Phụ nữ Việt Nam rất đẹp, nhưng hiếm khi nào vẻ đẹp ấy được trình diễn ở sân khấu tầm cỡ thế giới với hàng triệu ánh mắt trông vào. Đó là khi 23 cô gái Việt Nam khoác lên mình những bộ suit lịch lãm, khoẻ khoắn, phá cách tuỳ người, và duyên dáng tất nhiên, bước vào vòng chung kết World Cup. Và dù không có được một chiến thắng nào, một bàn thắng nào, để thua tới 12 bàn, nhưng họ vẫn giành được tình cảm của người hâm mộ trong nước và ghi được rất nhiều “bàn thắng” trong trái tim quê nhà.
Một người bạn nói với tôi trước khi kì World Cup này diễn ra: “Các em thế là xuất sắc rồi. Nói thật, chỉ cần trận nào các em không thua quá 4 bàn là tôi ăn mừng”. Đó là những lời thật thà nhất mà tôi được nghe. Lời ấy chứng cho sự thấu hiểu bóng đá nữ Việt Nam đang ở đâu so với thế giới nhưng cũng khẳng định tình cảm của người hâm mộ với bóng đá nữ là không chỉ căn cứ trên thành tích mà là cho cả quá trình dài nỗ lực của một tập thể nhẫn nại, miệt mài.
Khoảnh khắc lịch sử khi đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên hát Quốc ca trên sân cỏ World Cup
Chúng ta mở màn gặp đội bóng mạnh nhất và kết thúc gặp đội bóng đương kim á quân, mở ra và khép lại đủ để tất cả cùng chấp nhận ngay từ khi bóng chưa lăn là sẽ có thất bại. Nhưng ngay cả khi đại bại 0-7 trước Hà Lan đi nữa, cũng không ai có thể trách các học trò của ông Mai Đức Chung nửa lời. Ai cũng hiểu, ở đó là một chông gai khác, gian nan hơn bất kỳ chông gai nào bóng đá Việt Nam đã từng phải đi qua.
Trận thua Bồ Đào Nha 0-2 để lại cũng vài tranh luận trong cộng đồng, và có ý kiến cho rằng đội tuyển nữ Việt Nam quá nôn nóng kiếm bàn thắng, quá bị kích thích bởi chiến thắng của Phillipines trước đó, quá khát khao để lại một kỷ niệm lớn ở kỳ World Cup mà chắc chắn chúng ta bị loại ở vòng bảng, nên đã dẫn tới thất bại.
Đúng là có thể đã có những tiếp cận chưa chuẩn, như cách dâng cao tạo áp lực ngay ở phần sân đối phương. Song, không chỉ sai lầm chiến thuật mới là nguyên nhân tạo nên thất bại. Chiến thuật có đúng đắn đến mấy đi nữa, thất bại thực ra khó tránh khỏi.
Huỳnh Như và đồng đội ghi dấu ấn bằng tinh thần nỗ lực không bỏ cuộc, dù chưa đá đã biết thua trước những đối thủ vượt tầm. (Ảnh: FIFA)
Trách các em cũng không đúng chút nào. Ở “một lần chơi lớn” như thế, khát vọng “cho đời trầm trồ” cũng là khát vọng chính đáng mà! Ra sân, không mơ về bàn thắng, sao còn gọi là bóng đá?
Các nữ tuyển thủ của chúng ta thua kém các đội bạn quá nhiều, nhất là ở thể chất, ở sức mạnh. Nhưng hơn cả, ở tính tổ chức của một đội bóng chuyên nghiệp, chúng ta cũng thua họ rất xa. Cái thua đó là do bối cảnh.
Giải vô địch quốc gia nữ của chúng ta vẫn còn non trẻ, và thực tế vẫn chưa đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Từ nền tảng CLB chưa thể chuyên nghiệp, làm sao các nữ tuyển thủ có thể đối phó sòng phẳng với các đối thủ vốn dĩ đã được chơi và làm quen với bóng đá chuyên nghiệp mỗi năm và từ bao nhiêu năm rồi.
Có những tình huống, xét về cá nhân, những Huỳnh Như, Thanh Nhã vẫn có thể cho thấy phẩm chất kĩ thuật có thể so sánh được với đối thủ. Nhưng khi cần đến va đập mạnh, cạnh tranh không gian, tranh chấp khoảng không, sự thua kém thể chất đã khiến chúng ta không thể vượt qua đối phương. Và khi nâng lên đến tầm vóc tổ hợp, sự thua kém càng rõ nét hơn nữa.
Từ đó, việc chia tay World Cup ngay sau vòng bảng là chuyện tất nhiên mà thôi.
Đội tuyển nữ Việt Nam đầy cố gắng trước đối thủ là đương kim vô địch, đương kim á quân World Cup. (Ảnh: FIFA)
Cũng không ai trách móc ông Mai Đức Chung được. Có còn ai vào lúc này có thể làm tốt hơn ông Chung đây? Tìm HLV giỏi hơn ông Chung thì dễ, miễn là có tiền. Nhưng để bám đội thời gian dài với nhiều dấu mốc đáng nhớ, để hiểu đội cặn kẽ như ông Chung thì quá khó. Xây dựng đội cần một quá trình và ông Chung đã thực hiện rất tốt quá trình của mình rồi.
Để bóng đá nam Việt Nam được thành tựu như những năm qua, đã phải có rất nhiều thay đổi trong đầu tư cho dù mới chỉ là ngắn hoặc trung hạn. Để thay đổi bóng đá nữ được như hôm nay, cũng đã phải có rất nhiều thay đổi, cải thiện cho môi trường bóng đá nữ. Bài toán cần rút ra sau thất bại này chính là làm sao để thay đổi tố chất cho người Việt nói chung và VĐV Việt nói riêng. Nó là một bài toán đòi hỏi khoa học và sự tham dự không chỉ từ ngành thể thao.
Người phụ nữ Việt cần phải được coi trọng hơn nữa, đầu tư chăm sóc hơn nữa. Chỉ khi thể chất phụ nữ Việt nói chung có thể tạm thời so bì được với phụ nữ các nước phát triển thì nữ vận động viên Việt Nam mới có thể vào các sân chơi lớn với một thể chất đủ để tự tin chơi sòng phẳng và được xem là “khách quen của World Cup”.
Tôi ghét lối nói “thất bại trong tư thế ngẩng cao đầu”. Thất bại là thất bại. Ta nên nhìn vào thất bại để nhận biết nên làm gì với mục tiêu vòng chung kết World Cup bóng đá nữ không chỉ là 1 lần mà phải là nhiều lần cho tới thường xuyên. Mỗi lần tham dự sẽ là một lần tích luỹ đồng thời kích thích thể thao nữ trong nước phát triển hơn. Thể thao nữ trong nước như là dòng sông, đội tuyển nữ là thuyền. Sông cạn làm sao có thể hạ thuỷ thuyền lớn.
HLV Mai Đức Chung và các học trò có quyền tự hào dù không thắng trận nào, không ghi bàn nào ở World Cup. (Ảnh: FIFA)
Nhưng dù ghét cái “thất bại trong tư thế ngẩng cao đầu”, vẫn phải thừa nhận là đội tuyển nữ Việt Nam đã để lại một cảm xúc quá đẹp. Các em đã chơi hết sức mình, không hoảng hốt, không tự ti, không e sợ, không choáng ngợp. Ở đó, chính các em làm bật lên thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.
Trong khi đó, ở quê nhà, vẫn có những người đang khoe mình bằng những cái đẹp vô bổ và tranh cãi nhau ở tuổi đôi mươi đã có được gì hoặc tự mãn mình trở thành ai đó. Các em tuyển thủ nữ lại không nói gì về mình, không tự mãn “chúng tôi đang là ai”, dù các em đã làm được cái việc mà không phải mày râu nào cũng làm được.
Vẻ đẹp ấy, dẫu khiêm nhường, vẫn rực rỡ khiến bao người trầm trồ, nhất là khi các tuyển thủ nữ lộng lẫy trên bìa và chuyên đề của một tạp chí thời trang.
Vẻ đẹp ấy, lại ánh lên lần nữa ở sân cỏ Nam Bán cầu. Mong rằng, sau World Cup này, những ai từng tôn vinh các em, đừng bỏ quên các em như quên nhanh những xu hướng ồn ào mạng xã hội.
Bình luận