Chủ đầu tư của dự án Saigon Peninsula là Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula. Đây là Liên doanh gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để đầu tư phát triển dự án.
Theo Bộ Tài chính, với quy mô vốn đầu tư như đề xuất, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan thẩm định dự án trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, cho ý kiến về năng lực chủ đâu tư, Bộ Tài chính cho rằng theo quy định của pháp luật về đất đai, để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ dự án, chủ đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha, và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư với dự án quy mô trên 20ha. Như vậy, vốn sở hữu tối thiểu phải có để Sài Gòn Peninsula tham gia dự án khoảng gần 1.400 tỷ đồng. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 6 tỷ USD.
Qua tìm hiểu được biết, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị còn được biết đến với tên gọi siêu dự án Saigon Peninsula, gồm 2 khu chức năng chính khu công viên hỗn hợp đa chức năng khoảng 82ha và khu nhà ở đô thị 35ha.
Video: Điểm lại những dự án thua lỗ của PVN
Hiện nay, công ty Sài Gòn Peninsula đang đầu tư vốn chủ sở hữu thực hiện 2 dự án: Khu dân cư L’amour Villas thuộc - Đô thị mới Nam TP.HCM với tổng mức đầu tư 5.879 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu 1.170 tỷ đồng), dự án Cao ốc dịch vụ công cộng cũng thuộc đô thị mới Nam Thành phố với tổng mức đầu tư 1.861 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 372 tỷ đồng).
Được biết Tập đoàn Sài Gòn Peninsula có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng do ông Nguyễn Minh Tuấn là chủ sở hữu đồng thời là người đại diện pháp luật. Vào tháng 8/2016, một đối tác của Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã công bố việc ký kết với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để phát triển siêu dự án này.
Như vậy tổng vốn chủ sở hữu của Sài Gòn Peninsula đã đầu tư vào 2 dự án này 1.548 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng:
Thứ nhất, theo nội dung thuyết minh phương án tài chính dự án, chủ đầu tư dự kiến góp vốn chủ sở hữu thực hiện dự án khoảng 6.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, tổng vốn chủ sở hữu của Sài Gòn Peninsula đáp ứng đủ điều kiện về năng lực tài chính thực hiện dự án. Do vậy, doanh nghiệp cần bổ sung phương án cam kết góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ thực hiện, làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện góp vốn.
Thứ hai, về cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn thực hiện dự án, theo hồ sơ dự án Sài Gòn Peninsula sẽ huy động từ 3 nguồn: vốn chủ sở hữu từ chủ đầu tư là 6.000 tỷ đồng (chiếm 65% tổng vốn đầu tư), vốn vay dự kiến 3.000 tỷ đồng (chiếm 32,5%) và vốn ứng trước của khách hàng 232 tỷ đồng (chiếm 2,5%).
Đến nay Sài Gòn Peninsula đã ký cam kết tài trợ tín dụng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn và ngân hàng này cũng đã xác nhận cung cấp tín dụng cho công ty thực hiện dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu đô thị, nhưng chưa rõ số tiền cho vay cụ thể. Do vậy Bộ Tài Chính dề nghị chủ đầu tư cần tiếp tục cụ thể hóa bằng hợp đồng tín dụng, xác định rõ tiến độ và khả năng huy động, lãi suất, thời hạn vay vốn.
Thứ ba, tiến độ dự án đang chậm so với kế hoạch, chủ đầu tư dự kiến khâu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoàn thành trong quý IV/2016, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại thực hiện quý I/2017, triển khai hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án vào quý II/2017, hạ tầng xã hội từ quý IV/2017 đến quý I/2018. Nhưng đến nay chủ trương đầu tư dự án chưa được phê duyệt, nên Bộ Tài chính đề nghị Sài Gòn Peninsula rà soát, tính toán lại tiến độ dự án cho phù hợp.
Sau gần một năm khởi công dự án, đến nay theo ghi nhận thực tế tại khu đất triển khai dự án, bốn bề vẫn đang được quây tôn bao kín xung quanh. Bên trong gần như không có một hoạt động xây dựng nào diễn ra.
Thậm chí, trước lễ khởi công, các bảng công bố thông tin vẫn còn hiện rõ từng con chữ về dự án, đến nay hầu như đã bị xóa sạch theo thời gian! Nhìn vào bên trong, có một số khu vực được người dân tận dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, đổ rác thải bởi hàng ngày có rất nhiều người dân nghèo đến đây bới móc rác bán kiếm chút tiền kiếm sống qua ngày.
Bình luận