Hôm 10/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập một cuộc họp khẩn về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria. Sau khi kết thúc phiên thảo luận kín, 5 nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Ba Lan kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd tại Syria, đồng thời cảnh báo cuộc tấn công sẽ đe dọa đến tiến trình hòa bình ở Syria.
Mỹ không đồng thuận với tuyên bố này. Washington đề xuất đưa ra một tuyên bố trong đó bày tỏ "quan ngại sâu sắc", kêu gọi bảo vệ dân thường và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các kênh ngoại giao thay vì các hoạt động quân sự và kêu gọi chấm dứt ngay sự hiện diện bất hợp pháp của các lực lượng nước ngoài ở Syria.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft cũng khẳng định Tổng thống Trump đã nói rõ Washington không tán thành quyết định tấn công quân sự của Ankara vào vùng Đông Bắc Syria.
Bà Craft nhắc lại việc ông Trump từng nhấn mạnh với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc bảo vệ người Kurd và người dân thuộc các tôn giáo thiểu số, đồng thời bảo đảm các tay súng IS vẫn ở trong tù và tổ chức khủng bố này không thể ngóc đầu dậy.
Nữ Đại sứ Mỹ cũng cảnh báo Ankara sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu không thực hiện những điều này.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia khẳng định bất cứ tuyên bố nào của Hội đồng Bảo an cũng cần phải tính tới các khía cạnh khác của cuộc khủng hoảng Syria, không chỉ là hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức "sự hiện diện quân sự bất hợp pháp" ở nước này.
Theo AP, cuộc họp của Hội đồng Bảo an một lần nữa cho thấy sự bất lực của cơ quan quyền lực này trong việc đối phó với cuộc xung đột Syria kéo dài hơn 8 năm qua.
Chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình” được Thổ Nhĩ Kỳ khởi phát chiều 9/10 nhằm “dọn sạch” những kẻ khủng bố IS và Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd (SDF) dẫn đầu khỏi khu vực biên giới.
Nó diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Trump bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Syria, mở ra một trong những trận chiến lớn nhất trong nhiều năm sau cuộc nội chiến kéo dài 8 năm ở Syria với sự tham gia của các cường quốc toàn cầu.
Ankara cho biết cuộc tấn công chỉ nhắm vào các tay súng có liên hệ với IS và lực lượng dân quân người Kurd trong nỗ lực tạo ra một "vùng an toàn", tạo điều kiện để 3,6 triệu người tị nạn Syria quay trở lại. Nhưng các cường quốc thế giới lo ngại chiến dịch mới đây sẽ làm gia tăng cuộc xung đột kéo dài 8 năm của Syria và giúp các tù nhân IS trốn thoát khỏi các nhà tù trong cảnh loạn lạc.
Bình luận