Thời gian qua, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng nhận được nhiều thông tin liên quan đến việc đặt cọc giữ chỗ tại các dự án nhà ở tại địa phương. Cụ thể, một số chủ đầu tư dự án nhà ở, kể cả một số trang mạng xã hội rao bán các dự án nhà ở dù chưa đủ điều kiện bán theo quy định.
Qua xác minh, các trường hợp này dùng hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai trong khi chưa có thông báo được phép bán theo quy định của cơ quan chức năng là Sở Xây dựng.
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để được mua nhà ở hình thành trong tương lai không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể, tại Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản quy định, cấm hành vi kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định và huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
Trong khi đó, Điều 68 quy định hình thức huy động vốn phải phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của luật này. Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý. Trường hợp ký hợp đồng huy động vốn không đúng với quy định sẽ không được pháp luật công nhận.
Vì vậy, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng khuyến cáo, các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
Bình luận