Để phòng chống hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng bóng cười, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về tác hại nguy hiểm của nó.
Bóng cười (khí N2O) gây nguy hại tới sức khỏe và nhận thức, đặc biệt là trong giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Người sử dụng bóng cười sẽ gây ảo giác, mất kiểm soát hành vi, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe. Đối với học sinh, sinh viên, ngoài gây ảo giác, còn sa sút thể và trí lực, gây ảnh hưởng quá trình học tập và sinh hoạt.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho hay, tất cả các trường học khi nhận được công văn của sở GD&ĐT phải tổ chức ký cam kết cho cán bộ, giáo viên và học sinh không được mua bán, tàng trữ và sử dụng bóng cười.
"Nếu cán bộ, giáo viên và học sinh có hành vi sản xuất, mua bán và tổ chức sử dụng bóng cười khi bị phát hiện sẽ bị xử nghiêm", ông Hoàn nói và cho biết hiện chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm, song "phòng chống là cần thiết".
Trước đó, cơ quan công an đã kiểm tra một quán bar trên đường Lê Hồng Phong, TP Vinh (Nghệ An) phát hiện hàng chục thanh niên hít bóng cười. Tại kho của quán, lực lượng chức trách phát hiện hàng trăm quả bóng cười đã qua sử dụng; hai bình N2O (dinitơ monoxit hay nitrous oxide) và 170 quả bóng cười chưa sử dụng.
Bình luận