Công ty Hanwha Aerospace, nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Hàn Quốc, đã sản xuất vũ khí trên bộ suốt gần 50 năm qua và vẫn kiên trì với các sản phẩm của mình, ngay cả khi các đối thủ nước ngoài chuyển sang máy bay tiêm kích thế hệ thứ sáu và máy bay không người lái.
Các nhà phân tích quân sự coi Hanwha là một di sản lỗi thời, cho rằng các sản phẩm của họ không đáp ứng được cho chiến tranh thế kỷ 21.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra gần như hoàn toàn trên bộ, đã chứng minh ý kiến của các nhà phân tích là sai lầm. Hơn hai năm kể từ khi cuộc xung đột này diễn ra, doanh thu xuất khẩu vũ khí hàng năm của Hanwha tăng gấp 11 lần lên 1,1 tỷ USD. Cổ phiếu công ty tăng khoảng 350%.
Để đáp ứng nhu cầu không ngừng của thế giới, Hanwha đã tuyển thêm hàng trăm nhân viên mới vào năm ngoái.
Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace, Son Jae-il cho biết, với một nhóm nghiên cứu và mục tiêu phát triển lớn hơn, công ty hiện cũng đang lên kế hoạch phát triển động cơ cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ sáu, nhưng vũ khí truyền thống vẫn là sản phẩm cốt lõi của họ.
Mỹ sở hữu 40% hệ thống phòng thủ của thế giới, nhưng họ không thể làm được tất cả. Chúng tôi tập trung vào các sản phẩm hạng trung như pháo tự hành, xe bọc thép, xe tăng. Trong phân khúc này, chúng tôi đã có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace, Son Jae-il
Vũ khí cũ nhưng thế giới vẫn cần
Sự hồi sinh của Hanwha phản ánh một khoảng trống trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu. Các nhà sản xuất Mỹ và phần lớn châu Âu đã chuyển sang vũ khí chiến lược, đạn dẫn đường chính xác và các công nghệ tiên tiến khác. Điều đó đã mở ra cánh cửa cho các sản phẩm vũ khí truyền thống hơn của Hanwha.
Ông Yoon Sukjoon, cựu hạm trưởng hải quân Hàn Quốc và là thành viên cấp cao tại Viện Quân sự Hàn Quốc, cho biết: “Các công ty quốc phòng ở Mỹ hoặc châu Âu không muốn sản xuất những loại vũ khí này”. Vũ khí do Hàn Quốc sản xuất “không phải là loại tiên tiến nhất, nhưng là loại mà Lockheed Martin hay Boeing không thể làm”.
Ba Lan là một khách hàng quen thuộc của Hanwha, đã đặt hàng ít nhất 670 pháo tự hành K9 và 290 dàn phóng tên lửa từ năm 2022. Công ty này cũng sở hữu hợp đồng xuất khẩu pháo tự hành sang Ai Cập và đạn dược sang Anh. Nếu thỏa thuận đề xuất với Romania được thông qua, đây sẽ là quốc gia thứ 10 mua pháo K9 của công ty Hàn Quốc.
Năm ngoái, Hanwha đã đánh bại đối thủ Đức Rheinmetall AG để cung cấp cho Australia 129 xe tăng, một thỏa thuận trị giá ít nhất 5 tỷ AUD (3,3 tỷ USD) và là một trong những dự án quân sự lớn nhất trong lịch sử Australia.
Ông Pat Conroy, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Australia, cho biết: "Sản phẩm của cả hai bên đều trải qua hai năm thử nghiệm và đánh giá toàn diện. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng, bao gồm cả các nhà thử nghiệm của Lục quân, đánh giá rằng xe chiến đấu bộ binh Hanwha Redback phù hợp với các yêu cầu của Australia hơn".
Ông Conroy cũng nhấn mạnh rằng Hanwha sẽ đóng những chiếc tăng này tại Australia và thực hiện các lần giao hàng đầu tiên trong vòng năm năm, sớm hơn so với dự kiến trước đó. Ông khẳng định lựa chọn này "hoàn toàn dựa trên chất lượng xe tăng và giá thành".
Pháo K9 của Hanwha có lợi thế về dây chuyền sản xuất trơn tru, chuỗi cung ứng nguyên vẹn và thời gian giao hàng nhanh. (Ảnh: Bloomberg)
Mặc dù bán đảo Triều Tiên không xảy ra xung đột nào trong nhiều năm, nhưng tình hình chưa bao giờ thực sự ổn định. Bình Nhưỡng không ngừng tiến hành các vụ thử tên lửa. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đầu năm cảnh báo Hàn Quốc về kịch bản "hủy diệt" và tuần này đã thả gần 1.000 quả bóng bay chứa đầy rác qua biên giới.
"Châu Âu đã có hòa bình từ lâu nhưng Hàn Quốc đang ở một vị trí mà ngành công nghiệp quốc phòng buộc phải phát triển mạnh. Đó (sản xuất vũ khí) không hẳn là điều mà chúng tôi muốn ưu tiên đầu tiên, nhưng chúng tôi phải làm điều đó vì Triều Tiên”, ông Son Jae-il nói.
Lợi thế từ dây chuyền lâu năm
Hiện nay, khi các nhà thầu quốc phòng Mỹ và châu Âu đang nỗ lực khởi động lại hoặc tăng cường sản xuất, Hanwha mang đến cho đối tác lợi ích từ dây chuyền sản xuất trơn tru, chuỗi cung ứng nguyên vẹn và thời gian giao hàng nhanh hơn.
Hanwha có thể lắp ráp pháo tự hành K9 chỉ trong khoảng 180 ngày, nhanh gấp 2 - 3 lần so với các đối thủ cạnh tranh. Với chi phí thấp hơn, các sản phẩm của công ty cũng rẻ hơn. Pháo K9 có giá khoảng 3,5 triệu USD, chỉ bằng khoảng một nửa đến một phần ba giá của các đối thủ cạnh tranh toàn cầu.
Giáo sư Lami Kim tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii, cho biết những lợi thế này được chia sẻ trên toàn ngành, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh nội địa của Hanwha là LIG Nex1 và Hyundai Rotem.
Ông nói: “Vũ khí của Hàn Quốc nổi bật nhờ chất lượng đáng nể, giá cả phải chăng so với các lựa chọn thay thế của Mỹ và phương Tây, cũng như tính hiệu quả ở khâu giao hàng”.
Hanwha chuyên về các loại vũ khí hạng trung như pháo K9, nhưng công ty cũng đang dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu phát triển công nghệ và có kế hoạch chế tạo động cơ máy bay chiến đấu. (Ảnh: Bloomberg)
Nhìn chung, Hàn Quốc đang nắm lợi thế lớn từ việc sở hữu dây chuyên sản xuất vũ khí đáng tin cậy, giá cả cạnh tranh để bán ra trong thời điểm thiếu hụt các nhà cung cấp vũ khí truyền thống của thế giới và nhu cầu từ mọi phía đang cao.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng 6,8% vào năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, và không có dấu hiệu chững lại.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Hanwha đã tuyển thêm khoảng 700 nhân viên mới trong năm qua, nâng tổng số nhân viên lên hơn 7.000 người, Giám đốc Son cho biết.
Hơn một phần ba nhân lực công ty tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, bao gồm các nỗ lực phát triển vũ khí điều khiển từ xa và tự động, cũng như động cơ máy bay tiêm kích - thứ mà ông Son nói công ty sẽ cung cấp trong thập kỷ tới.
"Chúng tôi cũng sẽ sản xuất động cơ cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ sáu", ông nói. "Hiện tại, chúng tôi đang nhập khẩu động cơ máy bay từ nước ngoài. Nhưng tôi cho rằng điều đó nên dừng lại. Chúng ta hãy tự sản xuất".
Bình luận