Những công trình hiện đại thay đổi diện mạo Thủ đô
Toà nhà Keangnam Landmark Tower (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) là tổ hợp khách sạn, thương mại, văn phòng, nhà ở với diện tích sàn gần 610.000 m2. Dự án gồm hai tòa chung cư cao cấp 50 tầng, kết nối với hai tòa chung cư là hai tòa tháp thương mại, căn hộ cho thuê 72 tầng. Khi mới khánh thành vào năm 2012, công trình này là tòa nhà cao nhất Việt Nam với 346 m, đài quan sát 72 Sky Landmark giống như các tòa nhà chọc trời ở Seoul, Thượng Hải hay New York... Kể từ khi tòa tháp Landmark-81 ở TP.HCM khánh thành (461,2 m), Keangnam tụt xuống thành tòa nhà cao thứ nhì Việt Nam.
Tòa nhà trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tọa lạc tại khu D26 khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) được xây dựng từ năm 2019, đưa vào vận hành từ năm 2021. Tòa nhà Viettel được biết đến là một công trình xanh hiện đại, tiêu biểu của Hà Nội. Tòa nhà lấy cảm hứng từ logo của Viettel với toàn bộ mái của công trình được phủ xanh, vuốt cong từ chân lên đỉnh mái. Bên trong trụ sở có sức chứa khoảng 1.000 người. Tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 - 2023 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL tổ chức, tòa nhà Viettel đạt Giải Vàng hạng mục Kiến trúc Công cộng.
Đại lộ Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 20/3/2005 và khánh thành ngày 3/10/2010, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đại lộ Thăng Long nằm trong dự án đường Láng - Hòa Lạc, có tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu giao cắt đường Vành đai 3 trước trung tâm Hội nghị Quốc gia, điểm cuối là nút giao Hòa Lạc giao cắt với quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh. Với chiều dài toàn tuyến 29,264 km, bề rộng mặt cắt ngang 140 m, Thăng Long được xem là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
Điểm đầu của đại lộ Thăng Long là dự án nút giao Trung Hòa, khởi công ngày 18/1/2015. Kinh phí đầu tư công trình lấy từ nguồn vốn dư còn lại của Dự án xây dựng giai đoạn 2 - đường Vành đai 3 TP Hà Nội đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm với khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỷ đồng.
Đường Vành đai 3 trên cao với điểm đầu là Mai Dịch và điểm cuối là phía bắc Hồ Linh Đàm dài 8,9 km, gồm 385 m đường dẫn và 8,5 km cầu cạn chính tuyến.
Ngày 21/10/2012, đường Vành đai 3 trên cao được thông xe. Thời điểm đó, công trình nhận được sự quan tâm của người dân Hà Nội khi lần đầu cả nước có tuyến vành đai trên cao. Đường có 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Tuyến đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long được thông xe vào tháng 10/2020, có chiều dài 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,8 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404 m. Dự án được xây dựng với quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn rộng 3,75 m, hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... Đây là đoạn đường trên cao duy nhất tại Hà Nội được thiết kế vận tốc 100 km/h.
Dự án đường Vành đai 2 trên cao được khởi công xây dựng từ năm 2018 và thông xe vào năm 2023, tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án đường Vành đai 2 trên cao, bắt đầu từ đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng bên dưới.
Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao dài hơn 5 km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Tốc độ lưu hành cho phép đối với các xe trên cầu chính là 80 km/h, trên cầu nhánh là 60 km/h. Dự án nối liền 3 quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.
Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu bắc qua sông Hồng, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 được hoàn thiện năm 2010, có tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng. Cầu dài 5,8 km gồm cầu vượt sông, đường hai đầu cầu và các nút giao khác mức. Trong đó phần cầu vượt sông Hồng dài 3,7 km, mặt cắt ngang giai đoạn 1 là 19,25 m.
Cầu Vĩnh Tuy 2 (song song với cầu Vĩnh Tuy 1) khởi công tháng 1/2021 và hoành thành ngày 30/8/2023. Điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Cầu rộng hơn 19 m, 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 2.538 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy có mặt cắt ngang lớn nhất trong số cây cầu tại Hà Nội với 8 làn ô tô.
Cầu Nhật Tân được thông xe vào ngày 4/1/2015, là một trong những công trình giao thông nổi bật của Thủ đô kể từ sau năm 2008 khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng với tổng chiều dài 8.930 m bao gồm: phần cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 3.755 m với bề rộng mặt cầu 33,2 m (6 làn xe chính và 2 làn dừng khẩn cấp). Riêng cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp tượng trưng 5 cửa ô Hà Nội với tổng chiều dài 1.500 m, phần đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 5.170 m.
Đường Võ Nguyên Giáp dài 12,1 km, được tổ chức thông xe cùng thời điểm với công trình cầu Nhật Tân. Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng với chức năng kết nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân vào nội thành Hà Nội giúp các phương tiện giảm thời gian đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Thủ đô, đồng thời kết nối với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào năm 2011, đến tháng 11/2021 công trình chính thức đi vào vận hành. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, chiều dài chính tuyến 13,05 km, toàn bộ đi trên cao. Điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và 1 khu depot, khai thác 13 đoàn tàu. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông hoặc ngược lại là hơn 23 phút.
Công viên Hòa Bình có diện tích hơn 20 ha thuộc quận Bắc Từ Liêm. Đây là công trình kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời Thủ đô cũng vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Điểm nhấn kiến trúc của công viên là lối ra vào chính không xây dựng cổng mà dựng các biểu tượng. Cổng chính phía bắc, lùi khoảng 40 m là lối vào, nối tiếp là chuỗi các đảo cây xanh. Toàn bộ cây được trồng mới kết hợp với hồ nước và các công trình nhỏ như cầu, hành lang gỗ ven hồ tạo không gian xanh thơ mộng.
Nói đến sự phát triển của Hà Nội những năm gần đây không thể không nhắc đến sự phát triển của các khu đô thị hiện đại như: Vinhomes Ocean Park Gia Lâm, Vinhomes Times City...
Bình luận