Liên quan đến việc nhiều doanh nghiêp ngang nhiên "hô biến" đất nông nghiệp thành khu đô thị hạng sang, nhiều người đặt ra thắc mắc, hành vi sai phạm này sẽ bị xử phạt như nào?
Theo tìm hiểu của PV, sai phạm này được áp dụng theo Khoản 7 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Cụ thể, với hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung... bị phạt từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Ngoài việc bị xử phạt, đơn vị/cá nhân vi phạm còn buộc phải tháo dỡ công trình, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Nếu đối tượng vi phạm không tự giác tháo dỡ nhà ở vi phạm thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.
Người vi phạm có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm (từ chi phí lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ cho đến chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ).
Trước đó, như VTC News đưa tin, thời gian gần đây, tại TP.HCM xuất hiện nhiều dự án đất nền được "vẽ" trên giấy rồi rao bán công khai trên mạng xã hội và một số trang tin bất động sản. Các dự án này đều xảy ra ở quận, huyện thuộc khu vực ngoại thành, nơi đang diễn ra những cơn sốt ảo.
Vị trí dự án thường là đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp… Nhưng tệ hại hơn, có doanh nghiệp còn “hô biến” cả nghĩa trang, bãi rác, ao đầm… thành những khu đô thị hạng sang, đầy đủ tiện nghi và các dịch vụ công cộng, sau đó phân lô bán nền với giá hàng tỷ đồng.
Do vậy, rất nhiều người dân vì thiếu thông thông tin, ham rẻ hoặc bị nhóm cò đất chèo kéo đã bị sập bẫy, dẫn đến tiền mất tật mang.
Hầu hết các dự án đất nền ở khu vực ngoại thành TP.HCM đều không hợp pháp, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cấp phép xây dựng hạ tầng theo quy định và chưa đáp ứng đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án nhà ở theo quy định pháp luật.
Tại huyện Hóc Môn, nhiều khu đất được một nhóm đối tượng đứng ra rao bán đất nền qua các trang mạng. Các đối tượng này hứa hẹn nếu khách đặt tiền cọc từ 100 - 500 triệu đồng trong khoảng thời gian từ 5 - 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.
Đại diện UBND huyện Hóc Môn cho biết, các khu đất đang có dấu hiệu phân nền và "vẽ" dự án tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Đông Thạnh, Tân Thới Nhì và Tân Xuân. Trong đó, có hai tổ chức và một cá nhân có liên quan đã bị đưa vào diện theo dõi của ngành chức năng là Công ty Angel Lina, Công ty TNHH TM - DV Đất Vàng Hoàng Gia và bà T.T.M.H (ngụ Quận 1).
Tương tự, tại quận Bình Tân, nơi được xem là điểm "nóng" nhất về các dự án “ma”, cũng có tới 9 khu đất đã được phân nền trên giấy có dấu hiệu phân lô trái phép. 9 khu đất này nằm rải rác tại 6 phường: Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, phường Tân Tạo, Tân Tạo A, phường An Lạc và Bình Trị Đông A.
Các dự án “ma” này hầu hết được "vẽ" ra với diện tích đất rộng, bên ngoài được rào chắn kiên cố, bên trong thì vẫn là bãi đất trống, cây cỏ mọc ùm tùm.
Chủ dự án thường mua bán đất thông qua hình thức Vi bằng, nhưng về góc độ pháp lý thì thực chất Vi bằng chỉ có giá trị bằng chứng, đó chỉ là chứng cứ chứng minh cho việc mua bán, giao nhận tiền chứ không phải là một thủ tục hành chính để đảm bảo giá trị tài sản.
Để cảnh báo người dân, UBND huyện Hóc Môn và UBND quận Bình Tân đã tổ chức cắm biển báo xung quanh những khu vực được chào bán đất nền không đúng sự thật. Đồng thời, thông báo công khai trên báo chí để khuyến cáo người dân không nên tin vào lời mời chào của “cò đất”, cũng như cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về những dự án nhà đất để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Cùng với hai điểm nóng ở Hóc Môn và Bình Tân, tình trạng phân lô, bán nền các dự án “ma” cũng đang tiếp tục diễn ra tại các quận ngoại ô như: quận 12, quận 9, quận 7, quận Thủ Đức...
Vì vậy, khi có nhu cầu giao dịch về nhà đất, người dân nên liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tính pháp lý của các dự án đang quan tâm. Như vậy mới hạn chế được mức thấp nhất các rủi ro, tránh bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp khi giao dịch, mua bán đất đai.
Bình luận