Sáng 26/4, anh Hoàng Quốc Bảo lái ô tô chở hai người khác trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM). Khi đang dừng để đi vệ sinh, bất ngờ, hai nam thanh niên đi xe máy áp sát ô tô, giật túi xách rồi bỏ chạy.
Ngay lập tức, anh Bảo lái xe đuổi theo. Được một đoạn, hai tên cướp tông vào tường ngã nhào. Anh Bảo xuống xe khống chế được một đối tượng là Nguyễn Thế Ngọc. Đối tượng còn lại chạy thoát.
Khi làm việc tại cơ quan công an, Nguyễn Thế Ngọc thừa nhận hành vi tội phạm. Tên này còn có biểu hiện bất thường và được đưa tới bệnh viện. Tại đây, Nguyễn Thế Ngọc bị xác định là bể bàng quang dẫn tới tử vong.
Hiện tại, nguyên nhân cái chết của đối tượng Nguyễn Thế Ngọc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, giới luật sư cũng như công chúng đang có những tranh luận gay gắt về án phạt dành cho tài xế Hoàng Quốc Bảo.
Có ý kiến cho rằng, tài xế Hoàng Quốc Bảo dù chỉ đuổi theo hai tên cướp nhưng không may xảy ra tai nạn hoặc cố tình tông vào tên cướp thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, có rất nhiều người băn khoăn, truy cứu trách nhiệm hình sự của người lái xe trong trường hợp này là không hợp tình hợp lý.
Người lái xe có quyền truy đuổi kẻ cướp để bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên, khi sử dụng phương tiện giao thông là ô tô để truy đuổi mà gián tiếp gây ra tai nạn khiến kẻ cướp chết thì có thể bị xử phạt hành chính vi phạm giao thông. Hoặc nếu là án hình sự, có thể ở mức thấp nhất.
Việc xử người tài xế như thế nào, đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Người viết bài này tin rằng, những người làm công vụ sẽ đủ trình độ và chuyên môn để điều tra rõ sự việc, đưa ra mức án hợp tình hợp lý.
Thăm dò ý kiến: Theo bạn, tài xế truy đuổi khiến tên cướp bị tai nạn và thiệt mạng thì người tài xế đó liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tuy nhiên, cướp giật trên đường phố TP.HCM và nhiều địa phương khác là câu chuyện không hề mới. Thậm chí, càng về những năm gần đây, tình trạng này diễn ra ngày càng phức tạp. Ngày càng có nhiều vụ cướp giật táo tợn xảy ra. Kẻ cướp còn mang theo hung khí và sẵn sàng đoạt tính mạng nếu gặp phải sự chống đối từ phía nạn nhân.
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, vào năm 2012, tên Hồ Trúc Duy đã chặt tay chị Nguyễn Ngọc Thúy trên cầu Phú Nhuận (TP.HCM) để cướp xe SH.
Tháng 6/2018 một cặp đôi đi xe máy quyết định giật điện thoại của một phụ nữ đang ngồi trong công viên. Khi bị các trinh sát truy đuổi, chúng vẫn ngoan cố bỏ trốn. Khi bắt được, khám xét trong người chúng ông an thu giữ 1 con dao dài 35cm và 2 ống tuýp sắt dài 60cm/ống được mài nhọn 2 đầu.
Một số băng nhóm cướp giật của Sài Gòn còn mang theo vũ khí, bình xịt hơi cay để sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị truy đuổi.
Tháng 3/2017, hai thanh niên áp sát xe máy của chị Trần Lê Tuyết Nhi (ngụ ở Tân Bình) để giật đồ khiến cho mẹ chị tử vong còn chị bị động thai.
Ngày 25/10/2018, chị Nguyễn Hồng Trúc Vy (25 tuổi) bị thương nặng, hôn mê còn bạn của chị tử vong vì bị hai tên đi xe máy áp sát, giật túi sách trên đoạn cầu Thủ Thiêm.
Video: Cướp giật khiến cô gái ngã sấp mặt ở TP.HCM
Nạn cướp giật ở trở thành vấn đề nội cộm tại TP.HCM trong những năm gần đây. Thậm chí, nó còn được nhiều người biết đến nhiều hơn cả những danh lam thắng cảnh hay những nét đẹp trong cuộc sống của thành phố này.
Bất cứ một người nào có ý định tới TP.HCM du lịch, công tác hay sinh sống gần như đều nhận được lời cảnh báo về nạn cướp giật.
Người ta bảo nhau, ở TP.HCM bây giờ, nếu chỉ cần đứng bên lề đường nghe điện thoại là cũng có thể bị giật. Phụ nữ đeo trang sức hay mang theo túi xách đều đối diện với nguy cơ trở thành miếng mồi cho những tên lưu manh.
Trong bối cảnh đó, các chiến sĩ công an, các nhóm hiệp sĩ Sài Gòn vẫn tích cực hoạt động. Nhưng dường như, các nỗ lực của họ chưa đủ để khống chế những kẻ lưu manh. Ngày 13/5/2018, 2 hiệp sĩ Sài Gòn bị tử vong, 4 hiệp sĩ khác bị thương khi truy đuổi hai tên cướp xe SH ở Tân Bình.
Đáng chú ý hơn, nạn cướp giật không chỉ hoành hành ở TP.HCM mà còn xuất hiện rất nhiều ở các địa phương khác. Dường như ngày nào, chúng ta cũng đọc được những tin nhắn về những vụ cướp giật ở mức độ táo tợn, nguy hiểm xảy ra ở các tỉnh thành khác nhau.
Những kẻ cướp giật ngày càng tàn ác. Chúng sẵn sàng nhằm vào những người phụ nữ đang mang thai, dù biết rằng, chỉ với hành động của mình, chúng có thể khiến không chỉ một mà hai mạng người rơi vào nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Có nhiều người thót tim khi chứng kiến những video ghi lại nạn nhân là phụ nữ mang thai, là những người già, cô gái trẻ bị những kẻ cướp giật kéo lê trên đường hàng chục mét.
Những kẻ cướp giật, chúng hả hê giật được món đồ, mặc cho phía sau là những nạn nhân đang đau đớn vì mất đồ đạc, thậm chí, có người còn mất đi tính mạng.
Những kẻ này hành động ngày càng táo tợn, lưu manh. Chúng gần như mất hết nhân tính. Những kẻ này bị lòng tham làm mù con mắt. Chúng như những con thú, sẵn sàng lao vào cấu xé người khác chỉ để có được tiền.
Đáng chú ý, phần lớn những kẻ cướp giật tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khác là những kẻ nghiện ngập. Những kẻ này làm đủ mọi thứ để có tiền để dâng cho nàng tiên nâu để rồi hết tiền, chúng lại ra đường phố, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những người dân lương thiện.
Có nhiều người nghĩ đơn thuần, những kẻ cướp này chỉ lấy đi một tài sản của một số người, không đáng phải trả giá nặng nề. Nhưng không, cái họ cướp đi không chỉ là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người khác, mà đôi khi là hy vọng, là cuộc sống, là tính mạng của người khác.
Những kẻ ấy lấy đi những món đồ của người khác, tiêu dăm ba ngày là hết nhưng chúng để lại nỗi đau dai dẳng cho nhiều người. Có cô gái bị những kẻ cướp giật tước đi tính mạng trên đường về giỗ cha. Lúc đó, thử hỏi nỗi đau của những người ở lại sẽ như thế nào?
Có những người đàn ông đã bật khóc khi đưa vợ vào viện sinh nhưng toàn bộ giấy tờ, thủ tục nhập viện, toàn bộ số tiền mà họ chắt chịu trong bao nhiêu tháng trời đã bị cướp mất.
Những kẻ ấy, đã gieo rắc nỗi ám ảnh, nỗi sợ kinh hoàng cho hàng chục triệu con người. Họ luôn nơm nớp lo sợ tài sản, thậm chí là tính mạng của họ có thể bất ngờ bị tước đi bất cứ lúc nào.
Bất kỳ hình phạt nào với hành động nghĩa hiệp đó đều giống như hành động khuyến khích thêm sự tàn ác, điên cuồng của bọn cướp giật - những con thú đội lốt người.
Cái kết tên cướp giật phải nhận là quả báo nhãn tiền. Thực tế cho thấy những tên cướp giật hoàn toàn không còn xứng đáng sống cùng loài người.
Người dân bây giờ dặn nhau nếu chẳng may bị cướp thì phải buông xuôi ngay, nếu chống cự chẳng những không giữ được đồ mà còn có thể thiệt mạng.
Trong bối cảnh ấy, bất cứ người nào dám đứng lên bảo vệ tại sản hợp pháp của mình, dũng cảm đương đầu đối với những kẻ trộm cướp mất hết tính người đều đáng được ghi nhận và khen thưởng xứng đáng chứ không phải bị xử phạt hành chính hay hình sự.
Bất kỳ hình phạt nào với hành động nghĩa hiệp đó đều giống như hành động khuyến khích thêm sự tàn ác, điên cuồng của bọn cướp giật - những con thú đội lốt người.
Nếu phạt nặng người bắt cướp, sẽ còn ai có đủ can đảm để đứng lên bảo vệ tài sản của mình, bảo vệ tài sản của những người không may bị cướp?
Bình luận