• Zalo

Cô giáo 'lệnh' học sinh tát bạn: Đến lúc phải kiểm soát quyền lực ở trường học

Giáo dụcThứ Năm, 06/12/2018 09:13:00 +07:00Google News

Chúng ta hay nói đến kiểm soát quyền lực ở cơ quan, ban ngành mà “bỏ quên” một nơi mà ít ai nghĩ lạm quyền dễ xảy ra là trường học.

Câu chuyện cô giáo cho bạn cùng lớp tát học sinh 231 cái tại Quảng Bình còn đang gây bức xúc  thì lại xảy ra việc một cô giáo ở trường tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) bị tố cho học sinh tát bạn cùng lớp 50 cái làm em này bầm mặt. Sự việc đang được xác minh, làm rõ nhưng cũng khiến dư luận có nhiều lo lắng.

Với mỗi gia đình, gửi con cái đến trường học là gửi gắm tất cả sự tin tưởng, tương lai của con cho nhà trường. Vì thế, những hành động phản giáo dục trong một môi trường mô phạm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua làm nhiều gia đình bất an.

Lâu nay, chúng ta hay nói đến quyền lực ở các cơ quan, Bộ, ngành và đã có nhiều biện pháp để kiểm soát quyền lực. Nhưng dường như việc kiểm soát quyền lực ở một nơi mà ít ai nghĩ lạm quyền dễ xảy ra, lại đang diễn ra - là lớp học, trường học.

Trong một lớp học, cô giáo là người có “quyền lực tối thượng” trước các em học sinh. Với các em, nhất là những học sinh tiểu học gần như là "tờ giấy trắng", chưa có đủ kiến thức và trải nghiệm để phân biệt hành động, lời nói của người lớn, đặc biệt của người thầy, người cô là đúng hay sai, nên sự phản biện của các em gần như là không có hoặc rất yếu ớt.

Hai là, phần lớn các trường công lập hiện nay, học sinh được học trong môi trường còn thiên về lý thuyết, giáo điều mà ít được thực hành, va chạm thực tế nên phần lớn các em rất thụ động. Thụ động trong các tiếp cận vấn đề, thụ động trong suy nghĩ và cả trong hành động.

Vì thế cũng dễ hiểu khi cô yêu cầu cả lớp tát bạn 230 cái và tất cả đã làm theo như một cái máy. Có duy nhất một em không muốn tát anh họ của mình, rồi thấy cô giáo chủ nhiệm lởn vởn ở ngoài nên đành phải xuống tay. Em này vừa tát, vừa khóc nhưng không thể nhẹ tay vì sợ cô giáo phạt ngược.

Thật nguy hiểm, ở một môi trường được coi là mô phạm, sự hình thành nhân cách con người phần lớn cũng bắt đầu từ đây, thì các em lại phải chứng kiến và làm theo những kiểu giáo dục “phi giáo dục” đến như vậy. Và không ai dám chắc rằng, khi lớn lên các em lại không áp dụng những “phương pháp” này vào hành xử trong cuộc sống sau này.

truong3

Vụ việc cô giáo yêu cầu học sinh tát bạn 50 cái gây bức xúc trong dư luận. (Ảnh: Giadinhmoi) 

Vì thế, cùng với việc kiểm soát quyền lực đang ngày càng diễn ra quyết liệt ở nhiều cơ quan, ban ngành, đến lúc chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của người thầy ngay ở lớp học, trường học.

Muốn làm được như thế, việc trước mắt là cần loại ra khỏi môi trường mô phạm những giáo viên phi giáo dục như vậy. Bởi với nhiều môi trường khác, cho người phạm lỗi có cơ hội sửa đổi là điều cần thiết, nhưng trong môi trường đặc biệt là giáo dục, những người cô, người thầy được đào tạo khá bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy và đạo đức người thầy.

Không để những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đa số những người thầy, người cô đang hết lòng với công việc, đặc biệt là làm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh-những người chủ của đất nước trong tương lai.

Cùng với đó, có nên xem lại chất lượng đào tạo sinh viên, nhất là sinh viên trường sư phạm. Ngành Giáo dục đã thực sự tuyển chọn được những người thầy, người cô thực sự có chất lượng ngay từ đầu vào? Việc đào tạo họ thực sự chất lượng, học đi đôi với hành để khi áp vào các tình huống thực tế, không xảy ra những sự việc đau lòng như cô giáo cho cả lớp tát học sinh hay cô giáo bắt học sinh quỳ, uống nước giặt giẻ lau bảng?

Cũng không thể không quan tâm đến việc đào tạo học sinh trong trường học hiện nay. Chúng ta mong muốn đào tạo ra những học sinh tự do sáng tạo, có chính kiến của mình hay mong muốn đào tạo những học sinh “ngoan ngoãn”, tuyệt đối nghe lời và như một cái máy khi thực hiện yêu cầu của người lớn? Để rồi lại phải chứng kiến những cảnh đau lòng tương tự khi cả lớp răm rắp tát bạn theo yêu cầu của cô, hoặc thấy cô bắt bạn uống nước giặt giẻ lau bảng…mà không có bất kỳ sự phản kháng nào?

Mọi cố gắng, nỗ lực sẽ là vô nghĩa nếu không có sự quan tâm, phối hợp của gia đình- nền tảng quan trọng góp phần cùng với nhà trường trong giáo dục, hình thành nhân cách một đứa trẻ, một con người.

Trong sự việc cụ thể vừa xảy ra, nếu đứa trẻ được quan tâm giáo dục đúng mực từ gia đình, nhà trường thì chắc chắn sẽ khó xảy ra việc "nói bậy" và sẽ chẳng thể có cô giáo phải ra lệnh cho bạn tát đến mức phải nhập viện.

Mọi hành động đều do ý chí của con người, khi chúng ta đã quyết tâm thay đổi thì không có gì là không làm được.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn