Những đề thi Văn theo dạng đề mở nói chung và đề theo xu hướng nói riêng hiện nay trở nên phổ biến, không còn lạ lẫm với học sinh và giáo viên. Minh chứng là gần đây, nhiều đề thi lồng ghép những sự kiện, vấn đề thời sự đang nhận được sự quan tâm của xã hội.
Thầy trò đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam vào đề thi Văn
Mới đây, chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại giải AFF Cup 2018 làm nức lòng người hâm mộ cả nước. Ngay sau đó, đề thi Văn dành cho học sinh khối 12 trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cũng đề cập tới chiến thắng ấn tượng của các nhà vô địch AFF Cup.
Cụ thể, đề thi này yêu cầu học sinh suy nghĩ về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ: “Yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.
Ngoài ra, một đề thi môn Văn khác của trường THPT Chuyên Sơn La (Sơn La) cũng thu hút sự chú ý của nhiều người trên một diễn đàn Văn học vì sự xuất hiện của huấn luyện viên Park Hang-seo. Đề thi này còn lồng ghép cả nhóm nhạc BTS (nhóm nhạc nam của Hàn Quốc đang lập nhiều thành tích, giúp âm nhạc Hàn Quốc vươn ra thị trường ngoài châu Á).
Qua đó, đề yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân thông qua câu hỏi: “Thấm thía việc mỗi công dân ra nước ngoài đều là đại sứ văn hóa của đất nước mình. Họ nỗ lực không ngừng trong vai trò ấy. Những người Hàn ấy đã làm được, còn chúng ta, khi xuất cảnh ra nước ngoài, đã làm được những gì?”.
Bên cạnh đó, phần làm văn của đề thi cũng yêu cầu học sinh cảm nhận về thông điệp “Love Yourself” (hãy biết yêu bản thân mình) của ban nhạc BTS.
Trước đó, những vấn đề nóng của xã hội, hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng, những hiện tượng mới… cũng được đưa vào sử dụng làm chất liệu của đề thi Văn. Từ những vấn đề thời sự (cả tích cực và tiêu cực), từ đề thi học kỳ đến các đề thi học sinh giỏi, những đề thi mở hiện nay nhận được không ít sự quan tâm, trở thành đề tài “nóng” trên các diễn đàn học đường.
Cần phù hợp năng lực của học sinh
Với đề thi dạng mở, nhất là đề thi theo xu hướng khi yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về U23, huấn luyện viên Park Hang-seo, nhóm nhạc BTS… nhiều học sinh bày tỏ sự hào hứng vì sự gần gũi với thế hệ trẻ.
Em Phạm Đăng Cường (lớp 12A9, Trường THPT Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: “Các đề mở gắn với tin tức, vấn đề nóng bên ngoài xã hội không bị bó hẹp trong sách giáo khoa giúp em tạo cảm hứng khi làm bài. Cùng với đó, bản thân em cũng được thỏa sức bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề đặt ra trong đề”.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng, đề Văn dạng phong trào như vậy đang làm khó học sinh. Theo em Lê Như Ngọc (Lớp 11D3, Trường THPT Việt Đức - Hà Nội), đề thi gắn với các tin tức nóng là dạng đề hay nhưng cũng là dạng đề khó.
“Đề thi nằm trong kiến thức sách giáo khoa thì sẽ khó diễn đạt vì kiến thức đã được giáo viên truyền đạt. Tuy nhiên, nếu đề ra vào các nội dung nằm ngoài sách giáo khoa thì đòi hỏi phải biết và hiểu những vấn đề đó, phải tư duy tốt thì mới làm được bài. Chẳng hạn, đề bài có nhắc đến nhóm nhạc BTS nhưng em không hiểu rõ nhóm nhạc này thì đây sẽ là đề thực sự khó với em”, học sinh này cho biết.
Theo cô Nguyễn Thị Minh Phượng (giáo viên Văn trường THPT Việt Nam - Ba Lan), đề văn mở với xu hướng sử dụng những sự kiện nổi bật mang tính thời sự giúp học sinh bộc lộ suy nghĩ cá nhân, tích luỹ thêm kỹ năng sống và cách ứng xử trước tình huống thực tiễn.
Dạng đề này cũng giúp có cái nhìn đa chiều, khám phá bản thân và dần hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, cũng theo cô Phượng, đề thi theo hướng mở nhưng cũng cần trong phạm vi cảm nhận, nhận thức của học sinh.
Thầy Trịnh Quỳnh (giáo viên môn Văn tại Nam Định) nhấn mạnh, khi ra dạng đề thi theo xu hướng, ngữ liệu trong đề phải được lựa chọn kỹ càng, đề thi phải phù hợp với năng lực của học sinh. Thầy Quỳnh cho biết: “Khi sử dụng nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa, giáo viên phải chọn văn bản phù hợp, từ nguồn chính thống cũng như phải chuẩn mực về phong cách”.
Theo thầy Quỳnh, khi ra đề Văn theo xu hướng, giáo viên cũng không nên chạy theo sự kiện nhất thời mà bỏ quên đi những giá trị cốt lõi của môn học cần truyền tải đến người học. Ngoài ra, thông điệp mà đề này đặt ra cũng không nên quá lộ mà nên để học sinh tự cảm nhận. Từ đó, học sinh có thể tự rút ra bài học một cách tự nhiên, giản dị và chân thành.
Bình luận