Sau hơn chục năm bị bỏ quên, nằm phơi sương gió tại sân bay Nội Bài, mới đây, chủ đề về chiếc Boeing 727-200 lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của các chuyên gia và dư luận.
Thông tin đến VTC News, bà Mai Thanh Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiffany and Son đã đưa ra giải pháp “hàng đổi hàng” và không dùng tiền mặt trong việc xử lý đối với chiếc máy bay Boeing cũ.
Bà Mai Thanh Thủy cho hay, hàng tồn kho luôn là vấn đề nhức nhối của các doanh nghiệp, vì không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt khách hàng nếu không được xử lý hiệu quả.
Đối với chiếc máy bay Boeing 727-200, dù giá trị sử dụng đối với vật thể này không còn nhiều, tuy nhiên đổi lại, tính đặc thù của chiếc máy bay lại thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Theo bà Thủy, hiện nay, có 3 doanh nghiệp đang mong muốn hợp tác với các cơ quan chức năng để cùng đưa ra giải pháp xử lý, khai thác đối với chiếc máy bay cũ này. Và phương án “hàng đổi hàng” được nhìn nhận, phân tích như một giải pháp có nhiều khả thi.
Các mặt hàng bia, rượu, dầu ăn, bánh kẹo, gạo… sẽ được mang ra để đổi lấy máy bay. Tổng giá trị sản phẩm ước tính đạt khoảng 3 tỷ đồng (nếu quy đổi ra tiền mặt).
“Giải pháp hàng đổi hàng giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng được nguồn sản phẩm do chính họ sản xuất, giúp giải phóng một lượng hàng tồn, tiết kiệm tiền mặt. Về phía cơ quan chủ quản – đơn vị sở hữu chiếc máy bay cũ – cũng có thể sử dụng các sản phẩm đổi được phục vụ cho các hoạt động của mình tại các điểm kinh doanh thương mại ở sân bay hay địa điểm khác. Cùng với đó, chiếc Boeing 727-200 sẽ không phải nằm phơi nắng, phơi sương vô nghĩa ở sân bay Nội Bài mà sẽ được khai thác, sử dụng với mục đích kinh doanh, tạo ra nhiều giá trị thương mại khác", bà Thủy nói.
CEO Tiffany and Son cũng hiến kế về việc sửa chữa, khai thác chiếc máy bay cũ. Theo đó Boeing 727-200 sẽ được sơn lại theo thiết kế. Vỏ ngoài máy bay có thể sẽ được dùng để quảng cáo thương hiệu, nhân vật, sản phẩm. Bên trong có thể sẽ trở thành một quán cà phê hay một nhà hàng.
“Nếu đạt được các thỏa thuận với đơn vị chủ quản, doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch di dời máy bay về một khu vui chơi hay khu vực kinh doanh của tư nhân nào đó”, bà Mai Thủy cho biết.
Chuyên gia xử lý hàng tồn kho nhấn mạnh, thực tế Boeing 727-200 là một vật thể mang tính đặc thù, đặc biệt. Nếu biết khai thác hết các tiềm năng, đây sẽ là một địa điểm kinh doanh độc đáo, giá trị.
“Hiện tại, chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam khai thác và phát triển mô hình máy bay làm nhà hàng hay máy bay mở quán cà phê … Nếu Boeing 727-200 được sử dụng với mục đích này, đây sẽ là một địa chỉ hấp dẫn đối với nhiều người”, bà Thủy nói.
Cũng theo bà Mai Thanh Thủy, phía các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi một cuộc gặp gỡ, đối thoại cùng các đơn vị chủ quản của Boeing 727-200, từ đó hi vọng sẽ có được cái bắt tay giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước trong việc tìm ra giải pháp cho Boeing 727-200.
Chiếc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài ngày 1/5/2007 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), mang quốc tịch Campuchia với số hiệu đăng ký XU-RKJ. Tại thời điểm năm 2007, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã nhiều lần trao đổi với Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, Royal Khmer Airlines và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển bay, cũng không có bất kỳ liên hệ nào.
Tháng 12/2014, lãnh đạo Cục Hàng không Campuchia (SSCA) cho biết, do hãng hàng không Royal Khmer Airlines không còn đăng ký với SSCA nên chính phủ quốc gia này không có trách nhiệm đối với chiếc máy bay cũng như không có ý định lấy lại. Vì vậy, Cục Hàng không có thể xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Vậy trước đề xuất của doanh nghiệp trong việc xử lý chiếc máy bay, các cơ quan chức năng có nhận định như thế nào? VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Bình luận