Đầu năm mới, rất đông người dân từ các tỉnh thành lân cận như Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Hoà Bình... mang theo đồ lễ, đổ về đền Chín Giếng (hay còn gọi là đền Cô Chín) ở Bỉm Sơn, Thanh Hoá, để dâng hương, chiêm bái với mong muốn một năm sung túc và đủ đầy.
Tương truyền rằng, đền Chín Giếng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ - con gái thứ chín của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Xưa kia, trong trận chiến giữa Tiền Quân Thánh và Chúa Liễu Hạnh tại Sòng Sơn, Liễu Hạnh lâm nạn, biến thành con rồng ẩn về nơi Cửu Thiên Công Chúa đang ngự là chín cái giếng thiêng. Đến nay, bên trong đền có 9 miệng giếng thiêng quanh năm không cạn nước, lúc nào nước cũng trong vắt. Du khách mỗi khi đến đây thường cúng lễ, phóng sinh cá nên dưới giếng có hàng vạn con cá rất sinh động.
Đang sắp lễ cho khách, chị Thuỵ Dung (28 tuổi, chủ cửa hàng bán đồ cúng tại đền Cô Chín) cho biết, năm vừa qua do tình hình dịch COVID-19 nên lượng người dân đi lễ đầu năm khá vắng, Tuy nhiên, đến năm nay, lượng khách tăng mạnh, gấp 2 lần so với năm ngoái. Bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết, cửa hàng chị Dung phải thuê thêm người để đáp ứng nhu cầu sắm lễ của khách vào đền dâng hương, chiêm bái.
“Tại đây, tất cả các cửa hàng đều bán những loại hoa, hình nộm hay vải vóc màu hồng nhạt hoặc mầu hồng đậm. Người dân ở đây cho rằng, bản mệnh của Cô Chín là màu hồng nên khi đến đây các lễ vật phải ứng với bản mệnh, như thế việc xin lộc mới được linh ứng”, chị Thuỵ Dung chia sẻ.
Chị Hoàng Hoa ở Thạch Thành, Thanh Hoá (bên trái) cho biết, gia đình chị buôn bán quần áo. Hàng năm, vào những ngày đầu năm mới chị Hoa thường đi các chùa gần nhà để xin “buôn may bán đắt”. Tuy nhiên, năm nay chị được nhiều người giới thiệu đền Cô Chín ở Bỉm Sơn rất thiêng. Tranh thủ những ngày đầu xuân năm mới, chị Hoa cùng chồng quyết định mang đồ lễ, vượt 60 km đến đền Cô Chín để dâng hương chiêm bái với mong muốn một năm nhiều tài lộc.
“Đồ lễ như vàng, hương và hoa quả tôi đã sắm ở nhà, còn số khác thì phải đến tận nơi mới có thể mua được. Tôi ngạc nhiên khi đến đây giá cả mua đồ lễ phải chăng, không có tình trạng chặt chém du khách”, chị Hoàng Hoa nói.
Đồ lễ được bày biện chỉnh trang được người dân đưa vào trong đền thờ Cô Chín. Theo một số người dân, đồ lễ đi đền Cô Chín không cần quá nhiều nhưng phải bày biện cẩn thận, đẹp mắt và thành tâm thì xin mới linh ứng.
Người dân, du khách thập phương tỏ lòng thành tâm, dâng lễ tại gian chính cung thờ Cô Chín.
Chị Nguyễn Thị Lan (ở Hoà Bình) cho biết: “Tôi kinh doanh về nghề thẩm mỹ, năm vừa qua do dịch COVID-19 nên tôi không thể đến đền Cô Chín được. Năm nay, tôi quyết định mang đồ lễ, dâng hương để cầu may mắn và tài lộc”.
Khu vực đốt vàng mã luôn kín người dân.
Sau khi lễ bái xong, du khách có thể quay ra khu vực bán chim, cá để phóng sinh.
Đang thả phóng sinh những con chim trước cửa đền Cô Chín, bà Nguyễn Thị Bình (68 tuổi, ở Hải Phòng) chia sẻ, những năm gần đây năm nào bà cũng đi lễ đền Cô Chín, sau đó bà sẽ mua cá hoặc chim để thả phóng sinh. “Đi lễ đầu năm cầu cho các thành viên trong gia đình luôn khoẻ mạnh và hạnh phúc, còn phóng sinh là để tích phúc. Chính vì thế năm nào tôi cũng đến đây để thực hiện điều đó”, bà Bình cho hay.
Rất đông người dân, du khách thập phương mua cá để phóng sinh.
Người dân dễ dàng thả phóng sinh những con cá vàng vào giếng thiêng. Tại đây, quanh năm không cạn nước, cá mỗi ngày một nhiều nhưng không ai dám bắt trở lại.
Đền Cô Chín được khởi dựng từ thời Cảnh Hưng, triều vua Lê Hiển Tông (1740 -1786). Năm 1993, đền cô Chín được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Bình luận