• Zalo

Thi THPT Quốc gia 2018: Bí quyết đạt điểm tối đa trong phần Đọc hiểu môn Văn

Giáo dụcThứ Năm, 12/04/2018 10:55:00 +07:00Google News

Trong môn Văn, đối với phần Đọc hiểu, giáo viên thường chấm theo kiểu đếm ý cho điểm, vì vậy, thầy giáo Trịnh Quỳnh đưa ra 5 quy tắc đơn giản ghi nhớ trên đầu ngón tay để có thể đạt điểm tối đa.

Dạng đề đọc hiểu đã khá quen thuộc với các em học sinh. Đối với đề thi THPT dạng văn bản đọc hiểu hay gặp nhất là các văn bản thông tin khoa học và thời sự, văn bản nghị luận các vấn đề tư tưởng đạo lý.

Nội dung đọc hiểu thường đề cập đến những vấn đề gần gũi, có ý nghĩa tư tưởng, mang tính thời sự tích cực và thường đặt ra các vấn đề đáng suy ngẫm với thế hệ trẻ. Các văn bản thường nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Trong đó, đòi hỏi kiến thức và kỹ năng của toàn bộ chương trình Ngữ văn mà trọng tâm là lớp 11 và 12.

20994152_1466605466719996_4921151815288807960_n

 Thầy giáo Trịnh Quỳnh.

Độ khó các câu hỏi tăng tiến từ câu 1 đến câu 4 với 4 mức độ từ nhận biết – thông hiểu – vận dụng và vận dụng cao.

Trong đó, đề bài bao giờ cũng yêu cầu học sinh nhận biết dạng thức, tìm kiếm thông tin, lý giải một số chủ đề, nâng cao hơn, đề bài sẽ hỏi về sự phản hồi của người đọc về vấn đề được tác giả đề cập đến trong văn bản.

Đối với phần đọc hiểu, giáo viên thường chấm kiểu đếm ý cho điểm, chú ý vào các từ khóa giống với đáp án. Học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa ở phần này.

Tuy nhiên, nhiều học sinh chưa hiểu được mục đích của câu hỏi, mối quan hệ giữa câu hỏi với câu trả lời nên chưa trả lời đúng ý và trúng ý của người hỏi.

Dưới đây là 5 quy tắc đơn giản có thể ghi nhớ trên đầu ngón tay để có thể đạt điểm tối đa:

1. Đọc lướt

Trước khi đọc bất kỳ văn bản nào, hãy dành một vài phút để xem xét tổng quát và đọc lướt văn bản bằng cách xem qua mục lục, các tiêu đề của văn bản, các câu chủ đề, phần mở đầu, phần kết luận… Hãy cố gắng đưa ra ý kiến liệu rằng tài liệu hay cuốn sách này có giúp ích gì cho bạn không?

Người đọc có thể đặt những câu hỏi khác liên quan đến những gì mình đã đọc, ví dụ:

Đoạn văn này muốn nói điều gì?

Bạn đã biết được thông tin gì trước khi đọc văn bản?

Có những chi tiết nào quan trọng hỗ trợ cho ý chính?

Tác giả đưa ra những dẫn chứng nào để thuyết phục người đọc?

2. Nắm vững các cấp độ đọc hiểu

Sau khi thực hiện thao tác đọc lướt, học sinh đọc câu hỏi để nắm được yêu cầu của đề bài. Sử dụng thao tác đọc để lấy thông tin cần đến, trong đó nắm vững các cấp độ đọc hiểu.

Câu hỏi 1 là câu hỏi nhận biết. Những loại câu hỏi này là câu hỏi theo nghĩa đen. Bởi vì câu trả lời nằm trong một câu của văn bản, câu hỏi và câu trả lời thường có cùng một từ ngữ. Câu trả lời thường là đáp án ngắn, thông thường chỉ có một câu trả lời đúng cho câu hỏi dạng này.

Chỉ dành khoảng 1 phút để nhận diện và trả lời câu hỏi này vì đây là câu hỏi đơn giản nhất, trên 90% người đọc đều có thể trả lời chính xác câu này.

3. Suy nghĩ và tìm kiếm

Câu trả lời có thể được tìm thấy trong một số phần của văn bản. Tuy nhiên không dừng ở việc trích lại thông tin, chi tiết có sẵn, câu hỏi dạng này đòi hỏi độc giả phải tư duy về thông tin ấy xem chúng có liên quan như thế nào giữa các phần của văn bản. Từ đó, tiến hành cắt nghĩa, lý giải, đưa ra câu trả lời. Câu trả lời thường là câu trả lời ngắn.

Một số ví dụ về cụm từ được sử dụng cho các câu hỏi suy nghĩ và tìm kiếm:

Lý do gì?  Như thế nào? Tại sao đã?  Điều gì đã gây ra?

Câu hỏi này muốn kiểm tra xem học sinh có hiểu vấn đề theo quan điểm của tác giả. Học sinh tránh nhầm lẫn khi giải nghĩa các thuật ngữ, các từ khóa theo quan điểm, suy nghĩ cá nhân.

4. Tác giả và tôi

Câu trả lời cho câu hỏi bắt nguồn từ cả hai manh mối trong văn bản và kiến ​​thức sẵn có của học sinh. Sinh viên phải tổng hợp văn bản để hiểu đầy đủ câu hỏi. Đây là kiểu câu hỏi sáng tạo ra kết nối trong hoạt động đọc, đào sâu những tầng ngữ nghĩa phía sau câu chữ.

Một số ví dụ về cụm từ được sử dụng cho câu hỏi tác giả và tôi:

Tác giả ngụ ý gì? Quan điểm của tác giả? Điều tác giả nói có gì giống và khác biệt với những văn bản khác?

5. Suy nghĩ của bản thân

Câu trả lời hoàn toàn dựa trên kiến ​​thức của học sinh. Những câu hỏi này đòi hỏi suy luận và trình bày quan điểm cá nhân. Các câu trả lời không đòi hỏi thông tin từ văn bản nhưng yêu cầu học sinh phải đưa ra một số đánh giá hoặc liên quan đến chủ đề của văn bản.

Đòi hỏi đây phải là những câu hỏi mở vì tri thức, trải nghiệm và quan điểm, cách nhìn nhận của mỗi độc giả trước văn bản có thể có những khác biệt.

Một số ví dụ về cụm từ được sử dụng cho câu hỏi Suy nghĩ của bản thân:

Bạn có biết?  Bạn có bao giờ? Theo ý kiến của bạn thì? Điều gì khiến bạn tâm đắc? Dựa vào trải nghiệm của chính bạn?

Nắm vững các quy tắc đọc hiểu đơn giản này, học sinh có thể làm bài đọc hiểu trọn vẹn trong khoảng 15 phút. Ngoài ra, quy tắc còn áp dụng với tất cả các văn bản trong cuộc sống.

Video: Những mốc thời gian thi THPT Quốc gia 2018 thí sinh cần nhớ

Thầy giáo Trịnh Quỳnh
Bình luận
vtcnews.vn