• Zalo

Giải mã ‘Cuộc chiến vương quyền’ tại Vinaconex

Kinh tếThứ Tư, 03/04/2019 07:59:00 +07:00Google News

Cuộc chiến tranh quyền tại Vinaconex vẫn chưa ngã ngũ khi mà An Quý Hưng chưa thể nắm quyền lực tuyệt đối.

Biến động sau thoái vốn Nhà nước

Phiên giao dịch ngày 28/3, các nhà đầu tư ngơ ngác khi cổ phiếu VCG của Vinaconex bị bán tháo khiến giá cổ phiếu này giảm sàn, 1.236 tỷ đồng vốn hoá bị cuốn phăng khỏi thị trường.

Câu trả lời được đưa ra khi chiều cùng ngày, người đại diện công bố thông tin Vinaconex cho biết, TAND Quận Đống Đa vừa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của Vinaconex liên quan đến kết quả bầu thành viên Hội đồng quản trị công ty.

Quyết định trên được đưa ra theo kiến nghị từ nhóm cổ đông gồm Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest - 2 doanh nghiệp nắm lần lượt 21,28% và 7,57% vốn tại Vinaconex và 2 thành viên uỷ quyền gồm ông Thân Thế Hà và Nguyễn Quang Trung.

Ngày 28 và 29/3, Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Văn Đông đã ký 2 văn bản đại diện Vinaconex khiếu nại với cùng nội dung được tới Viện trưởng Viện kiểm soát Nhân dân quận Đống Đa và Viện trưởng Viện kiểm soát Nhân dân TP Hà Nội. Đơn khiếu nại cho rằng, cả 2 cá nhân và 2 tổ chức không đủ cơ sở pháp lý về tư cách chủ thể để đưa ra yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 11/1.

Đồng thời, ông Đông cho rằng yêu cầu tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019, gồm việc tạm dừng kết quả bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát, làm đình trệ ngay lập tức toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Văn bẳn yêu cầu các bên liên quan phải bồi thường thiệt hại cho cổ đông 1.236 tỷ đồng do cổ phiếu VCG giảm sàn.

Sau khi công bố các thông tin trên website Tổng công ty, chiều ngày 1/4, Vinaconex bất ngờ tổ chức cuộc gặp với nội dung: Trao đổi, cung cấp thông tin giữa các bên liên quan về công tác tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 của Tổng Công ty.

Cuộc họp bất thường do ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT (theo Nghị quyết đã bị dừng thực hiện) và ông Dương Văn Mậu chủ trì. Ông Nguyễn Xuân Đông Vắng mặt với lý do đi công tác. Cuộc họp có sự tham dự của nhiều cổ đông và đại diện các cơ quan báo chí.

425VCG-0

Buổi họp của Vinaconex chiều 3/3 (ảnh NDH)

Cũng chỉ vì ‘miếng mồi’ BĐS

Ngay đầu cuộc họp, ông Đào Ngọc Thanh cho biết kể từ khi tiếp quản Vinaconex, HĐQT đã tổ chức 3 phiên họp bàn về chiến lược phát triển tổng công ty, thông qua Quy chế tài chính, phát triển một số dự án lớn…

Xung đột nổ ra khi nhóm Cường Vũ và Star Invest không đồng ý thông qua việc thay đổi "quy chế tài chính" nhằm trao quyền quyết định quá lớn cho HĐQT. Nhưng nhờ có 5 phiếu trong HĐQT nên quy chế được thông qua.

Ông Đào Ngọc Thanh lý giải, trước đây Vinaconex không có cơ chế chịu trách nhiệm và giá trị tối đa mà Chủ tịch HĐQT chỉ được ký tối đa 5 tỷ đồng. Việc đề ra quy chế mới cho phép công ty năng động hơn trong việc thực hiện các dự án đầu tư. “Với cơ chế đó thì Vinaconex không thể phát triển. Ví dụ công ty vừa đấu giá dự án lên tới 1.100 tỷ đồng, nếu giữ cơ chế cũ thì không bao giờ làm được”, ông Thanh nói.

Splendora

Dự án Splendora (ảnh Internet)

Theo thông tin tại cuộc họp, ông Thanh cho biết HĐQT mới đã ra quyết định đưa ông Thanh về làm Chủ tịch HĐQT của An Khánh JVC. Nguyên nhân của quyết định trên được ông Thanh lý giải rằng, dự án Splendora cần có bộ máy chuyên nghiệp để thực hiện. Song trước đây, Vinaconex đề cử ông Thân Thế Hà – đại diện Phú Long làm chủ tịch HĐQT An Khánh JVC, sau đó bầu ông Nguyễn Quang Trung (Phó tổng giám đốc Phú Long) làm Chủ tịch dù ông Trung không có chuyên môn bất động sản.

Quyết định trên nhận được sự phản ứng quyết liệt của nhóm cổ đông đại diện cho Phú Long. Báo Pháp Luật dẫn lời nhóm cổ đông Star Invest cho rằng: An Quý Hưng đã có hành vi “thâu tóm quyền lực” kiểm soát bộ máy nhân sự Công ty; sửa đổi quy chế quản trị và quy chế tài chính để cho phép cá nhân Chủ tịch, Tổng giám đốc quyết định giao dịch tới hàng ngàn tỉ đồng; thực hiện hàng loạt những quyết định có nguy cơ làm cạn kiệt mọi nguồn tài chính của Công ty. 

Thâu tóm quyền lực là có thật?

Một trong những quyết định gây tranh cãi đó chính là việc HĐQT với số động thành viên An Quý Hưng đã thông qua quyết định mua gần 23,6 triệu cổ phiếu VCG, tương đương với tỷ lệ 5,34% vốn điều lệ. 

Theo quyết định này, Vinaconex có thể chi ra khoảng 650 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển để mua cổ phiếu quỹ. Và theo như ông Dương Văn Mậu giải thích thì đây là một quyết định đầu tư vì khi mua với giá 28 nghìn/cổ phần, sau này lên 40 nghìn sẽ bán thu lợi.

Tuy nhiên, giải thích trên có hợp lý không khi nguồn lực tài chính VCG không dồi dào, đặc biệt công ty còn phải dự phòng một nguồn vốn lớn bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư?

Trpng khi đó, hiện cuộc chiến tại Vinaconex vẫn chưa ngã ngũ khi mà An Quý Hưng dù chi đến 7.400 tỷ đồng để chiến thắng trong phiên đấu giá nhưng hiện nhóm này trên sổ sách chỉ mới sở hữu 57,71% vốn (chưa tính cổ phần có thể cá nhân khác đứng tên. Như vậy, nếu An Quý Hưng thêm gần 8% cổ phần nữa để tăng sở hữu lên 65% thì khi đó nhóm này sẽ có toàn quyền quyết định các quyết sách quan trọng.

Chiều ngược lại, nhóm Phú Long gồm Cường Vũ nắm giữ 21,28% vốn sau khi mua cổ phần của Vietel và Star Invest đã nhanh chân mua lại lượng cổ phiếu của Pyn Elite Fund để sở hữu 7,57% vốn VCG sau khi thất bại trong đợt đấu giá. Tổng sở hữu của nhóm này tăng lên gần 29% và cần thêm khoảng 6% nửa để đạt tỷ lệ 35% - đủ để phủ quyết toàn bộ quyết sách của công ty.

Phải chăng, mục tiêu “thâu tóm’ và chống ‘tập trung lực lượng’ là mấu chốt của quyết định bung gần 700 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ ?

Và khi toà chưa có quyết định cuối cùng, các quyết định trên của HĐQT Vinaconex sẽ tạm thời vô hiệu lực. Cuộc chiến tranh quyền tại Vinaconex hứa hẹn sẽ còn nhiều thú vị.

Nguyên Trực
Bình luận
vtcnews.vn