Ông Trần Mai Hưởng nói về sự ra đời của tấm ảnh lịch sử.
Tuổi đã ngoài 70, nhưng sức vóc ông còn mạnh, và đặc biệt là giọng nói vẫn sang sảng, đầy sức cuốn hút. Chúng tôi bị cuốn vào những dòng hồi ức đang cuồn cuộn chảy trong ông.
"… Rạng sáng ngày 30/4, mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm. Mệnh lệnh truyền xuống: Vừa đánh vừa tiến vào trung tâm. Những ổ kháng cự nhỏ hai bên đường vẫn bắn ra. Nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe nhỏ của chúng tôi áp vào sườn xe tăng, lúc bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng...
Xe chúng tôi lao về phía Dinh Độc Lập".
Ông Hưởng kể, người lái xe lúng túng vì thành phố quá lớn và có nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, xe cũng đến nơi. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến trước ít phút. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập bị hất tung.
"Vừa vào trong Dinh, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh. Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó.
Đó là bức ảnh "Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975" mà sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân cho đến ngày nay. Xe tăng trong ảnh mang số hiệu 846, là xe thứ tư trong đội hình thọc sâu gồm 7 chiếc xe tiến vào Dinh Độc Lập buổi trưa lịch sử ấy", nhà báo kể.
Phóng viên Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng)
Theo lời nhà báo Trần Mai Hưởng, từ Huế vào đến Sài Gòn ông chỉ có 2 cuộn phim ORWO. Phải chụp tiết kiệm lắm. Lúc vào đến Dinh thì chỉ còn 13 kiểu phim. "Tôi đã chụp được 7 kiểu ảnh, trong đó có bức ảnh Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975".
Giọng ông trầm xuống khi nhắc về những người chiến sĩ đã không còn được chứng kiến giờ phút thiêng liêng của lịch sử. Hàng triệu người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc, trong đó, có những người lính ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, trong khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh.
Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại, trước khi theo mũi đột kích của cánh quân phía đông tiến vào Sài Gòn, tổ phóng viên TTXVN được ở cùng Bộ tư lệnh Quân đoàn 2, được chứng kiến hình ảnh Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An, Phó Tư lệnh Hoàng Đan cùng bộ tham mưu chỉ huy tác chiến trên hướng tiến công rất quan trọng này.
Ông Hưởng không bao giờ quên những ngày cuối cùng ở trường bắn Nước Trong. Sở chỉ huy tiến sát lên trận tuyến cuối cùng để phối hợp tác chiến giữa các đơn vị nhằm tiêu diệt những điểm kháng cự cuối cùng, chiếm cầu xa lộ trên sông Đồng Nai để mở toang cánh cửa vào Sài Gòn.
Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin về Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Những trận đánh cuối cùng rất ác liệt, căng thẳng. Mũi co cụm ở trường sĩ quan thiết giáp của quân Sài Gòn quyết chống cự đến cùng. Các mũi tiến công của quân ta phải giành giật từng điểm một và không ít thương vong.
"Gương mặt của tướng Nguyễn Hữu An sau nhiều đêm mất ngủ, ngồi trầm tư bên ngọn đèn nhỏ khắc sâu trong ký ức tôi. Qua các mệnh lệnh truyền đi, tôi hiểu Bộ chỉ huy đang phải phối hợp để đặc công giữ các cầu trên xa lộ, cho pháo binh hướng đến các mục tiêu dọc đường tiến vào Sài Gòn. Việc phối hợp giữa bộ binh, xe tăng, thiết giáp... rất khẩn trương để hình thành một mũi thọc sâu tiến vào trung tâm Sài Gòn vào thời điểm thích hợp", nhà báo lão thành thuật lại.
Theo ông Trần Mai Hưởng, các tướng Nguyễn Hữu An, Hoàng Đan... đều là những tài năng quân sự lỗi lạc của quân đội. Các ông chiến đấu từ kháng chiến chống Pháp, chỉ huy những đơn vị chủ công ở Điện Biên Phủ rồi qua bao gian nan của chuộc kháng chiến chống Mỹ, ở hầu hết các chiến trường, tham gia nhiều chiến dịch lớn.
Và thời điểm năm 1975, họ đang tham gia vào trận đánh có ý nghĩa nhất trong cuộc đời cầm quân của mình.
Với nhà báo Trần Mai Hưởng thì những người lính ông biết tên hay không biết tên năm đó đều là những con người của lịch sử, những người làm nên lịch sử mà trong cuộc đời làm báo của mình ông may mắn trở thành chứng nhân, may mắn ghi lại được những khoảnh khắc họ làm nên lịch sử.
Trong cuộc trò chuyện với VTC News - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN dành nhiều thời gian nói về những người lính hiện diện trong bức ảnh Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975. Đó là trưởng xe Nguyễn Quang Hòa, pháo thủ Trần Bình Yên, pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý và pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ.
"Hàng chục năm sau cuộc chiến tôi mới tìm lại được những người lính đó. Anh Hòa nói rằng từ lâu các anh biết tôi là phóng viên TTXVN, người chụp ảnh khi xe tăng 846 của các anh đang tiến qua cổng Dinh Độc Lập. Khi tôi hỏi vì sao các anh không nhắn cho tôi biết, để tôi vất vả mới tìm được các anh, anh Hòa đáp: Chúng tôi nghĩ nhiệm vụ xong rồi thì thôi, chứ tìm gặp anh lại tưởng chúng tôi muốn kể công trạng của mình...", ông Hưởng thuật lại.
Kể về hoàn cảnh của từng người lính xe tăng mang số hiệu 846 năm xưa, ông Trần Mai Hưởng cho hay, ông Nguyễn Quang Hòa là người La Khê (Hà Đông, Hà Nội), trước khi lên đường nhập ngũ là sinh viên Đại học Lâm nghiệp. Sau chiến tranh, ông Hòa công tác ở Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp một thời gian, rồi ra quân.
"Do đồng lương quân ngũ không đủ trang trải, anh ấy xin ra quân về lo công việc đồng áng với vợ, nuôi dạy bốn cô con gái nay đều đã trưởng thành", ông Hưởng rất vui khi nói về cuộc sống thời bình của người cựu chiến binh.
Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng những người lính trên xe tăng mang số hiệu 846 trong một dịp gặp mặt. (Ảnh: Trần Mai Hưởng)
Còn các ông Trần Bình Yên, Nguyễn Ngọc Quý và Nguyễn Bá Tứ khi rời quân ngũ, như hàng triệu người lính, cũng trở về với đời thường, sống cuộc sống của những người lao động.
"Anh Yên quê ở Ba Sao - Hà Nam, anh Quý ở ngoại thành Hải Phòng, lại trở về với đồng ruộng. Anh Tứ là người Hà Nội, làm nghề lái xe khách nhưng đã nghỉ việc do sức khỏe yếu", nhà báo lão thành nói.
Theo ông Hưởng, những chiến sĩ xe tăng 846 như muôn vàn người lính khác, họ ra chiến trường với một ý nghĩ thật giản dị - nước có giặc là đi diệt giặc, giặc cướp nước mình thì người trai phải có nghĩa vụ giảnh lại.
Trên chiến trường, nhiều người đồng đội đã không còn được về làm con, làm chồng, làm cha. Họ trở về được, dù có người phải bỏ lại một phần cơ thể nơi chiến trường đã là điều may mắn. Họ thanh thản khi làm xong nhiệm vụ của mình, trở về với cuộc sống bình thường.
4 người lính tăng trong nhiều năm không hề biết rằng chính chiếc xe và hình ảnh của họ có mặt trong một bức ảnh được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng cho những ngày tháng lịch sử đó. Còn khi biết, những con người góp phần làm nên lịch sử có niềm tự hào, nhưng họ không hề đòi hỏi công lao.
Ông Hưởng cho biết, những năm gần đây, sau khi gặp được những người lính xe tăng, tháng Tư nào cũng có những cuộc gặp ân tình. "Nhưng rồi hồi tháng 4/2020, do điều kiện dịch COVID-19 không thể gặp gỡ, qua điện thoại anh Hòa cho biết bị tai biến lại mấy tháng trước, nay đã có phần bình phục nhưng vẫn còn yếu. Anh rất nhớ mọi người, hẹn sớm gặp nhau. Rất đau xót là chỉ sau đó chưa đến hai tháng, anh đã ra đi vĩnh viễn", ông Hưởng ngậm ngùi.
Chiến tranh đã qua đi, những người lính năm xưa nay đã trở thành những con người bình thường hay nằm lại đâu đó trên mảnh đất này. Họ đã giành lại được sông núi, thống nhất đất nước và thanh thản với cuộc đời bình dị. Bảo vệ đất nước hôm nay là những người lính có tri thức, có khí tài hiện đại nhưng mãi mãi trong họ là dòng máu anh hùng của anh Bộ đội Cụ Hồ.
"Cái giá phải trả của hòa bình là rất lớn. Trong mạng sống của mình còn sự sống của nhiều người, những người không thể về. Nếu có điều kiện, tôi luôn muốn đến những vùng đất mình đã từng sống và làm việc, gặp lại những người lính mình đã từng gặp, ôn lại kỷ niệm đầy hào hùng của thời kỳ đó", nhà báo Trần Mai Hưởng bày tỏ.
Bình luận