• Zalo

Hành lang đê ngăn lũ ở Hà Nội bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh

Thời sựThứ Năm, 04/10/2018 11:18:00 +07:00Google News

Dựng lều quán lấn chiếm hành lang đê, chiếm dụng đất ven sông lập bãi tập kết cát trái phép trữ lượng lớn là hai vấn đề nhức nhối tồn tại đã lâu tại xã Thuỵ Phương (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) nhưng không bị xử lý.

Vi phạm tràn lan

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn phường Thuỵ Phương xuất hiện một “điểm nóng” về tập kết cát trái phép tại khu vực ven sông Hồng, gần ngã tư dốc Chèm.

Không phép nhưng bãi tập kết cát này có diện tích rất rộng, trữ lượng tập kết cát lớn, lại nằm cạnh khu dân cư, sát nhà dân, gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều người bức xúc.

Theo chia sẻ của nhiều người dân sinh sống tại khu vực này, bãi tập kết cát trên không những mua bán cả cát không rõ nguồn gốc, mà còn đầu cơ, tích trữ, nâng giá cát, làm bất ổn thị trường.

Cách đó không xa là hàng loạt vi phạm về xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình kinh doanh trong phạm vi an toàn đê điều. Nhiều điểm hành lang an toàn đê đã bị người dân dựng lều, lán kinh doanh vật liệu chiếm trọn.

Z2 6

Một góc bãi tập kết cát trái phép ven sông Hồng trên địa bàn phường Thuỵ Phương. 

Những vi phạm này đã để lại hệ luỵ lớn, khiến nhiều đoạn đường mặt đê trở nên gồ ghề, sụt lún, hư hỏng do phải gánh lượng lớn xe quá tải hoạt động thường xuyên, bất kể đêm ngày.

Ngoài phường Thuỵ Phương, hoạt động khai thác, trung chuyển vật liệu xây dựng còn diễn ra tại các phường ven sông Hồng là Liên Mạc, Đông Ngạc và Thượng Cát (đều thuộc quận Bắc Từ Liêm). Những “điểm nóng” này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều, ảnh hưởng môi trường và trật tự đô thị, an toàn giao thông.

Được biết, từ cuối 2017 Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND quận Bắc Từ Liêm yêu cầu cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sang hộ đê, chống lũ. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo các phòng, ban chức năng của quận, UBND các phường ven đê tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều và gây cản trở dòng chảy, thoát lũ của tuyến sông trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, việc xử lý tại phường Thuỵ Phương và một số xã trên địa bàn vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Hành lang đê vẫn bị lần chiếm, bãi tập kết vật liệu ven sông ngày càng mở rộng.

Khó xử lý

Chủ tịch UBND phường Thụy Phương, bà Nguyễn Thị Bình xác nhận khu vực bến sông Hồng còn một số hộ dân lấn chiếm đất lập bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng. Thực trạng này tồn tại đã lâu, từ khi Hợp tác xã sông Hồng còn hoạt động.

“UBND xã Thuỵ Phương đã thực hiện nhiều biện pháp như phân công cán bộ trực, lắp đặt barie chặn hai cửa khẩu, nhằm ngăn chặn việc trung chuyển vật liệu xây dựng tại khu vực bến này”, bà Bình nói.

Z1 5

Vi phạm pháp luật về an toàn đê điều diễn ra từ lâu, không bị xử lý dứt điểm nên tồn tại qua nhiều năm. 

Chủ tịch UBND phường Thụy Phương cũng cho hay đã tuyên truyền vận động nhiều lần, thậm chí lập biên bản xử phạt nhưng nhiều hộ dân vẫn cố tình vi phạm. “Tháng 6/2018, UBND phường đã lập biên bản hành chính, đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm phạt 10 triệu đồng đối với Công ty An Thành”, bà Bình cho biết.

Vẫn theo bà Bình, trên địa bàn đang có nhiều công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ đê. Do người dân địa phương xây dựng để kinh doanh vật liệu tre, nứa. “Đây là những hộ buôn bán vật liệu phục vụ xây dựng, tồn tại đã lâu, trong đó có một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 9/2018, phát hiện có hộ dân dựng lều kinh doanh lấn chiếm mới, UBND phường đã ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng và dự kiến ngày 8/10 tới đây sẽ tổ chức cưỡng chế”, bà Bình cho hay.

“Hạt quản lý đê số 1 đã báo cáo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội chỉnh trang lại tuyến đường này trong thời gian tới. UBND Phường sẽ phối hợp cùng Hạt để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đê điều làm nơi kinh doanh”, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương cho biết thêm.

Theo bà Bình, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, UBND phường Thuỵ Phương đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền lập quy hoạch, đưa các hộ đang trung chuyển vật liệu xây dựng lên khu dự kiến quy hoạch Thượng Cát – Liên Mạc.

Video: Liều lĩnh dắt xe máy qua lũ dữ, người đàn ông suýt bị nước cuốn trôi

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm xây dựng công trình, đổ đất san lấp mặt bằng và tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm chỉ giới đê điều.

Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai còn có hiện tượng né tránh, hiệu quả xử lý thấp. Các đơn vị liên quan thực hiện chưa tốt quy chế phối hợp xử lý vi phạm đê điều của UBND thành phố.

Trước tình trạng nhức nhối này, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ việc đã được giải quyết còn rất thấp so với tổng số vụ vi phạm.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn