• Zalo

Cô giáo Phú Thọ 18 năm dạy trẻ khuyết tật kể kỷ niệm bị học sinh vụt chổi vào người

Giáo dụcThứ Năm, 25/10/2018 07:48:00 +07:00Google News

18 năm gắn bó với học sinh khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Mồ côi - Tàn tật TP. Việt Trì, Phú Thọ, cô giáo Đinh Thị Phú Hiền vẫn không quên được kỷ niệm bị một nam học sinh lấy chổi ở nhà vệ sinh vụt thẳng vào người.

 Video: Cô giáo Phú Hiền trong tiết dạy học sinh khuyết tật

:

18 năm dạy học sinh khuyết tật

Tôi đến Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Mồ côi - Tàn tật TP. Việt Trì, Phú Thọ gặp cô giáo giành 18 năm tâm huyết dạy học sinh khuyết tật. Khi tôi đến, cô giáo Đinh Thị Phú Hiền (SN 1978) vẫn đang trong giờ dạy.

Kết thúc giờ giảng của mình cô Phú Hiền mới có chút thời gian rảnh cho phóng viên. Cô Hiền chia sẻ, trong một lớp có 13 học sinh, gồm cả học sinh khiếm thính và học sinh thiểu năng trí tuệ. 

IMG_0419 15

Do bất đồng về ngôn ngữ vì dạy học sinh khiếm thính phải dùng ngôn ngữ ký hiệu nên bài học nào trên lớp, cô Hiền cũng đều phải dạy cụ thể từng bước một.

Khi được hỏi về cơ duyên dạy tại ngôi trường này, cô Hiền tâm sự: “Tình cờ có lần cùng bạn đi qua trung tâm, khi đứng phía ngoài thấy các em nói chuyện với nhau bằng ký hiệu, tôi thấy tò mò và đã vào trường chơi. Tại đây, khi nói chuyện, tôi cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mình tìm hiểu về các em. Đây có lẽ là lý do chính để tôi quyết định xin về đây giảng dạy”.

Tốt nghiệp ra trường năm 1999. Đến năm 2000, cô giáo Phú Hiền xin về công tác tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Mồ côi - Tàn tật TP. Việt Trì. Thời gian đầu, cô gặp khá nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Lúc này, muốn giao tiếp với học sinh, bắt buộc phải biết ký hiệu nhưng cô lại chưa từng được đào tạo về ngôn ngữ ký hiệu (NNKH).

Khi hỏi, các em không nói mà chỉ khua tay chỉ trỏ, cô Hiền không hiểu được gì mà chỉ ngơ ngác nhìn, còn các em chỉ tay lên đầu lắc lia lịa, có em bỏ đi chỗ khác. Chỉ có một số em lớn hơn lấy bút ra viết hỏi tên cô, cô bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu,….

Không thể để học sinh thất vọng, cô Hiền quyết tâm học ngôn ngữ ký hiệu để hòa đồng và hiểu được học sinh của mình.

IMG_0409 14

 Học tập tại Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi - tàn tật, các em được học kiến thức và kỹ năng sống.

Cô giáo Hiền tự học ngôn ngữ ký hiệu trong sách của trường, học hỏi đồng nghiệp trong những buổi đến trường, tìm mua sách dạy ngôn ngữ ký hiệu về nhà tự học. Mỗi buổi lên lớp dạy học trò cũng là lúc cô Hiền thực hành, kiểm tra hiệu quả của những bài học về ngôn ngữ ký hiệu.

Đi sớm về muộn, tham gia nhiều vào các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của học sinh ở trường, ở khu nội trú cũng là cách cô giáo Hiền tự học ngôn ngữ ký hiệu và hiểu thêm về đời sống tâm tư, tình cảm để đồng cảm với các em học sinh đặc biệt tại đây.

Cô tìm tòi phương pháp dạy học sinh khuyết tật để vận dụng vào trong thực tiễn, giúp học sinh có thể hòa nhập với cộng đồng.

Trong những giờ lên lớp, cô cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, tình cảm cô trò ngày càng gắn bó. Với quyết tâm sau thời gian học hỏi ngôn ngữ ký hiệu, cô Đinh Thị Phú Hiền giao tiếp với học sinh không còn khó khăn trở ngại như trước.

IMG_0400 17

Cô Đinh Thị Phú Hiền dạy học sinh bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Để dạy học sinh khuyết tật, cô Hiền phải có phương pháp dạy học riêng, có em phải mềm mỏng, có em lại phải dỗ dành. Những giáo viên ở đây dạy các em kiến thức, dạy nghề và dạy kỹ năng sống. Về ngôn ngữ ký hiệu, giáo viên dạy để các em giao tiếp với những người khác.

Cô Hiền cho rằng, giáo viên là nghề vất vả, thiệt thòi và giáo viên giảng dạy ở những ngôi trường đặc biệt, cho những học sinh đặc biệt như học sinh của cô thì phải dụng công, tâm huyết, vất vả hơn nữa.

Đối với cô giáo, dạy nghề cho học sinh khuyết tật rất quan trọng, giúp các em có nghề trong tay, có thể đi làm sẽ tự nuôi sống bản thân mình, trở thành người có ích cho xã hội.

IMG_0398 18

 Lớp gồm hai đối tượng là học sinh khiếm thính và học sinh thiểu năng trí tuệ.

Học sinh cầm chổi vụt thẳng vào người

Cô Hiền chia sẻ, 18 năm dạy học, có nhiều kỉ niệm vui buồn mà cô nhớ mãi không quên. Vì khuyết tật nên các em khá tự ti và dễ bị tổn thương, kích động.

Để thấu hiểu các em, dạy các em học, đòi hỏi người giáo viên phải thật kiên nhẫn, lúc nào cũng nhẹ nhàng và biết kiềm chế bản thân. Giáo viên cũng phải nắm bắt tâm lý, có lúc nghiêm nghị nhưng có lúc phải chiều theo yêu cầu của học sinh.

“Dạy các em khuyết tật, tôi có rất nhiều kỷ niệm để nhớ nhưng nhớ nhất là kỷ niệm cách đây 7 năm. Khi đó, có một nam học sinh khoảng 16 tuổi bị câm điếc rất ngang tính, phá phách, thích làm theo ý mình.

Thời gian đó, gia đình muốn em học nghề nhưng mỗi lần đến trường, em thường phá phách, khi tôi gọi thì trốn vào nhà vệ sinh. Có lần, em lấy chổi trong nhà vệ sinh vụt thẳng vào người tôi. Nhưng may mắn thay, nhờ sự kiên trì, sau một thời gian, tôi cũng thuyết phục được em học nghề. Hiện tại, nam học sinh này của tôi đang làm việc trong một nhà máy tại miền Nam”, cô Hiền nhớ lại.

img_0436-23-0735047 25

  Khu vui chơi của học sinh khuyết tật.

Sau 18 năm gắn bó với học sinh khuyết tật, dìu dắt nhiều thế hệ học trò, có em đi làm ở nhà may, quán cắt tóc gội đầu, có em xây dựng gia đình quay lại trường gửi thiệp hồng mời cô giáo tới dự... đều khiến cô vui mà không cầm được nước mắt.

Cô Hiền cảm thấy rất hài lòng với công sức mình bỏ ra, với những nỗ lực cố gắng của bản thân cô được đền đáp bằng sự trưởng thành, nụ cười và hạnh phúc của các em.

“Tình yêu thương của giáo viên dạy trẻ khuyết tật tuy không thể chữa lành khuyết điểm trên cơ thể nhưng giúp các em hòa nhập cộng đồng, xoa dịu phần nào thiệt thòi mà các em gánh chịu”, cô Hiền nói.

Nhật Tâm
Bình luận
vtcnews.vn