Mức nhiệt kỷ lục được ghi lại tại Gallargues-le-Montueux, thuộc vùng Gard, miền Nam nước Pháp. Con số này cao hơn 1.8 độ C so với nhiệt độ cao nhất được ghi lại trong đợt nắng nóng năm 2003 làm 15.000 người Pháp thiệt mạng.
Hôm 28/6, khoảng 4.000 trường học ở Pháp đã phải đóng cửa, giờ mở cửa của các công viên và bể bơi công cộng cũng được kéo dài.
Chính quyền Pháp đang thực hiện hàng loạt các biện pháp để ngăn thảm kịch năm 2003 lặp lại.
Paris cuối tuần trước kích hoạt kế hoạch khẩn cấp chống nắng nóng. Điều hòa được lắp ở nhiều địa điểm công cộng, vòi hoa sen cũng được đặt ở khắp nơi trên đường phố.
Các nhà khí hậu học cảnh báo, đây có thể sẽ là hình ảnh quen thuộc trong thời gian tới khi các đợt nắng nóng tương tự sẽ thường xuyên xuất hiện và thậm chí nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Tờ Météo-France cho biết, tần suất của các đợt nắng nóng thiêu đốt Pháp và châu Âu những ngày qua dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Không chỉ có Pháp, cả châu Âu cũng đang phải oằn mình chống chọi với cái nóng. Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc hôm 25/6 lần lượt ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 6.
Cơ quan Dịch vụ thời tiết Đức cho biết, khu vực biên giới nước này tiếp giáp với Ba Lan ghi nhận mức nhiệt 38,6 độ C vào 14h50 chiều 25/6. Kỷ lục trước đó là 38,5 độ C được đo vào năm 1947 tại Bühlertal, gần Pháp.
Ở Tây Ban Nha, lính cứu hỏa đang phải gồng mình chống chọi với đợt cháy rừng có quy mô lớn nhất trong khoảng 20 năm qua khi 4.000 ha diện tích đất rừng và thảm thực vật bị tàn phá tại vùng Tarragona ở đông bắc nước này.
Theo CNN, đợt nắng nóng quét qua châu Âu lần này không chỉ bất thường về mức nhiệt kỷ lục mà còn về thời gian. Thông thường, nắng nóng cao điểm sẽ rơi vào tháng 7 hoặc tháng 8.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm 28/6 cảnh báo, với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, sự bất thường đang trở thành bình thường.
"Chúng ta phải đối mặt thực tế rằng nhiệt độ sẽ trở nên tồi tệ hơn vào những năm tới", ông Edouard Philippe cảnh báo.
Bình luận