Sáng 7/5, Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) diễn ra trang trọng tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
Gần 7h, cơn mưa lớn trút xuống TP Điện Biên Phủ.
Các lực lượng diễu binh, diễu hành trang nghiêm thực hiện nghi lễ.
Hàng nghìn người dân và du khách vẫn đội mưa, háo hức tham dự Lễ kỷ niệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc diễn văn Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho Đảng bộ chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Khoảng 8h30, ba biên đội 11 trực thăng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân mang theo cờ Tổ quốc, cờ Đảng bay ngang qua sân vận động.
Hình ảnh những chiếc trực thăng bay trên bầu trời Điện Biên trong ngày đại lễ.
Các khối nghi trượng với xe mô hình Quốc huy, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trên xe chỉ huy dẫn đầu đoàn diễu binh, diễu hành.
Khối nữ Quân nhạc đang tiến vào lễ đài.
Đây là lần đầu tiên khối xuất hiện trong lễ diễu binh, diễu hành. Một số nữ chiến sĩ phải mang các nhạc cụ như kèn nặng 14-18 kg.
Khối chiến sĩ Điện Biên. Với các Đại đoàn: 308 - Quân Tiên phong, Đại đoàn 312 - Chiến thắng, Đại đoàn 316 - Bông Lau, Đại đoàn 304 - Vinh Quang, Đại đoàn Công pháo 351 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ; nòng cốt để xây dựng các Quân đoàn chủ lực, lực lượng Pháo binh, Công binh, Phòng không của Quân đội ta.
Khối nữ sĩ quan Quân y. Cùng với đội ngũ thầy thuốc Quân y, các nữ sĩ quan Quân y luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cấp cứu, điều trị thương, bệnh binh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và Nhân dân, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân năm 1975.
Với truyền thống "Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, Mưu trí táo bạo, Đánh hiểm, thắng lớn", Bộ đội Đặc công đã làm cho quân thù kinh hồn, bạt vía, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi trong các cuộc đấu tranh, thống nhất đất nước. Ngày nay, Bộ đội Đặc công ra sức rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xứng đáng với truyền thống Đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Khối dân công hoả tuyến đang tiến vào lễ đài. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gần 21.000 xe đạp cải tiến, mỗi chiếc chở 200-300 kg, đã góp phần giải quyết bài toán vận tải quân lương, vũ khí cho chiến dịch.
Phát huy truyền thống “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm luôn vượt mọi khó khăn, gian khổ, huấn luyện giỏi, nghiệp vụ tốt, kỷ luật nghiêm, trình độ tác chiến và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, hy sinh vì nền an ninh, trật tự của Tổ quốc. Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm tham gia nhiều chuyên án đấu tranh trấn áp tội phạm, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng danh là những “bông hồng thép” kiên cường, mạnh mẽ nhất trong rừng hoa của lực lượng Công an nhân dân.
Khối nữ Cảnh sát giao thông tiến vào lễ đài. Từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các Đội Công an: chỉ đường, kiểm tra xe tải, tuần tra kiểm soát trên sông - tiền thân của lực lượng Cảnh sát giao thông đã bảo đảm an toàn trong vận chuyển hàng hóa, lương thực, vũ khí, đạn dược, đồng bào đi sơ tán, các cuộc hành quân, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày nay, Cảnh sát giao thông luôn có mặt trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, nữ Dân quân các dân tộc Tây Bắc không quản ngại gian khổ, hy sinh, tích cực tham gia kháng chiến, chăm sóc bộ đội, thương binh, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, làm đường giao thông… cùng với phụ nữ cả nước đóng góp hơn 2 triệu ngày công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ góp phần làm nên kỳ tích: “Rực trời đất Điện Biên toàn thắng”, kết thúc Cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ.
Lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh tham gia lễ diễu binh, diễu hành. Mặc dù mới được thành lập, song Cảnh sát cơ động Kỵ binh đã chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, mau chóng trưởng thành, tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, diễu hành tại các thành phố, điểm du lịch, sự kiện quan trọng của đất nước, sự kiện mang tầm quốc tế, đã mang đến cảm giác thân thiện, thanh bình, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam và lực lượng Công an nhân dân trong Nhân dân và bạn bè quốc tế.
Khối nữ chiến sĩ gìn giữ hoà bình Việt Nam đang tiến vào lễ đài.
Hành trình 10 năm xây dựng, trưởng thành, các lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam với bè bạn năm châu, đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.
Sau khi diễu binh, diễu hành quanh sân vận động tỉnh Điện Biên, 40 khối diễu hành qua một km đường Hoàng Văn Thái. Đến ngã tư Hoàng Văn Thái - Võ Nguyên Giáp, các lực lượng chia làm 3 đoàn.
Một đoàn rẽ phải qua các di tích đồi A1, quảng trường 7/5, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Đoàn thứ hai đi thẳng về cầu Mường Thanh. Đoàn còn lại rẽ trái đi qua Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Đoàn diễu binh, diễu hành đi trong sự chào đón nồng nhiệt và tiếng hò reo của người dân đứng hai bên đường.
Gần 10h30 ngày 7/5, Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc nhưng dư âm của ngày hội non sông vẫn còn mãi trong lòng những người con đất Việt.
Bình luận