"Họ đang thực hiện một hành động không cần thiết mà lại ngu ngốc", Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi nói. "Chính phủ Mỹ ... và cả nước Anh... không nên hành động nếu họ đã có tính toán dù là nhỏ nhất", ông nói thêm.
Tuần trước, quân đội Hoàng gia Anh đã đưa một tàu chở dầu của Iran, Grace 1, ra khỏi Gibraltar và tịch thu tàu vì nghi ngờ họ phá vỡ các lệnh trừng phạt của EU bằng cách đưa dầu tới Syria.
"Chúng tôi đã thuê con tàu này và chúng tôi chở hàng. Hành động của họ rất ngớ ngẩn và họ chắc chắn sẽ hối hận. Hành động đối ứng của chúng tôi sẽ được công bố sớm", ông Fadavi cảnh báo
Tehran đã triệu tập đại sứ Anh để yêu cầu giải thích những gì được mô tả là một vụ bắt giữ bất hợp pháp, trong khi đó Anh gọi đây là thực thi lệnh trừng phạt của EU với Syria.
Hôm 10/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với những hậu quả không xác định do vụ bắt giữ tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Gibraltar. Ông Rouhani gọi vụ bắt giữ là "xấu xa và sai lầm", cảnh báo London: "Họ là người khởi xướng sự bất an và họ sẽ hiểu hậu quả của nó."
Hàng loạt sự cố gần đây trong khu vực khiến căng thẳng leo thang giữa Mỹ, Anh và Iran.
Theo truyền thông Mỹ, ngày 10/7, một số tàu thuyền của Iran đã cố gắng ngăn chặn chiếc tàu chở dầu British Heritage của Anh đi qua eo biển Hormuz. Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Iran sẽ phải hứng chịu sự đáp trả của cộng đồng quốc tế nếu còn đe dọa đến tự do hàng hải tại khu vực.
Trong tháng 6, quân đội Iran đã bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ vì cho rằng nó xâm phạm không phận nước này. Phủ định cáo buộc trên, Lầu Năm Góc khẳng định máy bay trên của Hải quân Mỹ bị bắn hạ trên vùng không phận quốc tế tại eo biển Hormuz.
Trước đó, hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman. Theo một số nguồn tin, các tàu dính ngư lôi nên bị cháy. Nhiều cáo buộc đổ dồn vào Iran, dù nước này phủ nhận.
Bình luận