Ngày 23/1, Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ mang tên "Những cánh chim hòa bình".
Đại tá Hoàng Kim Phụng (Cục trưởng) cho hay, 5 năm qua, Việt Nam đã cử 29 lượt sĩ quan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc; triển khai thành công Bệnh viện dã chiến (cấp 2) số 1 gồm 63 cán bộ, y, bác sĩ đến Nam Sudan vào tháng 10/2018.
"Các sĩ quan Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 20 lượt về nước thì có 2 sĩ quan nằm trong nhóm 2% được Liên Hợp Quốc đánh giá là hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ. Đó là Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga và Nguyễn Văn Hằng", ông Phụng nói.
Bên cạnh đó, bệnh viện dã chiến số 1 của Việt Nam dù mới triển khai hơn 2 tháng nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo được ấn tượng tốt đẹp. Phó tổng thư ký và cố vấn quân sự Liên Hợp Quốc đã gửi thư khen ngợi và cảm ơn Nhà nước Việt Nam.
Theo Cục trưởng Gìn giữ hoà bình, những kết quả này đã phần nào khẳng định cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp cho hòa bình thế giới. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về Việt Nam hôm 8/1, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga cho biết chị đã có một năm ý nghĩa khi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Nam Sudan. Công việc của chị tại phái bộ của Liên Hợp Quốc là sĩ quan tham mưu, làm việc tại căn cứ, nhưng vì là sĩ quan nữ đầu tiên của Việt Nam sang đây nên ngoài làm chuyên môn, chị muốn gần gũi với nhân dân bản địa. Mỗi dịp cuối tuần hay lúc ngoài giờ làm việc, chị đều đến các khu dân cư để gặp gỡ người dân.
"Một lần đến ngôi trường cách căn cứ khoảng 3 km, lớp học không có gì đáng giá, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cuộc nội chiến song tôi xúc động vì tinh thần học tập của các em. Khi tôi đem hộp màu, giấy vẽ tặng thì các em đều rất vui", chị kể.
Nữ quân nhân tâm sự, ban đầu, chị muốn tiếp xúc với các em nhỏ để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ con, nhưng càng về sau chị càng thấy gắn bó với lũ trẻ. Chị hướng dẫn các bé và người mẹ vệ sinh cho con. "Tôi thấy đau lòng khi thấy các em nhỏ bị sốt rất cao, nhưng mẹ không có kiến thức vẫn để các em nằm ngoài nắng, có em bị thương nặng không được chăm sóc", chị Nga nói. Không chỉ tận tình chỉ dẫn, chị còn mang thuốc ra cho các bé.
"Người dân Nam Sudan rất vui mừng khi biết tôi đến từ Việt Nam. Họ nói trước nay chỉ biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nay lại được gặp một nữ quân nhân bằng xương bằng thịt đến giúp đỡ. Tình cảm với người dân vì vậy càng thân thiết, gắn bó hơn", thiếu tá Hằng cho hay.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hằng làm nhiệm vụ tại Nam Sudan từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2017. Cũng như những đồng đội khác, hành trang đến nước bạn của anh Hằng có lá cờ tổ quốc trong ba lô. Tuy nhiên, nếu đồng đội để nơi làm việc thì anh Hằng dựng cột cờ tại nơi ở. Anh cho biết, nhìn thấy lá cờ, các nhân viên của Liên Hợp Quốc và người dân địa phương đều biết anh đến từ Việt Nam và thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ.
"Ở nơi đất khách quê người, tôi treo cờ lên để thấy mình không đơn độc mà sau lưng có cả Tổ quốc. Mỗi khi đi tuần tra trở về, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng là tôi cảm thấy ấm áp", anh Hằng nói.
Thượng tá Nguyễn Xuân Thành, nguyên sĩ quan tham mưu tại phái bộ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc Trung Phi kể, khi anh sang đây được 4 tháng thì các lực lượng nổi dậy kéo về thủ đô. Họ tấn công lẫn nhau, bắn vào dân thường và các đoàn xe, khu nhà ở của nhân viên Liên Hợp Quốc. Tình trạng này buộc Liên Hợp Quốc phải đóng cửa khu làm việc.
"Nơi trọ của các sĩ quan Việt Nam giáp ranh với chỗ đóng quân của hai lực lượng này nên nghe thấy tiếng súng ngày đêm. Sáng sớm mở cửa ra ngoài thấy vỏ đạn rơi vãi khắp sân", anh Thành kể. Sau khoảng 2 tuần không thể liên lạc về Việt Nam để nhận chỉ đạo và tình hình ngày càng phức tạp, các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam đã yêu cầu được chuyển vào khu làm việc của Liên Hợp Quốc để bám trụ và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Trung tá Trương Anh Tuấn, nguyên Sĩ quan Liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan cũng nhớ những chuyến tuần tra, áp tải đoàn đến nhiều làng mạc xa căn cứ cả trăm km.
"Hai bên đường là những làng mạc bị đốt cháy, các tay súng địa phương xuất hiện khắp nơi... Tận mắt chứng kiến những điều đó, tôi thấy cái giá cực đắt của xung đột, chiến tranh và càng quyết tâm thực hiện thật tốt nhiệm vụ gìn giữ hoà bình mà mình được vinh dự tham gia", anh Tuấn nói.
Bình luận