Năm 2022, nhiều thí sinh “choáng” khi điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ cao ngất ngưởng, nhiều ngành có mức điểm chuẩn vượt trần, thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học.
Điểm chuẩn tăng sốc
Hoàng Anh Mỹ, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Đăng Đạo (Bắc Ninh) bất ngờ khi điểm chuẩn một số ngành xét tuyển học bạ của Đại học Văn hoá Hà Nội đạt ngưỡng 30,5 điểm.
Trâm đăng ký xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ vào ngành Luật, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ban đầu, em quy đổi điểm học tập 3 năm THPT, tính cả điểm cộng đạt trên 29 điểm - cao hơn năm trước gần 3 điểm. Em tự tin vì cơ hội đỗ khá cao và mong chờ thông báo trúng tuyển của trường. Nhưng đến ngày công bố điểm chuẩn, Trâm sốc vì không ngờ lại điểm tăng như vậy.
Không chỉ ngành Luật, với các ngành khác, điểm chuẩn cũng tăng cao, các bạn của em lần lượt trượt hết nguyện vọng.
Điểm chuẩn xét tuyển học bạ vào Đại học Văn hoá Hà Nội ba năm qua.
Chung tâm trạng, em Lê Bích Ngọc, học sinh lớp 12, trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) buồn bã vì trượt nguyện vọng vào Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng. Ngọc học khá các môn tự nhiên, điểm trung bình tổng kết 4 môn Toán, Lý, Hoá, Sinh trong 3 năm học THPT đều trên 9.0.
"Em tự tin đăng ký xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Sinh học vì điểm chuẩn năm ngoái các ngành này không quá cao, dao động từ 15- 18 điểm. Lúc nhận bảng điểm chuẩn, em không thể tin ngành mìnhh đăng ký tăng đến 8 điểm", Ngọc nói.
Hầu hết ngành/chuyên ngành đào tạo của Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đều tăng cao. Điển hình, Sư phạm Khoa học Tự nhiên lấy điểm chuẩn 26 (tăng 8 điểm so với năm ngoái), Sư phạm Sinh học 25,5 (tăng 7,5 điểm), Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Địa lý mức điểm chuẩn 24,75 (tăng 6,75 điểm)...
Điểm chuẩn xét học bạ vào Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM trong ba năm qua.
Đây không phải là trường cá biệt có điểm chuẩn xét học bạ tăng cao ngất ngưởng. Đại học Cần Thơ, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Thủy Lợi... cũng có điểm chuẩn xét học bạ đợt 1 tăng chóng mặt so với năm trước. Có ngành thí sinh gần như phải đạt điểm tuyệt đối mới trúng tuyển.
Hầu hết các ngành của Đại học Cần Thơ có điểm chuẩn học bạ tăng 2-4 điểm so với năm trước, cá biệt có ngành tăng đến 5 điểm. Nếu như năm 2021 điểm chuẩn cao nhất là 29 và chỉ hai ngành ngoài sư phạm đạt mức điểm này thì năm nay có đến 5 ngành điểm chuẩn từ 29 trở lên, trong đó ba ngành 29,25 điểm.
Tại Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nếu như năm 2021 phương thức xét học bạ chỉ có hai ngành đạt 29 điểm thì năm nay 4 ngành điểm chuẩn 29,75 và cả chục ngành điểm chuẩn trên 29.
Các ngành sư phạm của Đại học Sư phạm (Đại học Huế) năm nay điểm chuẩn xét học bạ dao động từ 23 đến 27 điểm. Trong đó, một số ngành điểm tăng rất nhiều so với năm trước như sư phạm hóa học tăng từ 18 lên 26,5, vật lý từ 18 tăng lên 25,5 điểm, sư phạm sinh học tăng từ 18 lên 23...
Chuyên gia lo lắng
TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lo ngại trước tình trạng điểm chuẩn xét học bạ của các trường đại học năm nay tăng đột biến, trên 30 điểm vẫn trượt.
Điểm chuẩn phương thức này quá cao đặt ra ba vấn đề: một là kết quả học tập của học sinh chưa thực chất, hai là điểm chuẩn cao gây nhiễu loạn các phương thức xét khác và ba là tạo ra tâm lý bất ổn cho các thí sinh khác.
TS Khuyến nêu thực tế chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều, tình trạng quản lý lỏng lẻo, việc xét tuyển nguyên kết quả học bạ là phương thức chưa đủ độ tin cậy và tạo lòng tin với xã hội. "Nhiều trường hiện căn cứ vào kết quả học bạ để xét tuyển, nhưng kết quả trong học bạ ở trường THPT có đáng tin cậy không hay đã được "làm đẹp"?", ông băn khoăn.
Ông lấy ví dụ, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá của Đại học Mỏ - Địa chất lấy 28 (trung bình 9,3 điểm/môn), hay ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng - Đại học Công nghiệp Hà Nội điểm chuẩn 29,38 (trung bình 9,79 điểm/môn). Điểm chuẩn của hai trường này được tính = điểm trung bình học tập 3 môn trong 3 năm học THPT. Như vậy, học sinh phải đạt điểm trung bình học rất cao, gần như tuyệt đối mới trúng tuyển vào trước. "Điều này là rất khó và chiếm tỷ lệ không nhiều ở bậc THPT", ông nói.
Ngoài việc đánh giá chưa thực chất, ông cũng cho rằng, 30 điểm học bạ vẫn chưa đỗ đại học gây rối loạn về phương thức tuyển sinh, thể hiện sự bất thường trong tuyển sinh. Tình trạng này tiếp diễn khiến chất lượng tuyển sinh tiêu cực, mất công bằng cho thí sinh.
Nhiều trường hiện căn cứ vào kết quả học bạ để xét tuyển, nhưng kết quả trong học bạ ở trường THPT có đáng tin cậy không hay đã được "làm đẹp"?
TS Lê Viết Khuyến
Để phương thức xét học bạ phát huy ưu điểm, các trường nên đưa ra các tiêu chí phụ cùng các yếu tố khác như hạnh kiểm, thành tích nổi bật trong 3 năm THPT... Như vậy, trường có thể tuyển chọn thí sinh theo đúng tiêu chí và năng lực cần đạt của người học.
Ông Khuyến cũng chỉ ra nguyên nhân điểm chuẩn học bạ tăng cao là do số hồ sơ nộp vào tăng, thí sinh có nhiều điểm cộng, trường không dám gọi vượt vì năm nay sử dụng phần mềm xét tuyển chung. Ngoài ra, điểm trung bình môn 3 năm học THPT của thí sinh tăng cao cộng với nhiều chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nên điểm chuẩn càng tăng mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ, các trường không nên lạm dụng phương thức xét tuyển học bạ. "Kết quả học bạ chỉ nên là một phần trong việc đánh giá các mặt của thí sinh, nó chỉ nên đóng vai trò tiêu chí phụ khi xét tuyển đầu vào. Còn nếu trường nào chỉ đơn thuần căn cứ vào điểm học bạ cao, rồi cho thẳng vào đại học thì không ổn", ông Cường nêu quan điểm.
Trong khi đó, PGS.TS Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng điểm chuẩn một số ngành của trường năm nay trên 30 không phải bất thường. Trường không sử dụng phương thức xét học bạ đơn thuần mà kết hợp với quy định khác. Cụ thể, xét học bạ là căn cứ đầu tiên, tiếp theo là điểm cộng ưu tiên. Những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trường chuyên... sẽ được cộng 3 - 10 điểm vào điểm xét tuyển.
Ngoài ra, với ngành Báo chí, thí sinh được điểm cộng khi có tác phẩm xuất bản trên báo. Với khối ngành nghệ thuật, thí sinh được cộng điểm nếu có giải trong các cuộc thi nghệ thuật trên toàn quốc.
Xét mặt bằng chung năm nay, nếu thí sinh không có điểm cộng thì không thể đỗ được những ngành có sự cạnh tranh cao. Nếu chỉ xét học bạ mà điểm chuẩn lên đến 30 điểm thì rất đáng lo ngại. Tuy nhiên nhà trường kết hợp xét học bạ và các quy định khác để tạo sự công bằng, khách quan trong kết quả tuyển sinh.
Bình luận