• Zalo

Cô giáo phạt học sinh quỳ gối trước bục giảng có phạm tội làm nhục người khác?

Giáo dụcThứ Bảy, 11/05/2019 16:36:00 +07:00Google News

Luật sư cho rằng, tùy động cơ, mục đích và tổn thương về tâm lý của học sinh bị cô giáo bắt quỳ để có biện pháp xử lý.

Liên quan đến vụ cô giáo bắt học sinh quỳ trước lớp ở trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội), ngày 11/5, trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) đưa ra những phân tích về hình thức xử lý với cô giáo.

Luật sư Thơm cho rằng, cần dựa vào tính chất, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về tâm lý của hành vi ép học sinh quỳ gối để có cơ sở quy kết. Hành vi này có thể xử lý kỷ luật hoặc có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác", theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), phải xem xét hành vi của giáo viên đã xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối. Tuy nhiên, luật sư xét thấy ở trường hợp này, việc xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác" là khó vì chưa gây hậu quả nghiêm trọng gì nhưng cần phải xử lý kỷ luật giáo viên này.

Theo quy định pháp luật, hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo.

thcs_to_hieu_thuong_tin1

Cô giáo phạt học sinh quỳ trước lớp. 

Sự cần thiết phải dành cho trẻ em sự chăm sóc đặc biệt là một yêu cầu đã được khẳng định trong Tuyên bố Geneva về quyền trẻ em năm 1924, trong Tuyên bố về quyền trẻ em do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1959 và đã được thừa nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người

Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đặc biệt là các điều 23 và 24), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (đặc biệt là điều 10), những quy chế và văn kiện có liên quan khác của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế hoạt động vì phúc lợi của trẻ em cũng có quy định bảo vệ trẻ em.

Như vậy, có thể thấy trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.

"Không thể chấp nhận được việc làm của cô giáo khi xử phạt học sinh bằng cách quỳ trước lớp như vậy. Về hành vi khách quan, việc bắt các cháu học sinh phải quỳ gối có thể theo cô giáo là cách "dạy bảo" nhưng về mặt pháp luật đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người" - luật sư Thơm nói.

Trước đó, mạng xã hội xuất hiện hình nam sinh bị cô giáo phạt quỳ ngay trước bục giảng, kèm theo đó là đơn kiến nghị của phụ huynh một nam sinh về vấn đề này. Theo nội dung đăng tải, những hình ảnh trên được ghi lại tại lớp 9B trường THCS Tô Hiệu, khi cô giáo chủ nhiệm phạt học sinh này quỳ trước bục giảng.

Người đăng tải thông tin cho biết, do nam sinh vi phạm quy định của lớp nên giáo viên chủ nhiệm lớp 9B đã yêu cầu 3 học sinh phải quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó có một học sinh không chấp nhận quỳ vì cho rằng đó là hình phạt mang tính chất lăng nhục nên đã bị giáo viên này đuổi ra khỏi lớp học.

Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều người có con đang đi học tỏ ra bức xúc trước việc cô giáo phạt nam sinh quỳ gối trước bục giảng.

Liên quan đến vụ việc này, ông Kiều Xuân Dương – Phó Hiệu trưởng trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường cùng cô giáo chủ nhiệm tên lớp 9B là Lê Thị Quy về gia đình nam sinh này làm việc nhưng chưa có kết luận.

Theo ông Dương, ban đầu, gia đình nam sinh này rất bức xúc, tuy nhiên qua trao đổi, làm việc với nhà trường và cô giáo thì gia đình cũng hiểu được phần nào vấn đề và không còn bức xúc, bực tức nữa.  Ngày 10/5, cô Quy vẫn đến lớp giảng dạy bình thường.

Điều 16 Công ước quốc tế quyền trẻ em “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.

Điều 20 Hiến pháp 2013 qui định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Điều 37 Hiến pháp 2013 qui định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”

Điều 27 Luật trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”

Theo Điều 4 Luật trẻ em đã giải thích “Bạo lực trẻ em” là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em..

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn