Mới đây, ông Phan Văn Quang - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế xác nhận với báo chí thông tin, UBKT Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo quy trình bổ nhiệm đối với ông Lê Hà Minh Hải - Phó Chánh Văn phòng, Phó Bí thư chi bộ Văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo những thông tin, tài liệu mà PV VTC News tìm hiểu, lý lịch cũng như quy trình bổ nhiệm của ông Lê Hà Minh Hải có nhiều điểm bất thường cần được làm sáng tỏ.
Từng bị khởi tố và tạm giam
Ông Lê Hà Minh Hải (SN 1975) tốt nghiệp Đại học Luật hệ tại chức ngày 3/1/1999. Ngày 11/8/1999, ông Hải được tuyển dụng vào làm công chức ngành Tòa án. Tiếp đó, ngày 18/7/2006, ông Hải được kết nạp Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và được bổ nhiệm Thẩm phán ngày 16/4/2007.
Cuối năm 2015, ông Lê Hà Minh Hải công tác tại văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước khi về TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế công tác, ông Hải từng là Thẩm phán tại TAND TP Huế.
Đến tháng 2/2016, ông Hải được Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế là bà Đào Thị Mai Hường bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VTC News, ông Hải từng bị khởi tố và bắt tạm giam vì có liên quan đến một vụ án hình sự.
Theo đó, năm 1996 ông Lê Hà Minh Hải là đồng phạm liên quan đến vụ hành hung anh Đoàn Thanh Nam (SN 1974, trú đường Trần Phú, TP Huế) khiến anh này bị thương tật 38%.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 4/11/1996, Công an TP Huế quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng".
Cơ quan công an xác định, ngoài Nguyễn Hồng Quyết (còn gọi là Cu em) là đối tượng chính trong vụ án này, còn có các đối tượng khác gồm: Ngô Phan Hoài Bảo, Ngô Phan Nhật Bình, Hoàng Ngọc Anh Quang, Lê Đắc Nguyên Phú và Lê Hà Minh Hải (đều ở TP Huế) cùng tham gia hỗ trợ tinh thần cho Quyết gây thương tích cho anh Nam, phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.
Ngày 23/11/1996, Công an TP Huế bắt khẩn cấp và ra lệnh tạm giữ đối với ông Lê Hà Minh Hải. Đến ngày 1/12/1996, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 2 tháng đối với Hải về hành vi gây rối trật tự công cộng và sau đó thay đổi biện pháp tạm giam, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Vụ án sau đó bị đình chỉ điều tra do các đối tượng khác liên quan bỏ trốn.
Một diễn biến khác liên quan đến vụ án kể trên, sau khi gây án, Nguyễn Hồng Quyết bỏ trốn vào huyện Krông Buk (Đắk Lắk), làm lại giấy CMND, đổi tên thành Nguyễn Văn Hùng và lập gia đình. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Nguyễn Hồng Quyết. Ngày 7/4/2008, đối tượng này bị Công an TP Huế bắt theo lệnh truy nã.
Ngày 29/9/2008, TAND TP Huế đã mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Hồng Quyết. Lúc này, đồng phạm là Lê Hà Minh Hải đã là Thẩm phán tại TAND TP Huế.
Khai man lý lịch để đi học
Sau khi Nguyễn Hồng Quyết bị bắt, sự việc của ông Lê Hà Minh Hải cũng bị phanh phui và ngày 26/9/2008 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế có báo cáo gửi Bí thư Thành uỷ Huế về việc "Cán bộ Đảng viên liên quan đến vụ án hình sự".
Tiếp đó, ngày 09/03/2009 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế có báo cáo số 68 CV/PC16 gửi Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế; Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch HĐND TP Huế; Chánh án TAND Tối cao; Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị đình chỉ chức vụ thẩm phán và sinh hoạt Đảng đối với ông Lê Hà Minh Hải.
Báo cáo của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khi ấy có ghi rõ: "Qua quá trình điều tra đến ngày 08/4/2008, căn cứ Nghị quyết số 32/1999/QH10, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế ra quyết định đình chỉ điều tra bị can số 09 đối với Lê Hà Minh Hải do diễn biến tình hình nên hành vi của bị cáo không cấu hành tội phạm theo quy định tại Điều 425 Bộ luật Hình sự năm 1999. Như vậy, từ ngày 01/12/1996 (thời điểm bị khởi tố, tạm giam, sau đó thay đổi biện pháp, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú) đến ngày 07/4/2008 Lê Hà Minh Hải vẫn là bị can trong vụ án".
Cũng theo nội dung báo cáo của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong thời gian vẫn là bị can vụ án hình sự kể trên, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo cũng như công tác thẩm tra xác minh thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, Lê Hà Minh Hải đã che giấu hành vi phạm tội cũng như trách nhiệm pháp lý rồi khai man lý lịch để đi học Đại học Luật tại chức và vào làm trong ngành toà án sau khi tốt nghiệp.
Báo cáo của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế kết luận: "Trong thời gian Lê Hà Minh Hải đang bị khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú lại vẫn tiếp tục học, tốt nghiệp Đại học, được tuyển dụng công chức vào làm cán bộ ngành TAND TP Huế; được kết nạp Đảng và được bổ nhiệm thẩm phán là vi phạm Điều 5, Quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo, ban hành theo Quyết định số 1584/GD-ĐT ngày 27/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo; điểm 3.5 Điều 6 Nghị định 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX và Điều 5, Pháp lệnh Thẩm phán số 02/2002/PL-UBTVQH11 ngày 4/10/2002".
Bị TAND Tối cao đề nghị 'không để công tác trong ngành toà án'
Sau khi xem xét công văn của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc ông Lê Hà Minh Hải che giấu hành vi phạm tội cũng như trách nhiệm pháp lý là bị can trong vụ án Nguyễn Hồng Quyết "Cố ý gây thương tích" cùng đồng bọn gây rối trật tự công cộng, khai man lý lịch để được học đại học Luật, tuyển dụng vào làm thư ký toà án, được kết nạp vào Đảng và được bổ nhiệm là Thẩm phán, ngày 03/4/2009 TAND Tối cao đã có công văn gửi Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế để có ý kiến về vụ việc nêu trên.
Theo đó, TAND Tối cao để nghị Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành thủ tục đề nghị cách chức chức danh Thẩm phán TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đối với ông Lê Hà Minh Hải.
"Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các cơ quan tố tụng ở địa phương xem xét, đánh giá mức độ nghiêm trọng, vai trò của ông Lê Hà Minh Hải tham gia trong vụ án. Trên cơ sở đó, xử lý về mặt chính quyền đối với ông Lê Hà Minh Hải theo hướng không để tiếp tục công tác trong ngành toà án, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng theo quy định", công văn của TAND Tối cao gửi Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 03/04/2009 nêu.
Công văn chỉ đạo của TAND Tối cao là vậy nhưng ông Lê Hà Minh Hải chỉ bị cách chức chức danh Thẩm phán TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế và vẫn được giữ lại làm cán bộ ngành toà án.
Sau đó, ông Lê Hà Minh Hải được chuyển về công tác tại TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế và chỉ vài tháng công tác tại đây, ông Hải được Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sau Đại hội Chi bộ Văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 – 2020, ông Lê Hà Minh Hải còn được bầu là Phó Bí thư chi bộ Văn phòng.
Liên quan đến sai phạm của ông Lê Hà Minh Hải, một vị nguyên là Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, cái sai của ông Hải là khi làm đơn vào tòa án để tuyển dụng cán bộ đã không khai báo thật việc đã từng có quyết định khởi tố và xử lý hành chính.
Tuy nhiên, nếu khai thật thì ông Hải sẽ không được tuyển dụng vì tòa án không tuyển những người từng liên quan đến án gây thương tích dù bị xử lý hành chính.
Liên quan đến quy trình bổ nhiệm của ông Lê Hà Minh Hải - Phó Chánh Văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế, PV VTC News đã đến Văn phòng của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế để đăng ký làm việc với lãnh đạo của cơ quan này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Video: Những vụ bổ nhiệm người nhà làm quan gây xôn xao dư luận
Bình luận