Thời gian gần đây, một hiện tượng tôn giáo mang tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời” xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhìn vào cách hành đạo và việc lôi kéo, dụ dỗ các “tín đồ” của tổ chức này, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây là tổ chức tôn giáo hay một thực thể na ná tôn giáo?.
Chính sách mở cửa và hội nhập dẫn đến sự giao thoa văn hóa, tôn giáo cũng là việc hết sức bình thường. Tuy nhiên, trong xu thế đó, không loại trừ những hiện tượng na ná tôn giáo du nhập vào Việt Nam mà nhiều người lầm tưởng là tôn giáo.
Đặc biệt, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo, ép buộc nhiều người cùng tham gia một xu hướng mới mà họ gọi là tôn giáo, truyền bá những tư tưởng “mới, lạ” có biểu hiện phản văn hóa, lệch chuẩn đạo đức xã hội.
Không có thứ tôn giáo nào mà phải đi chiêu dụ tín đồ mọi nơi, mọi lúc, không có tôn giáo nào mà lại rao giảng những lời ma mị về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng, chối bỏ niềm tin khoa học để theo đuổi những điều phi lý, càng không có thứ tôn giáo nào mà làm cho nhiều gia đình ly tán, nhiều người từ bỏ công việc, học hành, từ bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên một cách cực đoan…
Mấy chục năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tôn giáo là di sản văn hóa của nhân loại. Người từng nói: phải tôn trọng, chấp nhận sự khác nhau về nhận thức; phải biết khai thác sự tương đồng để tìm ra mẫu số chung về mục tiêu để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh.
Nhưng tôn trọng và chấp nhận sự khác nhau trong nhận thức về tôn giáo cũng cần sự tỉnh táo. Cái mới xuất hiện không có nghĩa là phủ nhận cái cũ một cách lạnh lùng, trái với thuần phong mỹ tục, trái với truyền thống văn hóa. Cái mới xuất hiện phải thể hiện được những khía cạnh tích cực, khuyến khích con người làm những việc tốt cho gia đình và xã hội chứ không phải là sự u mê, mù quáng.
Phát huy đạo đức tôn giáo để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp. Điều đó được khuyến khích và tạo điều kiện. Nhưng pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng nghiêm cấm các hành vi: ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào; xâm phạm thân thể, sức khỏe của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi…
Pháp luật cũng không cho phép sử dụng tên của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận để đi truyền đạo. Thực tế, đã có không ít người tin rằng "Hội Thánh Đức Chúa Trời" chính là các nhóm Tin lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo. Bên cạnh những tôn giáo truyền thống cũng có những tôn giáo ngoại lai. Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển.
Khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng các tín đồ tôn giáo ở Việt Nam đã tăng khoảng 33%. Chỉ tính riêng đạo Tin lành – một tôn giáo có nguồn gốc từ bên ngoài, truyền vào Việt Nam muộn nhất, thì từ năm 1975 đến nay, số lượng tín đồ đã tăng gấp 6 lần với hơn 1 triệu người tham gia, thuộc hơn 50 tổ chức, hệ phái Tin lành.
Không chỉ tập trung ở các thành phố lớn với sự tham gia của công chức, trí thức… mà cộng đồng theo đạo Tin lành rất đa dạng, mở rộng đến các tầng lớp cư dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc.
Tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển, tạo điều kiện để người dân tự do bày tỏ đức tin, không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý để những thứ na ná tôn giáo có cơ hội lây lan từ địa phương này sang địa phương khác, làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và cuộc sống bình thường của một bộ phận dân cư.
Dư luận mong muốn, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm theo pháp luật những hoạt động phi tôn giáo, ngăn chặn kịp thời việc dụ dỗ, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin vào những hoạt động biến tướng, trục lợi của một số cá nhân nào đó.
Video: Từng ngày đánh mất tương lai vào 'Hội Thánh Đức Chúa Trời'
Bình luận