Ở TP Huế (Thừa Thiên - Huế) hiện còn tồn tại 2 di tích gắn liền với những vị thái giám trong triều đình nhà Nguyễn xưa đó là Bình An Đường - nơi chữa bệnh cho các cung nữ, thái giám và khu lăng mộ thái giám trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.
Nghĩa địa thái giám và Bình An Đường là hai di tích còn sót lại gắn liền với số phận hẩm hiu của những vị thái giám triều Nguyễn. (Ảnh: Nguyễn Vương).
Điêu tàn 'bệnh viện' thái giám
Nếu so sánh với những công trình nguy nga tráng lệ trong Đại nội Huế thì Bình An Đường chỉ là di tích có giá trị kiến trúc khiêm nhường. Thế nhưng xét về mặt văn hoá, lịch sử thì di tích này nó vẫn mang nhiều giá trí khi nó được ví như “bệnh viện cung đình” đặc biệt, chỉ dành riêng cho các thái giám, cung nữ dưới triều vua nhà Nguyễn.
Căn cứ vào cuốn Lịch triều hiến chương loại chí thì Bình An Đường được xây dựng vào năm 1823, theo ý chỉ của vua Minh Mạng. Vị hoàng đế thứ 2 của triều Nguyễn vốn có một số vợ, con rất đông vì vậy đòi hỏi phải có một số thái giám, cung nữ đông đảo không kém để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Bình An Đường được ví như một "bệnh viện cung đình" chuyên chữa bệnh cho các thái giám và cung nữ. Phía Bắc của Bình An Đường xưa có Cung Giám Viện nơi mà những vị thái giám nằm chờ chết lúc tuổi già, sức yếu. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Để chữa trị cho hàng ngàn con người ấy mỗi khi ốm đau, bệnh tật…Minh Mạng cho xây riêng một khu an dưỡng, khám, điều trị bệnh, đặt dưới sự trông coi của Thái Y Viện. Để tiện cho việc đi lại điều trị, an dưỡng những người phục dịch trong cung đình, nên Bình An Đường được xây dựng sát bên cửa hậu của hoàng thành Huế (hiện nay là đường Đặng Thái Thân, TP Huế).
Bình An Đường chia thành hai phần nhà khám, bốc thuốc, châm cứu.. để chữa bệnh và nhà an dưỡng dành cho những bệnh nhân già, yếu không thể đi lại được. Phía Bắc của Bình An Đường có riêng một tòa Cung Giám Viện - nơi ngày xưa các thái giám ăn ở, chờ đợi được khám, chữa bệnh (theo phong tục vẫn phải tách rời các thái giám (á nam) với phụ nữ).
Do chức năng, trong khuôn viên Bình An Đường chỉ trồng các loài hoa và cây thuốc nam để tiện sử dụng cho việc chữa bệnh. Các thầy thuốc đến làm việc tại Bình An Đường do Thái Y Viện phân công. Đa phần họ đều là các thầy thuốc giỏi, đức độ. Tất cả thuốc men điều trị đều lấy trong kho thuốc hoàng cung, bệnh nhân không phải trả tiền.
Ngày nay, sau thời giam dài bị bỏ hoang phế di tích Bình An Đường đang xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc cả lên mái nhà. Bên trong, những tranh ảnh vật dụng vốn được trưng bày để phục vụ tham quan thì nay bị vất chỏng trơ, xiêu vẹo, mạng nhện giăng đầy. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Sau chiến tranh, Bình An Đường bị tàn phá nhưng sau đó được phục dựng để phục vụ du khách tham quan và để trưng bày, giới thiệu một số loại dược phẩm truyền thống như rượu Minh Mạng, rượu thuốc Minh Mạng, trà cung đình… và những hình ảnh, hiện vật, các bài thuốc Đông y… liên quan đến đời sống các cung nữ xưa cũng như Thái y viện triều Nguyễn.
Cũng có thời gian di tích này được "trưng dụng" để mở quán cà phê và cũng khá thu hút khách. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, di tích này bị bỏ hoang và không có người trông coi khiến các hạng mục bên trong bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Một số các vỉ kèo, cột, cửa gỗ có dấu hiệu bị mối mọt, xuống cấp. Cỏ dại mọc leo lên cả nóc nhà.
Việc Bình An Đường bị bỏ điêu tàn với thời gian khiến người dân tiếc nuối mà còn làm hình ảnh di sản Huế bị xấu đi trong mắt du khách khi di tích này nằm ngay trong khu vực Kinh thành Huế và sát ngay với di tích Đại Nội Huế. Đây là hai điểm du lịch nổi tiếng và hàng ngày đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Tấm bảng vốn được in thông tin về lịch sử của Bình An Đường để phục vụ du khách tham quan thì giờ đây mờ hết chữ bỏ nằm xiêu vẹo một góc của di tích. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Anh Nguyễn Mạnh Thiên là một du khách quê Thái Bình và đến TP Huế du lịch và không khỏi tiếc nuối khi nhìn di tích Bình An Đường bị bỏ hoang phế với thời gian: "Ban đầu tôi đi ngang thì chỉ thấy ấn tượng bởi một di tích nhỏ nhưng có kiến trúc đẹp mang phong cách nhà rường xứ Huế nhưng lại bị bỏ hoang phế đầy đáng tiếc. Lần thứ 2 tôi quay lại thì mới biết đây là di tích Bình An Đường và là nơi trị bệnh cho các thái giám và cung nữ triều Nguyễn xưa. Tôi hi vọng sắp tới, chính quyền địa phương có những phương án trùng tu và bảo tồn di tích này".
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thừa nhận việc Bình An Đường hiện đang bị bỏ hoang khiến nhiều hạng mục bị xuống cấp và cho biết, hiện đơn vị đang nghiên cứu các phương án khai thác, sử dụng di tích một cách có hiệu quả nhất.
Hoang lạnh nghĩa địa thái giám trong cổ tự
Nằm cách Bình An Đường chừng 10 km là chùa Từ Hiếu (phường Thuỷ Xuân, TP Huế). Đây là cổ tự nổi tiếng ở Huế bởi phong cảnh hữu tình và cũng là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh an dưỡng những năm tháng cuối đời. Thế nhưng, ngôi chùa này còn được dân gian gọi với cái tên là chùa thái giám bởi trong khuôn viên chùa còn có một khu nghĩa địa gắn liền với những câu chuyện hẩm hiu, bi đát của những vị thái giám triều Nguyễn lúc cuối đời.
Khu nghĩa địa thái giám hiện nằm hoang lạnh giữa đồi thông trong chùa Từ Hiếu. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Qua cổng chùa Từ Hiếu lên thẳng sân chính điện rồi rẽ về hướng tay trái sẽ có bản chỉ dấn đến khu lăng mộ thái giám. Đây là nơi an nghỉ của hơn 20 vị thái giám nhà Nguyễn với diện tích rộng chừng 1000m2. Khu nghĩa địa nằm trên một quả đồi giữa rừng thông cổ thụ và vắng bóng người đến thắp hương, nhang khói khiến nơi này hoang vắng đến mức lạnh người. Phía sau những ngôi mộ hoang lạnh ấy làn những câu chuyện về số phận đầy hẩm hiu, bi thảm của những vị thái giám triều Nguyễn lúc về già.
Thời nhà Nguyễn, trung bình mỗi đời vua có khoảng 200 thái giám. Thông thường có 2 nguồn để tuyển thái giám, một là “giám sinh” và 2 là những người con nhà nghèo phải để con vào cung cắt bỏ “của quý” làm thái giám.
Các thái giám sẽ sống suốt đời trong cung đến cuối đời, khi về già họ sẽ nằm chờ chết tại tòa nhà phía Bắc Hoàng thành, gọi là Cung Giám Viện ở gần Bình An Đường chứ không được chết ở trong cung. Hiểu được kết cục bi đát ấy, nên nhiều thái giám đã dành giụm tiền từ lúc còn trẻ khỏe để tìm nơi chôn cất cho chính mình lúc chết và khu nghĩa địa thái giám triều Nguyễn ở chùa Từ Hiếu ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Toàn khu nghĩa địa rộng chừng 1000m2 và bên trong có 25 ngôi mộ của các vị thái giám nhà Nguyễn. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Tương truyền, trong quá trình mở rộng Thảo Am Đường thành chùa Từ Hiếu có sự đóng góp không nhỏ của một thái giám nhà Nguyễn có tên Châu Phước Năng. Vị thái giám này kêu gọi gọi các thái giám trong triều đình quyên góp mở rộng Thảo Am Đường để sau này có nơi yên nghỉ và việc làm này cũng được vua Tự Đức chấp thuận.
Do có công đóng góp xây dựng chùa nên khi chết các vị thái giám này được chôn cất tại một quả đồi nhỏ nằm cạnh chùa Từ Hiếu. Hiện nay, toàn bộ khu lăng mộ có 25 ngôi mộ, trong đó có 2 mộ gió (có mộ nhưng không có thi hài). Trong tổng số 25 ngôi mộ thì có 21 ngôi mộ có thể đọc được chữ trên bia, đặc biệt là ngôi mộ số 22 chữ trên bia còn khá rõ: "Hoàng triều cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, quê ở thôn Nhi, Hà Nội, mất tháng giêng năm Khải Định thứ 5".
Trong khu mộ này cũng có một bia đá khắc nội dung nói về số phận hẩm hiu của các thái giám lúc về già: “Khi còn sống chúng tôi nương nhờ cửa Phật, mà khi chết thì biết nương nhờ vào đâu? Nhận thấy rằng phía Tây thành có một miếng đất nên lấy gạch xây thành để có nơi thờ cúng về sau, gần với Phật mới là nơi thờ tự lâu dài, bằng hữu ốm đau có nơi chữa bệnh, ai nằm xuống có nơi để mà tống táng...”.
Tâm bia khắc lại những tâm sự về số phận hẩm hiu của những vị thái giám triều Nguyễn lúc về già. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Lúc sống những vị thái giám triều Nguyễn sống trong những tủi hổ và cô đơn. Đến lúc chết họ yên nghỉ ở giữa đồi thông bên trong chùa Từ Hiếu nên cũng ít người biết đến nên hoang vu, lạnh lẽo vắng người nhang khói. Đã vậy, một số kẻ thiếu ý thức còn lên chỗ yên nghỉ của họ để tô vẽ bậy lên khu vực các thái giám an nghỉ. Ngày nay, việc nhang khói ở khu nghĩa địa đều trông cậy vào các vị tu hành trong chùa Từ Hiếu.
Một vị tu hành trong chùa Từ Hiếu chia sẻ: "Hằng năm cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, chùa lại tổ chức hiệp kỵ, cúng viếng cho các vị thái giám. Thi thoảng nhà chùa cũng cắt cử người đến để quét dọn và thắp nhang cho họ. Ngày trước nơi chôn cất của các vị thái giám ít người biết đến nên hoang vu lạnh lẽo. Ngày nay, thi thoảng có một số người biết và xót thương cho số phận những vị thái giám nên khi tới chùa cũng đến thắp hương tỏ lòng thương cảm”.
Bình luận