Ngày 21/1 (tức 30 Tết) tại Hà Nội, trên các tuyến phố Phạm Hùng Lê Văn Lương, Tố Hữu, Vạn Phúc...., nhiều tiểu thương đã bỏ đào, quất cảnh, bán rẻ hay để lại những chậu cây ế ven đường. Bên cạnh những người chấp nhận bán đại hạ giá để lấy lại chút vốn liếng, nhiều người thà chặt, đập bỏ hàng hóa, nhất quyết không chịu bị ép giá.
Những cành đào rừng này vài ngày trước có giá cả triệu đồng, nay do héo đi nên tiểu thương phải giảm giá hết cỡ mong kiếm lại ít vốn liếng, tuy nhiên hầu như không có người mua.
Theo ghi nhận của PV VTC News, trên đường Phạm Hùng có rất nhiều hàng bán đào và các loại cây cảnh nhưng số người đến xem chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước tình trạng khách mua đìu hiu, vào ngày 21/1 (tức 30 Tết) nhiều tiểu thương ở đây quyết định chặt bỏ đào rồi dọn dẹp để về quê đón Tết cùng gia đình
Đang chặt những cành đào để đốt bỏ, anh Khổng Văn Bình, một người bán đào rừng trên đường Phạm Hùng, cho biết năm nay anh đưa 40 gốc đào từ Sơn La xuống Hà Nội bán. Trước đó, mỗi cành đào anh bán giá từ 1 đến 10 triệu đồng, song vắng người mua. Theo anh Bình, năm nay do eo hẹp tài chính nên nhiều gia đình không mua hoa, cây cảnh đắt tiền như đào, quất để chơi Tết mà có xu hướng chọn những bó hoa ly hay chậu lan nhỏ để trưng, vừa tiết kiệm vừa gọn gàng.
“Hiện tại, gian hàng tôi bán vẫn còn 30 gốc đào chưa thể tiêu thụ được. Tôi cũng đã giảm giá kịch sàn nhưng vắng người mua, đành ngậm ngùi chặt, đốt bỏ những cành đào ế để trở về quê ăn Tết cùng gia đình”, anh Bình cho hay.
Một số tiểu thương cho biết, họ phải cắn răng hủy bỏ hàng hóa vì người mua không có hoặc trả giá quá thấp. Nếu bán quá rẻ, họ sợ tạo thói quen chờ xả hàng cho người dân và sẽ càng khó buôn bán hơn trong những năm sau.
Những cành đào bị thẳng tay đốt bỏ.
Các tiểu thương buồn bã nhìn những cành đào mà họ dày công vận chuyển, trông coi.
Nhiều tiểu thương "trắng tay" trong vụ đào năm nay, đành ngậm ngùi dọn dẹp đồ đạc về quê đón Tết cùng gia đình.
Bình luận