Đầu tháng này, Iran và Ả-rập Xê-út đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm và ký một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Đây được xem là thỏa thuận đột phá cho khu vực, đồng thời cho thấy các trật tự mối quan hệ và liên minh vốn chi phối hoạt động ngoại giao trong nhiều thế hệ, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, đang thay đổi.
Theo National Interest, trong khi một số ý kiến cho rằng việc nối lại quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Iran là một thành công ngoại giao nổi bật đối với Trung Quốc, thì những người khác cho rằng Bắc Kinh chỉ đang cố gắng chen chân vào một khu vực chiến lược và đóng vai người hòa giải.
Sau một số chính sách hướng ra ngoài được cho là không thực sự hiệu quả - như chiến dịch nhằm tăng đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, hay ngoại giao chiến lang, việc có được vai trò trong thỏa thuận giữa các đối thủ hàng đầu ở Trung Đông đã giúp Trung Quốc tận dụng các mối quan hệ năng lượng trong khu vực.
Cũng ở đây, Mỹ được bình luận là gặp khó khăn trong việc giúp các đồng minh của chính mình phản ứng với chương trình hạt nhân của Iran, cũng như các vấn đề như phiến quân ở Yemen. Mỹ cũng để cho mối quan hệ của mình với đồng minh lâu năm Ả Rập Xê-út ngày càng xấu đi.
Các quan chức cấp cao của Ả Rập Xê-út, Trung Quốc, Iran.
Trung Quốc thắng lớn?
Diễn biến mới nhất liên quan đến thỏa thuận Ả Rập Xê-út – Iran không phải tự dưng mà có. Trung Quốc phát triển mối quan hệ chính trị và kinh tế mạnh mẽ với Trung Đông thông qua tăng cường thương mại và đầu tư trong khu vực. Bằng cách duy trì dòng tiền ổn định, Bắc Kinh đã biến quan hệ đối tác kinh tế thành quan hệ chính trị. Như người Anh thường nói: “binh lính đi sau các thương gia".
Theo National Interest, một số phương tiện chiến lược mà Trung Quốc có thể đã sử dụng là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - được mở rộng sang một số quốc gia Trung Đông, chẳng hạn như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là “đối tác đối thoại”. Sự phát triển này không đến trong một sớm một chiều mà thể hiện tốc độ gia tăng ảnh hưởng có chủ ý của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Trung Đông và hơn thế nữa. Các hợp đồng gần đây trong BRI liên quan đến ba cảng, hai ở Israel và một ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; hàng nghìn dặm đường sắt và đường cao tốc; 12 hợp đồng 5G; một nhà máy sản xuất máy bay không người lái; một dự án mở rộng trên kênh đào Suez trị giá 8,5 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đầu tư gần 5 tỷ USD vào vùng kinh tế của kênh đào. Khoản đầu tư tích lũy của Trung Quốc vào vùng Vịnh là 137,27 tỷ USD, vào cả Trung Đông từ 2005 đến 2021 là 213,9 tỷ USD.
Trung Quốc cũng là khách hàng lớn nhất đối với cả dầu mỏ của Ả Rập Xê-út và Iran, điều này giải thích mối quan tâm của Bắc Kinh trong thỏa thuận giữa hai bên và việc họ nằm trong số những người hưởng lợi hàng đầu từ BRI. Người Trung Quốc đồng ý đầu tư 400 tỷ USD trong 25 năm tới vào các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, cảng, đường sắt, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin của Iran để đổi lấy nguồn cung dầu mỏ giảm giá mạnh của Iran.
Với những lý do này, ngay cả những nhà lãnh đạo có thể thân thiện với phương Tây cũng sẽ không đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực, do những lợi ích kinh tế mà các quốc gia của họ có thể đạt được thông qua quan hệ với Bắc Kinh.
Mỹ bị đẩy sang bên lề?
Mỹ cũng đầu tư rất nhiều vào Trung Đông, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì an ninh khu vực – điều ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của chính họ. Người Mỹ đóng vai trò trung tâm ở Trung Đông trong ba phần tư thế kỷ qua, hầu như luôn có mặt trong một thời điểm thay đổi quan trọng, nhưng giờ họ như đứng ngoài lề.
Amy Hawthorne, phó giám đốc nghiên cứu của Project on Middle East Democracy (Dự án Dân chủ Trung Đông - một nhóm phi lợi nhuận ở Washington) cho biết trên New York Times: “Đây là một vấn đề lớn. Mỹ đã không thể làm trung gian cho một thỏa thuận như vậy ngay bây giờ với Iran, vì chúng tôi không có quan hệ. Nhưng theo một nghĩa rộng hơn, thành tựu uy tín của Trung Quốc đưa nước này vào một liên minh mới về mặt ngoại giao và vượt trội hơn bất cứ điều gì mà Mỹ có thể đạt được trong khu vực kể từ khi ông Biden lên nắm quyền”.
Nhà Trắng công khai hoan nghênh việc tái lập quan hệ ngoại giao giữa A-rập Xê Út và Iran và không bày tỏ lo ngại về vai trò của Bắc Kinh trong việc đưa hai bên trở lại với nhau. Ở hậu trường, các trợ lý của ông Biden cho rằng bước đột phá đã được chú ý quá nhiều, không đồng tình với những ý kiến cho rằng nó cho thấy sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Chìa khóa của thỏa thuận, theo những gì người Ả Rập Xê-út nói với người Mỹ, là cam kết của Iran ngừng các cuộc tấn công tiếp theo vào Ả Rập Xê-út và cắt giảm hỗ trợ cho các nhóm lính nhắm vào vương quốc này. Iran và Ả Rập Xê-út đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm tàn khốc ở Yemen, nơi phiến quân Houthi liên kết với Tehran chiến đấu với lực lượng Ả Rập Xê-út trong 8 năm. Một thỏa thuận ngừng bắn được đàm phán với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và chính quyền Biden vào năm ngoái đã phần lớn ngăn chặn các hành động thù địch.
Ả Rập Xê-út đã tìm cách đình chỉ chiến sự với Iran trong nhiều năm, đầu tiên thông qua các cuộc đàm phán được tổ chức tại Baghdad mà cuối cùng không đi đến đâu. Các quan chức chính quyền Biden cho biết Ả Rập Xê-út đã thông báo cho họ về các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh, nhưng người Mỹ bày tỏ sự hoài nghi về việc Iran sẽ tuân thủ các cam kết mới của mình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman.
Lá bài ngoại giao phức tạp của Trung Đông
Trung Quốc đã đưa Ả Rập Xê-út đến gần với Iran vào thời điểm mà Israel đã hy vọng rằng Mỹ sẽ đưa nước này lại với Ả Rập Xê-út. Với những mong muốn và lợi ích khác nhau trong khu vực, mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh cũng được xem là khá rắc rối.
Theo NYT, thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út, người có mối quan hệ chặt chẽ với cựu Tổng thống Mỹ Donald J. Trump và đã giúp đảm bảo khoản tài trợ trị giá 2 tỷ USD cho công ty đầu tư do Jared Kushner, con rể của cựu Tổng thống thành lập, đã chơi một trò chơi ngoại giao phức tạp kể từ chính quyền Biden.
Ông Biden từng cam kết sẽ biến Ả Rập Xê-út trở thành một quốc gia “bị bỏ rơi” vì vụ ám sát Jamal Khashoggi, nhà báo người Ả Rập Xê-út của tờ The Washington Post. Nhưng ông đồng ý đến thăm vương quốc này vào năm ngoái khi tìm cách giảm giá khí đốt tăng cao, sau chiến sự Nga - Ukraine.
Khi cố gắng làm dịu mối quan hệ với Ả Rập Xê-út, chính quyền Mỹ sau đó rất tức giận và bất ngờ khi theo quan điểm của họ, Ả Rập Xê-út đã vi phạm thỏa thuận không báo trước đạt được trong chuyến thăm và hạn chế sản xuất dầu vào mùa thu cùng năm để giữ giá khí đốt tăng cao. Trong trường hợp đó, các quan chức Mỹ tin rằng ông Mohammed đang đứng về phía Nga, và ông Biden đe dọa “những hậu quả” không xác định sẽ xảy ra vì điều này.
Và Ả Rập Xê-út cũng được cho là đã yêu cầu nhiều hơn những gì Washington sẵn sàng cung cấp. Để đổi lấy việc mở quan hệ chính thức với Israel, vương quốc này yêu cầu Mỹ đảm bảo an ninh, giúp phát triển chương trình hạt nhân dân sự và ít hạn chế hơn đối với việc bán vũ khí của Mỹ.
Các quan chức coi các yêu cầu là quá mức nhưng là bước đầu có thể dẫn đến bình thường hóa. Thực tế, nhóm của ông Biden đã giúp đạt được một số tiến bộ giữa hai quốc gia, chẳng hạn như mở không phận Ả Rập Xê-út cho tất cả các máy bay dân sự của Israel.
Trong khi các nỗ lực ngoại giao giúp xoa dịu tình trạng thù địch ở Yemen, chính quyền Biden đã thất bại trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran do Tổng thống Barack Obama đàm phán vào năm 2015 và sau đó bị Tổng thống Trump từ bỏ.
Bị cản trở bởi lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran đã chuyển sang làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nga và bây giờ là Trung Quốc. Ả Rập Xê-út cũng quay sang người Trung Quốc. Steven A. Cook, thành viên cấp cao về nghiên cứu Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Một số người ở vùng Vịnh coi đây là thế kỷ của Trung Quốc".
Mỹ làm gì tiếp theo?
Theo chuyên gia của National Interest, bước hợp lý tiếp theo đối với Mỹ là thúc đẩy Iran tuân thủ đầy đủ Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, từ bỏ tất cả uranium được làm giàu ở mức độ cao và cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tiếp cận đầy đủ các cơ sở hạt nhân của nước này. Mỹ cũng nên tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia vùng Vịnh vì mối đe dọa từ Iran sẽ không suy giảm.
Ảnh hưởng của thương mại dầu khí đối với chính trị của khu vực cũng cần được quan tâm. Có thể điều quan trọng sẽ là Mỹ phải tham gia với các quốc gia vùng Vịnh trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của họ, nơi mà Mỹ có nhiều thứ để cung cấp về công nghệ cao, công nghệ internet, y tế, giáo dục và các ngành công nghiệp khác.
Cạnh tranh với Trung Quốc về khoa học, công nghệ, kinh doanh, ngoại giao và an ninh toàn cầu đã trở thành một "chủ đề" xác định của Mỹ trong thế kỷ 21. Thỏa thuận ở Trung Đông do Trung Quốc làm trung gian do đó sẽ là phép thử sức mạnh và kỹ năng của Washington.
Ngoài ra, các diễn biến cũng cho thấy sự cạnh tranh đang diễn ra trên toàn cầu. “Nó hoàn toàn không giới hạn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như nó không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kinh tế, an ninh hay cam kết ngoại giao”, Mara Rudman, phó chủ tịch điều hành chính sách tại Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ và là cựu đặc phái viên Trung Đông dưới thời ông Obama, bình luận trên NYT.
Bình luận