Nhà cửa rung lắc trong cơn địa chấn.
Theo Viện Vật lý địa cầu, 13h20 hôm nay (giờ Việt Nam) xảy ra động đất 7,3 độ richter ở Myanmar gây rung lắc tới nhiều nơi ở Việt Nam.
Tại các quận trung tâm TP.HCM như: Quận 1, Quận 7, Quận 3, quận Bình Thạnh, nhân viên văn phòng hoảng loạn, kéo nhau xuống đường "lánh nạn".
"Lúc đó lo lắm, chỉ biết kéo nhau chạy thôi, tại làm việc tầng cao quá. Xuống đường thì thấy mọi người ở các tòa nhà khác cũng xuống cả rồi", chị Thúy Liên, nhân viên văn phòng tại Quận 1 nói.

Vụ động đất xảy ra tại Myanmar.

Nhân viên văn phòng tại các tòa nhà trung tâm Quận 1 tháo chạy xuống đường.
Theo nhiều người dân, rung chấn không chỉ xảy ra ở TP.HCM, các địa phương lân cận cũng ghi nhận sự rung lắc.
Chị Hồng Huế (ngụ TP Thuận An, Bình Dương) nói: "Tôi đang ngủ thì cảm giác người rung rung, tôi tưởng mình bị chóng mặt. Mở mắt ra thì thấy bể cá lắc qua lắc lại, nước tràn ra sàn. Trên tường, đồng hồ và quạt cũng rung".
Tương tự, anh Duy Thuận (ngụ Tiền Giang) cho hay, anh đang làm vườn thì cảm nhận được sự rung lắc. "Mương nước trong vườn nhà tôi dùng để tưới tiêu, mà rung lắc tạo gợn sóng như ở biển. Cây cối trong vườn cũng rung mạnh".
Tại Hà Nội, nhiều người dân sinh sống và làm việc trên các tòa chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... cảm nhận rõ độ rung lắc, nhà và đồ vật rung chuyển mạnh.
"Lúc 13h18, tôi đang ngồi xem tivi thì thấy nhà rung chuyển, giàn dây phơi quần áo bên ngoài ban công rung lắc mạnh. Một lúc sau, tôi thấy chóng mặt như bị tụt huyết áp", chị Linh (ở quận Hà Đông) chia sẻ.

Nhiều đồ vật trong nhà anh Hoàng bị rung lắc mạnh thời điểm trưa 28/3.
Anh Hoàng (cư dân tại một toà chung cư ở quận Nam Từ Liêm) cho biết, nhà anh rung lắc dữ dội trong khoảng 5 phút.
"Đèn chùm, giường, tủ đồ chao đảo như võng đưa", anh Hoàng nói và cho biết ngay sau khi xảy ra rung chấn mạnh, anh cùng nhiều cư dân khác hô hoán và cùng chạy xuống khu vực sảnh chung cư ở tầng 1.
Chị Minh Nhân (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị sống ở chung cư cao tầng, khi thấy rung rắc chị nghĩ mình bị tiền đình. Sau đó, thấy nhiều người xôn xao, vội vã di chuyển xuống sảnh, chị mới biết vừa xảy ra động đất.
"Tôi đang nằm ngủ thì thấy biêng biêng, mở mắt ra thấy quạt trần chao đảo một lúc lâu. Chưa bao giờ tôi thấy tòa nhà rung lắc lâu như vậy", anh Minh sống ở tầng 12 chung cư thuộc quận Hoàng Mai nói.
Trả lời Báo Điện tử VTC News, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, cho biết hiện tượng rung lắc tại các tòa nhà ở TP.HCM là do ảnh hưởng của trận động đất lớn tại Myanmar.
Cụ thể, ông Xuân Anh thông tin: "Lúc 13h20’20” ngày 28/3, một trận động đất mạnh xảy ra tại Myanmar. Dù khoảng cách xa, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nhẹ, đặc biệt tại các tòa nhà cao tầng ở TP.HCM, nơi có thể cảm nhận rõ sự rung lắc. Rung lắc cũng được ghi nhận tại Hà Nội, với tâm chấn có tọa độ 21.71N - 96.02E, độ sâu 10km, độ lớn 7.3, và cấp độ rủi ro thiên tai là 0".

Nhiều người ở TP.HCM cảm nhận rõ rung lắc từ dư chấn.
Trận động đất mạnh 7,3 độ Richter xảy ra tại miền trung Myanmar. Tâm chấn nằm gần thành phố Monywa, cách thủ đô Naypyidaw khoảng 150 km về phía tây bắc. Trận động đất này đã gây ra rung lắc mạnh tại nhiều khu vực của Myanmar, đặc biệt là ở các bang Magway và Sagaing.
Tại Thái Lan, mặc dù không nằm trong vùng tâm chấn, nhưng do cường độ mạnh của trận động đất, người dân tại Bangkok và Chiang Mai đã cảm nhận rõ sự rung chuyển. Một số tòa nhà cao tầng ở thủ đô Bangkok bị rung lắc trong khoảng 30 giây, khiến nhiều người dân hoảng loạn và phải sơ tán.
Bình luận