ đáy và con đường đổ sập là những vườn hoa màu chết khô vì không có nước tưới.
Còn tại xã Khánh Bình Đông, tình trạng khô hạn đáng báo động hơn khi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn trầm trọng. Nước mặn và ngọt được ngăn cách bởi một con đê, mang sự đối lập hoàn toàn.
Những dòng nước ngọt trên các dòng kênh nay bị nhiễm phèn, chuyển màu cam sẫm, đục ngàu.
Ông Vi Văn Phong, ngụ xã Khánh Bình Đông cho biết, gia đình ông và 16 hộ lân cận chịu tình cảnh thiếu nước sinh hoạt nhiều tháng nay. Nguồn nước bị nhiễm phèn, các hộ dân tại đây phải đi đổi nước sạch từ xa để sử dụng.
Cách đây vài ngày, các hộ dân nhận được nước sạch từ xe chở nước của UBND tỉnh đến tiếp tế. Với người dân xã Khánh Bình Đông, số nước được tiếp tế là điều quý hơn cả với họ ở thời điểm này.
Trước tình hình hiện tại, chính quyền tỉnh Cà Mau đề nghị huyện Trần Văn Thời và U Minh triển thực hiện các giải pháp về cấp và trữ nước cho người dân ở khu vực thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, hỗ trợ dụng cụ chứa, hóa chất xử lý nước, vận chuyển nước từ nơi khác đến vùng không có nước để người dân sử dụng. Tuyệt đối không để người dân không có nước sử dụng trong sinh hoạt.
Đối với các tuyết đường đã và có nguy cơ sụt lún, các sở ngành liên quan và địa phương phải liên tục rà soát để cảnh báo, có giải pháp giảm tối đa thiệt hại đối với người dân.
Bình luận