Nhận hơn 11.000 lệnh trừng phạt, người Nga vẫn cho thấy họ có đủ nguồn lực công nghệ và sẵn sàng vượt qua khó khăn. Họ tạo ra năng lực sẵn sàng ngắt kết nối mạng với thế giới, thiết kế vệ tinh phát Internet từ không gian và tự mình xây dựng một trạm ISS mang thương hiệu Nga.
Vệ tinh phát Internet từ không gian
Năng lực đầu tiên của Nga khiến cả thế giới không thể coi thường - chính là khả năng thiết kế vệ tinh phát Internet từ không gian.
Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, tỷ phú Elon Musk gửi hàng nghìn thiết bị đầu cuối Starlink tới Ukraine, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của SpaceX - tập đoàn công nghệ không gian do ông làm chủ - đối với chính quyền Kiev.
Không những thế, SpaceX cho phép người dân trong lãnh thổ quốc gia Đông Âu này sử dụng Internet miễn phí và giúp chính quyền của Tổng thống Volodymir Zelensky thu thập dữ liệu tình báo, vận hành máy bay không người lái trên chiến trường.
Công nghệ Internet vệ tinh của Mỹ được hàng triệu người biết tới. (Ảnh: New York Post).
Chỉ 8 tháng sau, ngày 22/10/2022, truyền thông Nga tuyên bố nước này phóng thành công vào quỹ đạo 3 vệ tinh Internet băng thông rộng Gonets-M và vệ tinh Skif-D thế hệ mới thuộc chương trình vệ tinh đa năng Sfera.
Theo TASS, Sfera là hệ thống gồm nhiều vệ tinh - bao gồm cả các vệ tinh viễn thông Internet, có khả năng cung cấp các dịch vụ tương đương Starlink. Các vệ tinh viễn thông của Nga sẽ quay quanh quỹ đạo Trái Đất ở độ cao 8.070 km.
Hệ thống Sfera được Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) lên kế hoạch phát triển từ năm 2015 ngay sau khi SpaceX bắt tay vào xây dựng Starlink.
Sfera dù không phải là hệ thống Internet vệ tinh toàn cầu nhưng nó có thể đáp ứng các yêu cầu của nước Nga hiện tại, khi Internet tốc độ cao (khoảng 300Mbps) phủ sóng đến các khu vực cơ sở hạ tầng chưa phát triển, điển hình như miền Đông Ukraine.
Các chuyên gia của Topwar cho rằng sự xuất hiện của Sfera trên bầu trời miền Đông Ukraine, dù chỉ với vài vệ tinh, cũng sẽ giúp lực lượng Nga ít nhiều trong chỉ huy tác chiến, thông tin liên lạc, thậm chí là hỗ trợ điều khiển UAV từ xa.
Cũng theo Topwar, chi phí mỗi thiết bị đầu cuối Starlink đang được quân đội Ukraine sử dụng ngốn của SpaceX khoảng 4.500 USD mỗi tháng (gói cước cao nhất). Trong khi đó, chi phí trung bình cho một thiết bị cá nhân sử dụng mạng Sfera chỉ khoảng 1.500 rúp (khoảng 24 USD) – các thiết bị đầu cuối lớn có thể sẽ đắt hơn một chút.
Ở một chiều hướng khác, Nga cũng đưa ra cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nếu phương Tây tiếp tục sử dụng những hệ thống vệ tinh dân sự để hỗ trợ Ukraine.
Một trong ba vệ tinh Internet băng thông rộng Gonets-M vừa được Nga phóng lên quỹ đạo Trái Đất hôm 22/10. (Ảnh: Roscosmos).
Ngày 27/10, ông Konstantin Vorontsov - Phó vụ trưởng Vụ Không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga - cho biết, việc Mỹ và đồng minh sử dụng hệ thống vệ tinh dân sự để hỗ trợ cho Ukraine là "một xu hướng cực kỳ nguy hiểm". Các cơ sở hạ tầng vệ tinh hoạt động theo hình thức bán dân sự có thể trở thành mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa từ Nga.
Tuyên bố của ông Vorontsov cho thấy, Nga đã bắt đầu tính đến phương án đối với các hệ thống vệ tinh của phương Tây hoạt động ở Ukraine. Trong trường hợp các hình thức áp chế điện tử không thành công, Nga hoàn toàn có thể sử dụng đến các hệ thống vũ khí diệt vệ tinh mà họ đã thử nghiệm trước đó vào cuối năm 2021.
Sẵn sàng ngắt kết nối với thế giới?
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cũng cho thấy, những dự đoán của Nga về nguy cơ tấn công mạng từ phương Tây là có thật. Trong tháng 6/2022, một phần hệ thống Internet của Nga đã bị tê liệt khi hứng chịu đồng thời nhiều cuộc tấn công từ bên ngoài.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, các cơ sở hạ tầng trọng yếu và cơ quan chính phủ Nga đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng được tiến hành từ châu Âu và các nước ủng hộ Ukraine, đồng thời cáo buộc phương Tây đang quân sự hóa không gian mạng.
Từ nhiều năm nay, Nga đã chuẩn bị mạng Internet nội bộ để tránh phụ thuộc quá nhiều vào các máy chủ được đặt ở châu Âu và Mỹ. Theo tài liệu nội bộ của Bộ Phát triển Kỹ thuật số Nga, chính quyền nước này muốn đảm bảo các website công có thể truy cập, kể cả khi bị những nhà cung cấp dịch vụ Internet Nga bị tấn công.
Trong tình huống xấu nhất, Nga có thể sẽ ngắt kết nối với Internet toàn cầu và sử dụng mạng Runet để duy trì cơ sở hạ tầng mạng viễn thông. (Ảnh: RIA Novosti).
Trong tình huống xấu nhất, Nga có thể sẽ ngắt kết nối với Internet toàn cầu theo dựa trên Dự luật về mạng Internet tự chủ Runet (2019) – một hệ thống mạng nội bộ có khả năng hoạt động mà không cần kết nối với hệ thống DNS toàn cầu hoặc Internet bên ngoài.
Trong năm 2019, 2021, Nga cũng từng thử nghiệm việc ngắt kết nối với Internet toàn cầu với sự tham gia của hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở nước này. Kết quả thử nghiệm cho thấy Runet vận hành hiệu quả và có khả năng ngắt kết nối về mặt vật lý đối với mạng Internet toàn cầu.
Cũng theo dự luật “Internet có chủ quyền”, tất cả nhà mạng của Nga đều được cài đặt một thiết bị đặc biệt nhằm bảo đảm việc trao đổi dữ liệu không bị gián đoạn ở Nga trong tình huống cần thiết phải tách khỏi mạng Internet toàn cầu. Tiếp đến, Cơ quan giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor sẽ nắm quyền kiểm soát mạng viễn thông nội địa.
Sự can thiệp của Roskomnadzor sẽ giúp bảo vệ các cơ sở hạ tầng mạng trọng yếu trong và sau cuộc tấn công.
Về mặt lý thuyết, dù Nga đã sẵn sàng với việc ngắt kết nối Internet toàn cầu, việc tách mình ra khỏi Internet là không hề dễ dàng, đồng thời sẽ để lại nhiều hệ lụy lên nền kinh tế lẫn đời sống của người dân Nga.
Theo kế hoạch, chính phủ Nga yêu cầu các doanh nghiệp chuyển tất cả máy chủ và tên miền sang khu vực Nga. Hiện tại, nhiều tổ chức và công ty Nga đều sử dụng dịch vụ máy chủ của nước ngoài nhằm tận dụng công nghệ, dễ phục hồi khi gặp sự cố, đồng thời giảm thiểu chi phí Internet. Do đó, việc đồng loạt sử dụng máy chủ nội địa là một thách thức lớn đối với Moskva.
Mặt khác, dù sử dụng hạ tầng Internet nội bộ, Nga vẫn phải giữ kết nối với mạng Internet của thế giới để duy trì liên kết số với các quốc gia khác bên ngoài lãnh thổ.
Việc nội địa hóa Internet có thể biến Nga thành quốc gia kỹ thuật số độc lập với phần còn lại của thế giới giống như Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga lại không có ngành công nghiệp công nghệ hay mạng Internet nội địa phát triển như Trung Quốc. Nếu chiến sự tiếp diễn, Nga có thể sẽ phải xây dựng một hệ thống Internet hoàn toàn mới, độc lập với các nước phương Tây.
Mục tiêu của Nga trong việc xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội kỹ thuật số chưa hề thay đổi và điều này cần đến mạng Internet toàn cầu.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, nếu Runet trở nên độc lập với thế giới, nó sẽ tạo ra nhiều thử thách lớn nhưng nước Nga hoàn toàn có thể vượt qua.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tham vọng của Nga đối với Runet không phải là thường xuyên ngăn chặn lưu lượng truy cập Internet từ người dùng Nga đến các máy chủ quốc tế, thay vào đó là cung cấp khả năng cách ly quốc gia khỏi lưu lượng truy cập quốc tế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Mục tiêu của Nga trong việc xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội kỹ thuật số chưa hề thay đổi và điều này sẽ không đạt được nếu nước này ngắt kết nối với phần còn lại của thế giới trong vài tuần. Ví dụ, tất cả giao dịch quốc tế trong các dịch vụ tài chính, trao đổi thông tin quốc tế về các vấn đề y tế đều dựa trên Internet.
Theo Hiệp hội Truyền thông Điện tử Nga (RAEC), các ngành công nghiệp phụ thuộc vào Internet chiếm 20% GDP của nước này.
Tạo dựng trạm vũ trụ riêng
Sau những đòn trừng phạt đau đớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hữu nghị giữa Nga và phương Tây trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), Nga nhận ra rằng phải tự chủ cả trên không gian vũ trụ. "Chú gấu" Nga bắt đầu tìm cách thiết kế trạm vũ trụ của riêng mình.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, ISS được xem như biểu tượng của hợp tác vì khoa học và phi chính trị. Song những tuyên bố như "khoa học không bị ảnh hưởng bởi chính trị" dường như chỉ là lời nói suông.
Theo Dmitry Rogozin - cựu giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos), Moskva sẽ chấm dứt quan hệ đối tác nếu phương Tây không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.
Roscosmos sẽ sớm báo cáo chính phủ Nga thời điểm kết thúc hợp tác trên ISS với các cơ quan không gian của Mỹ, Canada, EU và Nhật Bản. Trước đó, ông Rogozin cảnh báo các lệnh trừng phạt có thể phá hủy mối quan hệ giữa NASA và Roscosmos trên ISS.
Trạm vũ trụ quốc tế ISS cần đến các modul của Nga để duy trì sự ổn định của trạm trên quỹ đạo. (Ảnh: Roscosmos)
Vào thời điểm đó ông Rogozin cũng cảnh báo về việc ISS - vệ tinh nhân tạo lớn nhất của nhân loại - có thể rơi xuống Trái đất nếu không có Nga trợ sức.
Ông lý giải điều này là do Nga góp phần không nhỏ vào việc chế tạo bộ phận điều chỉnh tốc độ và quỹ đạo của ISS để né các mảnh vỡ không gian. Việc điều chỉnh diễn ra trung bình khoảng 11 lần mỗi năm và chỉ có tàu vũ trụ của Nga mới có thể chở các thiết bị nâng cấp đến bộ phận này.
Các bộ phận cấu thành ISS do NASA và Nga xây dựng tuy tách biệt nhưng được kết nối chặt chẽ với nhau.
Người Nga dựa vào các tấm pin mặt trời của Mỹ để cung cấp năng lượng, trong khi các tàu chở hàng của Nga cung cấp các thiết bị tăng tốc định kỳ để giữ cho trạm không rơi vào bầu khí quyển.
Trong gần một thập niên sau khi chương trình tàu con thoi ngừng hoạt động, tàu vũ trụ Soyuz của Nga là cách duy nhất người Mỹ có thể đến ISS và trở về. Hiện nay, NASA đã có thể sử dụng tàu vũ trụ của SpaceX và chuẩn bị khai thác Starliner - tàu vũ trụ có người lái do Boeing phát triển dự kiến cất cánh vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, NASA vẫn muốn một số phi hành gia bay trên tàu Soyuz của Nga, theo New York Times. Thay vì trả tiền như trước, NASA muốn một sự trao đổi, đó là các phi hành gia Nga sẽ bay trên tàu của Mỹ và ngược lại, bởi NASA không muốn “đặt tất cả trứng vào một giỏ” như trường hợp tàu con thoi.
Dù vậy đề nghị của Mỹ vẫn không thể khiến Nga thay đổi quyết định rời khỏi ISS vì Roscosmos đã lên kế hoạch phát triển ROSS - trạm vũ trụ riêng của Nga.
Tân giám đốc Roscosmos Yuri Borisov cho biết, Nga sẽ rút khỏi ISS sau năm 2024 để tập trung phát triển cơ sở nghiên cứu riêng trên quỹ đạo, kèm với đó là một mô hình trạm vũ trụ ROSS tại Diễn đàn quân sự quốc tế ARMY 2022.
Khi hoàn thành, ROSS có thể chứa tối đa 4 phi hành gia cùng các thiết bị khoa học. Trạm sẽ cung cấp một tầm nhìn rộng hơn nhiều để giám sát Trái Đất so với phân đoạn quỹ đạo hiện tại của họ trên ISS.
Truyền thông Nga cho rằng, giai đoạn đầu tiên sẽ được khởi động vào năm 2025 hoặc 2026 và không muộn hơn năm 2030. Giai đoạn thứ hai sẽ được lên kế hoạch cho năm 2030 - 2035.
Trong khi ISS luôn có các phi hành gia sinh sống và làm việc kể từ khi đưa vào hoạt động vào năm 1998, ROSS dự kiến không có sự hiện diện thường xuyên của con người nhưng sẽ được biên chế hai lần một năm trong thời gian dài.
Mô hình trạm vũ trụ ROSS đang được Roscosmos phát triển. (Ảnh: Roscosmos)
Nước Nga có thể đứng một mình?
Bằng nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, kết hợp với chính sách phát triển liên tục được đổi mới và cập nhật, nước Nga đang từng chút một hiện thực hóa mục tiêu “thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ phương Tây”.
Ngày nay nước Nga không chỉ mạnh về công nghệ không gian, sinh hóa mà còn là một trong số ít những quốc gia có nền tảng số nội địa cạnh tranh được với các dịch vụ trực tuyến phương Tây. Trong nhiều năm, Nga tự hào sở hữu hệ thống ngân hàng trực tuyến hiện đại nhất châu Âu, thậm chí hơn cả Nhật Bản. Trong ngắn hạn, công nghệ là một trong ngành tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Nga, kết quả của lực lượng kỹ sư đông đảo bậc nhất thế giới cùng hệ thống giáo dục kỹ thuật trên toàn quốc được đánh giá cao.
Ngay khi phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt, Nga đã nhận ra mình đang mua rất nhiều sản phẩm ở nước ngoài và gây bất lợi cho chính các nhà sản xuất trong nước. Các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy Nga tăng sản xuất của mình ở trong nước và gây bất lợi cho chính phương Tây.
Dĩ nhiên liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức lên tiếng phản đối các hành động của Nga liên quan đến hạn chế các nhà sản xuất nước ngoài tham gia thầu mua sắm công của Chính phủ (thực chất đây là chính sách thay thế hàng nhập khẩu, bảo vệ thị trường cho các doanh nghiệp nội của Chính phủ Nga):
Thứ nhất, Nga tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà sản xuất của mình trong việc tham gia thực hiện các đơn hàng của nhà nước hơn là các nhà sản xuất từ châu Âu. Đặc biệt, Nga trợ cấp 15% cho nhiều nhà sản xuất của mình.
Thứ hai, hiện nay các công ty của Nga khi mua bất kỳ thiết bị cơ khí nào ở nước ngoài đều phải chứng minh được, các sản phẩm này Nga chưa sản xuất trong nước.
Thứ ba, với việc mua hàng của Chính phủ, nhiều chủng loại hàng hóa cần đạt 90% tỷ lệ nội địa hóa của Nga. Việc này được giải thích, nếu EU cấm Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nga Rosatom tham gia đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Cộng hòa Séc, thì tại sao Nga lại phải cho phép các nhà sản xuất EU tham gia đấu thầu dự án của mình?
Tất cả biện pháp trên đang giúp Nga khôi phục sản xuất, góp phần giữ vững vị thế độc lập của mình trên trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Bình luận