Video: NSND Lê Dung hát ca khúc Khúc mùa thu.
- Bài thơ "Khúc mùa thu" gắn liền với ca khúc cùng tên do Phú Quang phổ nhạc và đặc biệt là với NSND Lê Dung, một mối tình rất đẹp của anh. Trong đó, Lê Dung thật bí ẩn khi là “người đàn bà giấu đêm vào trong tóc”…
Bài thơ được viết năm 1994, khi tôi đang ở trong cuộc hôn nhân đầu tiên của đời mình, một cuộc hôn nhân thực ra rất khó khăn. Người ta nhìn ngoài có thể thấy tình yêu đẹp, nhưng tình yêu đẹp nào cũng đầy khó khăn, đầy những khúc mắc và thử thách.
Thông thường những tình yêu đẹp thì rất khó kết thúc đẹp, nhưng cái kết thúc đẹp nhất của một tình yêu đẹp là sự chia tay trong hiểu biết và hòa thuận. Tất nhiên không có cuộc chia tay nào được gọi là tốt đẹp hay vui vẻ cả, nhưng nếu chúng ta biết chia tay để giữ lại những gì đã có, những cảm xúc tốt đẹp đã có thì đấy có thể coi như là một sự chia tay tốt đẹp. Và đó là một điều mà thường là những cuộc hôn nhân, hay những tình yêu tốt đẹp hướng tới khi người ta yêu nhau.
Thực ra khi yêu nhau người ta vẫn nghĩ là phải hướng tới sự vĩnh viễn, sự vĩnh cửu, sự trường tồn. Nhưng tình yêu đẹp nhất vẫn có thể là một cuộc chia tay êm thuận, tốt đẹp và thấu hiểu lẫn nhau.
- Anh chị đã có 6 năm thăng hoa với nhiều cung bậc tình cảm bên nhau…
- Tôi yêu, trước hết bởi vì sự thương cảm. Mọi người cứ nghĩ rằng khi một nhà thơ yêu một nghệ sỹ tài năng như thế là vì tài năng. Không phải đâu! Tôi yêu một người là vì xót xa.
Lúc ấy tôi còn trẻ, tôi còn đầy sự mơ mộng đến hoang tưởng với cuộc đời. Tôi cứ nghĩ tại sao một người tài như thế mà mà lại phải khổ sở, đoạn trường như thế và tự nhiên trái tim mình trở nên trắc ẩn. Vâng, tôi đến với tình yêu vì sự xót xa, chứ không phải sự khâm phục một tài năng.
Chúng tôi đến với nhau chính bởi sự đồng cảm, chính bởi sự đồng hội đồng thuyền. Ai đã từng nói nghệ thuật là tiếng gọi bầy. Đó là sự tìm đến cái tình cảnh chung bầy để san sẻ, để yêu thương nhau và ngay cả trong cái sự san sẻ xót xa ấy thì bản thân từng người vẫn làm việc của mình. Nghệ thuật thì không ai làm hộ được ai cả. Anh không thể lấy một người vợ nổi tiếng để nổi tiếng. Anh không thể lấy một người vợ nổi tiếng mà thơ anh hay được. Anh phải có số phận của anh.
Cho nên là tôi nghĩ rằng, mùa xuân này nếu chúng ta nhớ lại được cái gì trong quá khứ thì hãy nhớ trong giai đoạn ấy đã có bài thơ Khúc mùa thu. Bài thơ ấy lấy từ cảm hứng là ở cuộc đời chứ không phải là chuyện chia tay một người.
- Mọi người thường ghi trong lòng mình hình ảnh Hồng Thanh Quang mê đắm đọc bài thơ "Khúc mùa thu" và nghe tiếng hát ma mị của Lê Dung trong ca khúc cùng tên. Tuy nhiên, tôi lại thích bài "Khúc ca". Nó trong trẻo như tình yêu ban đầu của chàng thượng úy nhà báo lãng tử đến với bà chị hơn cả con giáp cũng giàu chất nghệ sỹ không kém.
Rất lạ thế này, ngay cả khi mình định viết thơ tặng một người này thì hóa ra những câu thơ cứ kéo nhau ra. Nó không chỉ là một người đó mà nó là tập hợp bao nhiêu điều, bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người.
Bài thơ anh nói tôi nhớ được viết hồi tháng 8/1990. Lúc ấy cũng chưa có tình yêu. Tôi nhớ có một ca sỹ đến tòa soạn báo Quân đội Nhân dân mượn hội trường để hát và sau đó người ấy trong bộ váy xanh hát bài Đêm đông... Thật tự nhiên, những câu thơ ấy vang lên. Và sau này thì tôi thấy cuộc đời tôi, mối tình của tôi được dẫn dụ theo những câu thơ đã được viết ra. Mỗi lời là một vận vào…
Tất cả những bài thơ của tôi đều là những cái tôi vốn nghĩ trong đầu và những chi tiết hiện thực trong hoàn cảnh ấy chỉ như điểm thêm vào cho những câu thơ đã có. Tất cả những gì tôi tưởng tượng ra thế nào thì sau đó mối tình ấy diễn ra đúng như vậy.
Video: Nhà thơ Hồng Thanh Quang thăng hoa cùng thơ.
- Những người muôn năm cũ ấy cứ như vị nữ thần sáng tạo của anh vậy?
Tất cả những câu thơ hay, những ý tưởng hay hình như đã hình thành đâu đó ở trong tôi trước rồi. Và cái người mà mình chọn, đối tượng mình định tặng bài thơ ấy dường như là một vị Chúa gõ vào trái tim mình khiến tự nhiên câu thơ bật ra,
Vị Chúa ấy rất có công. Nếu vị Chúa ấy không gõ vào trán mình thì những câu thơ không bật ra. Nhưng bảo những câu thơ ấy là của riêng vị Chúa ấy thì đôi khi cũng không hẳn. Nó là cả quá khứ mình từng sống, những suy nghĩ, những điều mình học hỏi, cả những lăn lộn, những mơ ước của mình.
- Nếu vậy, anh có dám nói mình sống và yêu thực như thơ?
Mỗi bài thơ thực ra là một mơ ước và phần nhiều tôi nghĩ là mơ ước của nhà thơ. Ngay cả bây giờ tôi vẫn luôn phải cố gắng, luôn phải tự sửa mình, trau dồi để sống làm sao được gần bằng những mơ ước, những con đường vạch ra thời trẻ trong những bài thơ hay nhất của mình. Điều đó không dễ tí nào cả!
Viết được một câu thơ hay đã không dễ rồi, nhưng sống xứng đáng, sống hài hòa, sống tương xứng với những câu thơ hay mà mình đã viết thì lại càng không bao giờ là dễ, là vô cùng khó khăn, luôn luôn khó khăn. Thành ra cuộc đời nhà thơ cứ không bao giờ ổn định là vì thế.
"Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc
Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc
Có điều chi em mải miết đi tìm?".
Vậy đó, cứ tưởng như là mình đã dâng hiến hết, nhưng người phụ nữ của mình vẫn chưa thỏa mãn đâu.
Chính vì thế, trong bài thơ "Khúc mùa thu" có câu thơ cuối cùng đầy sửng sốt mà cũng đầy kiêu hãnh của nhà thơ: "Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Em tìm gì khi thất vọng về tôi?". Còn câu trên lại đầy sững sờ về nỗi khao khát của người đàn bà: "Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/ Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời". Đấy, tình yêu trong đời cũng giống như tình yêu của người leo núi. Đã lên được đỉnh Everest rồi mà lại còn muốn tìm đến một đỉnh cao hơn nữa. Cho đến bây giờ, nhiều khi - ngay cả lúc nửa đêm - tôi vẫn bật lên nghe lại.
- Khi biết tôi đi phỏng vấn anh, một người yêu thơ anh chuyển cho tôi bài thơ "Thì em về ở bên chồng" với lời đề tặng một người tên U. nào đó với mong muốn anh nói về bóng hồng tên U., cũng như bài thơ da diết tiễn người cũ về nhà người mới.
- Tôi sẵn sàng trả lời, nhưng vì sự yên ổn của những người khác thì mình không nên khơi lại những vết thương quá khứ của mình và đôi khi tặng thì cũng chỉ là tặng. Tôi chỉ có một tình yêu duy nhất là một hình ảnh nào đó đã tạo ra trong sâu thẳm nơi tôi.
Khi tôi mới về hưu thì một số bạn bảo thế anh có muốn viết hồi ký không? Tôi nói không, tôi chủ trương không viết. Tất cả cuộc đời tôi đã được thể hiện trong thơ rồi và tôi không nên kể lại. Chỉ biết rằng tất cả những người phụ nữ đã yêu tôi đều là những người rất đàng hoàng, rất tinh tế và đều là những phụ nữ đáng mơ ước đối với muôn người.
Tình yêu của nhà thơ hay ở chỗ là khi mọi chuyện qua rồi, thậm chí bị quên lãng rồi, thì những bài thơ còn lại. Và những bài thơ ấy, nếu là bài thơ hay, thì lại gợi nên cảm xúc tích cực ở những người khác và sự tích cực ở những người khác ấy không phụ thuộc vào việc người được tặng thơ là ai.
- Tôi biết khi anh dặn người ấy “Em ơi về ở bên chồng/Cố quên nhau nhé như không có gì...” là chính anh cũng đang dặn lòng mình. Đến đây, ta hãy tạm gác lại chuyện những người muôn năm cũ nhé. Cảm ơn nhà thơ Hồng Thanh Quang!
Bình luận