Không cảnh giác
Ngay trên mảnh đất Tây Nguyên, có nhiều loại cây nông sản từng lên “cơn sốt” như sầu riêng bây giờ. Song, sau đó lại khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn.
Trong cuộc đua sầu riêng, Việt Nam có nhiều lợi thế, nổi bật nhất là nhờ vị trí địa lý. Mùa sầu riêng của Thái Lan và Malaysia chỉ kéo dài trong vòng 2 tháng, nhưng ở Việt Nam kéo dài đến 10 tháng.
Thời gian qua, giá sầu riêng tăng cao khiến nhiều nơi người dân ồ ạt trồng. Một số địa phương người dân còn chặt bỏ những cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng. Do vậy ngoài cây cà phê, hồ tiêu, cao su, bơ… thì sầu riêng đang dần trở thành cây trồng chủ lực tại khu vực Tây Nguyên.
Tính đến tháng 5/2024, Đắk Lắk có hơn 32.000 ha sầu riêng, vượt xa con số thống kê giữa năm 2023 là 22.458 ha, giữ vị trí là tỉnh trồng sầu riêng lớn nhất cả nước.
Sau Đắk Lắk, Đăk Nông có diện tích sầu riêng hơn 1.000 ha, trong đó, sầu riêng trồng tại Đắk Mil có diện tích và năng suất vượt trội bởi múi thơm ngon, cơm vàng, hạt lép.
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 5.689 ha sầu riêng trồng tại các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Chư Puh, Chư Sê, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, la Grai, Kbang... Năng suất sầu riêng bình quân 175 tạ/ha, sản lượng ước đạt 44.150 tấn. Tỉnh Gia Lai được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 54 mã số vùng trồng sầu riêng ước diện tích 1.289 ha.
Hiện nay, người dân ồ ạt bỏ cây tiêu, cà phê để trồng sầu riêng.
Riêng tỉnh Lâm Đồng cũng có hàng ngàn héc-ta sầu riêng, trong đó huyện Đạ Huoai được coi là “thủ phủ” với 2.000 ha, sản lượng trung bình 9 tấn/ha, chủ yếu trồng những giống cao cấp như Monthong, Ri6, Dona…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng nóng diện tích sầu riêng, trồng không theo quy hoạch hoặc ở những nơi đất đai không phù hợp dễ dẫn đến cung vượt cầu, dư thừa sản phẩm, giá xuống thấp.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk, việc tăng trưởng "nóng” về diện tích, sản lượng sầu riêng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường. Ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk còn yếu về liên kết vùng trồng, tổ chức sản xuất, hoạt động thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sầu riêng; vùng trồng sầu riêng nhỏ lẻ, phân tán, chưa kiểm soát tốt các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm...
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, 3 năm trở lại đây, giá sầu riêng đã tăng cao khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk dự kiến đạt trên 300.000 tấn. Không thể phủ nhận cây sầu riêng đang là cây đổi đời, làm giàu cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì việc phát sinh, đối mặt với những khó khăn, thách thức, rủi ro, thậm chí là tiêu cực do tăng trưởng nóng: Cung vượt quá cầu, dư thừa sản lượng, một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới gây ảnh hưởng năng suất và chất lượng sầu riêng,...
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trồng sầu riêng đúng quy trình, sau 3 - 4 năm tuổi cho thu hoạch, 5 - 7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Hiện nay sầu riêng ở Tây Nguyên bán được giá. Tuy nhiên, khi diện tích sầu riêng đang tăng phi mã như hiện nay thì điều chắc chắn là vài năm nữa khi diện tích này cho quả thì bản thân trái sầu riêng sẽ mất giá, bởi lúc đó “cung” sẽ gấp bội “cầu”.
Ngoài ra, sầu riêng là loại cây khó tính, dễ sâu bệnh đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật và đầu tư mạnh vào chăm sóc, phòng bệnh. Nếu người dân chưa hiểu rõ về nó mà ồ ạt trồng nhiều dễ thất bại. Vì vậy, người dân cần phải cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng để tránh cảnh “tiền mất tật mang”, và phải sử dụng đến các biện pháp kêu gọi giải cứu nông sản. Điệp khúc trồng chặt, chặt trồng cứ lặp đi lặp lại theo kiểu “thấy người ăn khoai mình vác mai đi đào” ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã mang lại những hậu quả cay đắng.
Trên mảnh đất Tây Nguyên, có nhiều loại cây nông sản từng lên “cơn sốt” như sầu riêng bây giờ. Song, sau đó lại khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Có thể dễ dàng điểm danh như cây hồ tiêu khi giá tăng cao khiến nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên phá bỏ cà phê, điều… để trồng loại cây này.
Đến khi, hồ tiêu rớt giá thảm hại trên thị trường, bà con lại quay sang chặt bỏ, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần khi đầu tư quá nhiều tiền vào hồ tiêu. Tương tự, nhiều bà con các tỉnh Tây Nguyên cũng đã từng điêu đứng với cây trồng được mệnh danh là “vàng trắng” - cây cao su, khi phát triển ồ ạt cây công nghiệp này.
Những hệ lụy đáng buồn
"Cơn bão" trồng sầu riêng tại Tây Nguyên đang tăng cấp gió. Phải thẳng thắn thừa nhận, ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng NN&PTNT đã cảnh báo hồi năm 2022 là khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng tưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...
Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, việc tăng giá quá nóng mất kiểm soát đã gây ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích trồng sầu riêng Việt Nam tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, nếu như năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000 ha thì đến cuối năm 2023 con số này đã hơn gấp đôi, lên mức gần 151.000 ha, cao gấp 2 lần so với quy hoạch của bộ này.
Những năm qua, sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, tăng thu nhập cho người trồng, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội cho nhiều địa phương. Riêng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn sầu riêng, mang về kim ngạch 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, hiệu ứng tăng xuất khẩu đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch trên diện rộng.
Theo Bộ NN&PTNT, so với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…., Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt sầu riêng trái vụ.
Người trồng sầu riêng lo lắng đầu ra ổn định cho trái cây tỷ đô.
Hiện tại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới. Việt Nam còn có thêm lợi thế khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ sau chưa đầy 2 năm gia nhập.
Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ thực vật, mặc dù Cục đã nhiều lần cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay biện pháp khắc phục vi phạm Nghị định thư, nhưng nhiều tỉnh vẫn vi phạm, thậm chí, nhiều tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn vi phạm nhiều lần.
Điều này làm dấy lên lo ngại về việc bị Trung Quốc hạn chế đối với mặt hàng này, nếu xảy ra khả năng trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu, tiêu thụ “trái cây vua” của Việt Nam thời gian tới. Và việc tăng nóng diện tích nhưng quản lý chất lượng chưa theo kịp đã bắt đầu có những hệ lụy đáng buồn.
Bình luận