• Zalo

Đi tìm tung tích chiến sỹ biệt động bị Nguyễn Ngọc Loan bắn giữa phố trong bức ảnh gây sốc thế giới

Thời sựThứ Năm, 01/02/2018 07:00:00 +07:00Google News

Nhiều giả thuyết được đặt ra về chiến sỹ xuất hiện trong bức ảnh nổi tiếng “Hành quyết tại Sài Gòn”, nhưng đến nay danh tính người bị bắn vẫn còn gây tranh cãi.

  • Video: Những thước phim tài liệu chân dung người bị Nguyễn Ngọc Loan bắn

“Hành quyết tại Sài Gòn” (Saigon Execution) là tên của một bức ảnh nổi tiếng do phóng viên người Mỹ Eddie Adams của hãng AP chụp trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ghi lại một trong những khoảnh khắc tàn nhẫn nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Cách đây đúng 50 năm, ngày 1/2/1968, cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy chiếm chính quyền vào dịp Tết Mậu Thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam diễn ra trên hầu hết lãnh thổ của Việt Nam Cộng hòa. Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và có một vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử như mắt xích quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Mỹ thừa nhận thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ và đưa quân về nước.

Với tấm ảnh “hành quyết tại Sài Gòn”, Eddie Adams dành giải thưởng Pulitzer vào năm 1969. Năm 2007, bức ảnh này được tạp chí Mental Floss bầu chọn là 1 trong 12 bức ảnh làm thay đổi bộ mặt thế giới.

Năm 1968, trong khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn gay cấn, ác liệt thì sự xuất hiện của bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn” khiến cho cả thế giới bàng hoàng, sửng sốt.

Đó là hình ảnh chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia rút súng bắn vào đầu một chiến sỹ thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn tay bị trói, trên người chỉ mặc một chiếc quần xà lỏn và áo sơ mi caro sứt nút.

Ông Hal Buell, sếp của phóng viên ảnh Adams tại hãng AP kể: "Adams theo dõi hai người lính Việt Nam Cộng hoà kéo một người tù ra khỏi một cái cổng ở cuối phố. Những người lính vừa kéo vừa đẩy một người có vẻ là Việt Cộng mặc áo sơ mi kẻ, tay bị trói sau lưng. Họ dẫn người đàn ông về phía Adams và Võ Sửu".

Còn phóng viên Adams từng chia sẻ với báo giới về sự kiện chấn động này như sau: "Tôi dõi máy theo ba người đó, chụp một kiểu ảnh. Khi họ đến gần, những người lính dừng lại và lui về phía sau. Tôi thấy một người đàn ông từ bên trái bước vào trong vùng ngắm máy ảnh của tôi”.

Bức ảnh đã gây sốc cho toàn dân Mỹ nói riêng và nhân dân toàn thế giới nói chung. Hình ảnh Nguyễn Ngọc Loan bắn chiến sỹ Biệt động tay bị trói, không có vũ khí mà cũng không cần xét hỏi đã được các nhóm phản chiến tại Mỹ đưa ra khai thác triệt để trên các phương tiện truyền thông, với mong muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Đối với người Mỹ, bức ảnh này như một “cú thoi vào bụng”. Vì thế cuộc chiến này là bẩn thỉu và không có chính nghĩa. Kể từ đó, các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.

Đỉnh điểm vào tháng 10/1968, lực lượng Cảnh sát Mỹ bắt đầu phải đụng độ với các cuộc biểu tình bạo động với hàng triệu người tham dự. Chính phủ Mỹ bị Quốc hội trói tay, ngân sách viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa cũng bị cắt.

Đó chính là bước ngoặt góp phần vào việc Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris vào năm 1973, và sau đó là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến sỹ trong bức ảnh là ai?

nguyen ngoc loan - hanh quyet sai gon - saigon execution 11

 Tấm ảnh chân thực nhất tố cáo tội ác man rợ của Nguyễn Ngọc Loan

Đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (tức đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), cả Sài Gòn rung chuyển bởi cuộc tấn công chớp nhoáng, thần tốc của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn – Gia Định do Bộ Chỉ huy miền Nam lãnh đạo.

Trong khi các đội của lực lượng Biệt động thành đang tấn công dữ dội vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ tổng tham mưu thì các tướng lĩnh của Việt Nam Cộng Hòa mới ráo riết chống trả, phòng bị.

Bộ Tư lệnh Hải quân được Bộ Chỉ huy xác định là một trong những mục tiêu trọng yếu. Do vậy, trước giờ ra trận, toàn bộ 16 đội viên của Đội 3 Biệt động Sài Gòn – Gia Định do ông Nguyễn Văn Lém, tự là Bảy Lớp, cùng nguyện chiến đấu cảm tử để giành thắng lợi cho cách mạng.

Video: Phim tài liệu 'Biệt động Sài Gòn: Đường về chiến thắng'

Sau khi chớp nhoáng dùng bộc phá đánh sập lô-cốt đầu tiên, toàn đội xung phong đánh chiếm các ngôi nhà bên trong Bộ tư lệnh Hải quân. Dù bất ngờ nhưng địch nhanh chóng chống trả quyết liệt, dùng tiểu pháo 20 ly, trung liên 12,7 ly, M79 bắn tới tấp vào các chiến sĩ Biệt động.

Do trục trặc trong việc truyền khẩu lệnh vào những phút chót, quân ta không có đủ vũ khí, rơi vào thế bị bao vây cả vòng trong vòng ngoài. Đến sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, 14 chiến sỹ của Đội 3 Biệt động thành vĩnh viễn nằm lại. Trong đó, đội trưởng Bảy Lớp là người hy sinh cuối cùng.

eadams2-1910524 6

 Chân dung nhiếp ảnh gia Eddie Adams. (Ảnh tư liệu) 

Theo những thông tin chúng tôi tìm hiểu được, ông Bảy Lớp không hy sinh ngay mà bị quân địch bắt giữ, sau đó giải đến đến Bộ Tư lệnh Cảnh sát dã chiến Việt Nam Cộng hòa. Đây cũng chính là thời điểm bức ảnh “hành quyết tại Sài Gòn” được chụp và công bố cho thế giới không lâu sau đó.

Theo một số tư liệu ghi lại, khi đến đường số 20 cũ (nay là đường Lý Thái Tổ, Ngã Bảy), Nguyễn Ngọc Loan lúc này là người điều động lực lượng Cảnh sát trong nội thành Sài Gòn cầm khăn lau mặt, vẫy tay ra hiệu cho lính tránh đường.

Không nói một lời, ông ta đến bên chiến sỹ biệt động bị trói 2 tay, quăng điếu thuốc xuống đường rồi rút súng nhắm thẳng vào thái dương người tù binh.

Tác giả Eddie Adams từng chia sẻ: “Ông ta (Tướng Loan) rút một khẩu súng lục ra khỏi bao và nâng lên. Tôi không hề nghĩ là ông ta sẽ bắn. Người ta thường chĩa súng vào đầu người tù khi hỏi cung. Do đó tôi chuẩn bị chụp ảnh về sự đe dọa, cuộc thẩm vấn.

Nhưng nó đã không xảy ra. Người đàn ông chỉ rút một khẩu súng lục ra, chĩa vào đầu người Việt Cộng và bắn vào thái dương anh ta. Đúng lúc đó tôi chụp bức ảnh…”.

Ngay sau khi được công bố trên báo chí, bức ảnh không chỉ gây chấn động trên toàn thế giới, mà nhiều giả thuyết khác nhau về ai là người bị Nguyễn Ngọc Loan bắn cũng được đưa ra…

Một số tờ báo nước ngoài cho biết người bị bắn là Đại úy Biệt động thành Nguyễn Văn Lém (tự Bảy Lớp). Nhưng một số khác chỉ nói về người bắn là Nguyễn Ngọc Loan, mà không nhắc đến danh tính của người bị bắn.

Chính vì vậy, tất cả những thông tin liên quan đến bức ảnh như ai là người bị bắn, thời gian, địa điểm,… chỉ được cả thế giới biết một cách mơ hồ. Kể cả ông Eddie Adams, chủ nhân bức ảnh cũng không biết người bị bắn trong bức ảnh chính xác là ai.

Bảy Lốp, Nguyễn Văn Nà hay chiến sỹ biệt động nào?

Chỉ đến 30 năm sau cuộc chiến Tết Mậu Thận 1968, Hãng phim Giải Phóng thực hiện bộ phim “Từ một tấm ảnh” để tìm hiểu về người chiến sỹ bị bắn chết.

vo-7-lem-1927160 7

 Bà Nguyễn Thị Lớp, vợ Đại úy Nguyễn Văn Lém. (Ảnh tư liệu) 

Lúc này, danh tính của người chiến sỹ bị bắn dần hé lộ. Đại tá Nam Hà (Bộ tư lệnh TP.HCM) xác nhận người trong bức ảnh “hành quyết tại Sài Gòn” giống Đại úy Nguyễn Văn Lém. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Lớp (vợ Đại úy Nguyễn Văn Lém), thì người bị bắn có áo carô bị đứt nút mới khâu và giống chồng mình.

Ngoài ra, Đại tá Nguyễn Phương Nam, nguyên cán bộ Sở Ngoại vụ TP.HCM, người có nhiều quan hệ với đặc công từng tìm hiểu và thông tin trong bộ phim “từ một bức ảnh”, thì ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, sau khi tấn công thất bại vào Bộ tư lệnh Hải quân, Bảy Lớp bị bắt và bị đưa đến Bộ Tư lệnh Cảnh sát dã chiến Việt Nam Cộng hòa.

Kết hợp với tin của phóng viên người Nhật lúc đó, người bị cảnh sát dã chiến đưa đến đường 20 cũ (đường Lý Thái Tổ hiện nay) và bị bắn. Những thông tin này trùng khớp về thời gian và địa điểm mà bức ảnh được chụp lại.

Tuy nhiên, cũng trong bộ phim tài liệu “từ một bức ảnh”, nhiều người từng là lãnh đạo Quận 5 lại khẳng định Lê Công Nà (tự Bảy Nà) chính là người trong bức ảnh. Ông Nà là chính trị viên quận đội, kiêm phó chỉ huy Quận 5, TP Sài Gòn - Gia Định của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Các nhân vật lên tiếng khẳng định ông Nà là người bị bắn gồm bà Phạm Thị Sứ, nguyên bí thư Quận ủy Quận 5; Ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên thường vụ Quận ủy Quận 5; Bà Vũ Xuân Lý, nguyên phó bí thư Quận ủy Quận 5;…

Đặc biệt, trong nhận định của mình, bà Ông Bích Liên, cán bộ quận 5, bạn chiến đấu cũ của Bảy Nà cho biết, thời điểm năm 1968, khi bà và các đồng đội xem báo miền Nam đã nhận ra Bảy Nà bị tướng Loan bắn, ai cũng khóc thương đồng đội.

Còn bà Sứ thì xác nhận, sáng mồng 2 Tết, bà đã thấy Lê Công Nà mặc áo carô, hai bên có cười chào hỏi nhưng không kịp nói chuyện… Riêng ông Lê Công Tứ (anh ruột của Lê Công Nà) thì khẳng định, người trong ảnh là em trai ông vì 2 anh em rất giống nhau.

img_9670-3-19284110 10

Di ảnh Đại úy Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp.  

Song từ nhiều năm nay, người ta đều cho rằng Đại úy Bảy Lớp mới chính là chiến sỹ bị bắn. Vào ngày 17/4/2010, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thành viên đội 3, 4, 11 biệt động Sài Gòn – Gia Định, trong đó có liệt sỹ Bảy Lém đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến nay, dù danh tính người bị bắn vẫn còn là một điều bí ẩn, khó lý giải với lịch sử thì một giai đoạn hào hùng, với những chiến sỹ Biệt động anh dũng mãi là tượng đài bất tử trong phong trào đấu tranh của dân tộc.

Sau này, khi chiến tranh đã lùi vào quá khứ, gia đình những anh hùng liệt sỹ như Đại úy Nguyễn Văn Lém bắt đầu được đông đảo người dân quan tâm. Từ thắc mắc này, câu chuyện về cuộc sống hiện tại của những đứa con Biệt động Sài Gòn ngày nào dần hé mở…

Dù nhân vật trong bức ảnh 'Hành quyết tại Sài Gòn' còn gây tranh cãi, đó có thể là ông Nguyễn Văn Lém, Nguyễn Văn Nà hay một chiến sĩ biệt động nào, thì họ cũng đều là những người anh hùng đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc ngày hôm nay và tổ quốc sẽ đời đời ghi nhớ công ơn các anh.

>> Đón đọc bài sau: Bức ảnh gây sốc ‘Hành quyết tại Sài Gòn’: Sát nhân Nguyễn Ngọc Loan nhắn gì cho vợ chiến sỹ biệt động bị bắn?

Video: Chuyện ít biết về hầm vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn