Như kỳ trước đã đề cập, tôi có trong tay thông tin ngắn ngủi về một người tên là Ngô Phượng Vỹ, quê quán Mỹ Đức, Hà Tây cũ, và một người tên Túc, quê Nghệ An. Thông tin này bà Cấn Thị Phượng, con gái ông bà giáo Ân – Liên cung cấp.
Theo lời bà Phượng, các cán bộ trẻ mới nhận nhiệm vụ ở trại giam tối tối thường ghé qua ông bà nghe tin tức thời sự qua chiếc đài Rigonda của ông Ân. Cái đêm trực thăng chở biệt kích Mỹ đổ bộ xuống trại giam, bà Phượng 15 tuổi và đã chứng kiến những giây phút kinh hoàng.
Đầu tiên, tôi tìm kiếm thông tin về người mang tên Ngô Phượng Vỹ, quê Mỹ Đức, Hà Tây, nay là Hà Nội. Tôi đến phòng LĐ-TB-XH huyện Mỹ Đức nhờ tra trên hệ thống xem có tên ai là Ngô Phượng Vỹ, liệt sỹ chống Mỹ không. Nhân viên Phòng LĐ-TBXH huyện Mỹ Đức tra tìm trên máy tính và trả lời: Không có liệt sỹ nào ở Mỹ Đức tên Ngô Phượng Vỹ. Kể cả tra theo tên “Vĩ” cũng không có kết quả.
Tôi nhờ cô nhân viên tra tiếp các liệt sỹ tên Ngô Phượng Vỹ (hay Vĩ) quê quán Hà Tây cũ. Không có kết quả.
“Nhưng anh ơi, em thấy có một liệt sỹ tên Ngô Phương Vỹ, mà quê quán lại là Đại Thanh, Thường Tín”, cô nhân viên nói.
Linh tính bảo tôi rằng rất có thể đó là người mình cần tìm. Tôi cám ơn cô nhân viên, định bụng đi ngay Đại Thanh. Nhưng tra tìm bản đồ, không có xã nào ở Thường Tín mang tên Đại Thanh. Lục tìm trên mạng, tôi phát hiện một văn bản có thông tin về xã Đại Thanh.
Đó là văn bản nghị quyết của Quốc hội ngày 29/12/1978 phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới Hà Nội, TPHCM, Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái. Quảng Ninh và Đồng Nai do chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ký, trong đó có nội dung:
Phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội, trong đó có các xã Liên Minh, Việt Hưng, Thanh Hưng và Đại Thanh của huyện Thường Tín.
Vậy là Đại Thanh là một xã của Thường Tín (Hà Sơn Bình cũ) từ năm 1978 đã được sáp nhập vào Hà Nội. Nhưng tôi chưa rõ xã Đại Thanh ấy nay là khu vực nào. Nhìn trên bản đồ, sẽ thấy Thường Tín nếu có phần nào sáp nhập vào Hà Nội thì chỉ có thể nhập vào huyện Thanh Trì giáp ranh.
Tôi lục tìm lịch sử sáp nhập của Thanh Trì và thấy rằng xã Đại Thanh là xã Tả Thanh Oai bây giờ.
Xã Tả Thanh Oai nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội
Và nếu nói về Tả Thanh Oai thì rất nhiều người biết ở đây có dòng họ Ngô Thì (Ngô Thời) rất nổi tiếng. Trong khi đó, tôi đang đi tìm một người có thể là liệt sỹ, mang họ Ngô, quê quán Tả Thanh Oai. Dường như mọi thông tin đang khớp lại. Chỉ có điều, chưa có gì đảm bảo người mang tên Ngô Phượng Vỹ như lời cô Cấn Thị Phượng ở Sơn Tây nói với liệt sỹ Ngô Phương Vỹ ở Tả Thanh Oai là một.
Và thế là tôi tìm về Tả Thanh Oai. Trên đường qua UBND xã, tôi trông thấy nghĩa trang liệt sỹ Tả Thanh Oai. Tôi có linh tính là mình sẽ tìm thấy phần mộ liệt sỹ Ngô Phượng (hay Phương) Vỹ, người hy sinh rạng sáng 21/11/1970 tại Sơn Tây ở đây.
Lục tìm trên tấm bảng ghi công, phần liệt sỹ thời kỳ chống Mỹ, ở hàng gần cuối cùng, tôi đọc được hàng chữ: Ngô Phượng Vỹ (Phượng chứ không phải Phương), quê quán: thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, ngày sinh 20/11/1950, ngày mất 21/11/1970. Tấm bảng không cho biết nơi mất của liệt sỹ.
Chân dung liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ (ảnh trái); Thông tin về liệt sỹ trong nghĩa trang xã (ảnh nhỏ phía trên); Phần mộ liệt sỹ (ảnh phải)
Tôi tìm đến mộ phần. Và trên bia mộ, ghi rõ: “Liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ hy sinh ngày 21/11/1970 tại Sơn Tây- Hà Nội”. “Vậy là đúng chú Vỹ ấy rồi”, tôi thầm nghĩ. Trong lòng bỗng trào dâng một cảm giác xúc động. Bất giác tôi nhớ đến hai bác ruột tôi cũng là liệt sỹ thời chống Mỹ mà nay vẫn chưa biết mộ phần ở đâu.
Video: Đi tìm phần mộ liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ
Đứng lặng trước mộ phần liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ hồi lâu tưởng nhớ người đã khuất, tôi tìm vào UBND xã hỏi thông tin về thân nhân liệt sỹ. Nhân viên bộ phận Lao động-Thương binh, xã hội của xã cho hay ông Vỹ có người cháu ruột, con ông anh trai, đứng tên thờ cúng liệt sỹ.
Ngôi nhà liệt sỹ Vỹ từng ở nằm sâu trong ngõ nhưng khuôn viên khá rộng rãi. Ngoài một ngôi nhà lớn 2 tầng còn có căn nhà cổ bằng gỗ có vẻ rất lâu năm. Bà Nguyễn Thị Thủy, chị dâu liệt sỹ Vỹ tiếp chuyện tôi. Bà Thủy sinh năm 1950, cùng tuổi với liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ nhưng đến năm 1972, sau khi ông Vỹ hi sinh, bà mới về làm dâu, nên cũng không nắm được nhiều chuyện, trong khi chồng bà, tức anh trai ông Vỹ, thì đã mất. Bà Thủy xác nhận là liệt sỹ Vỹ hi sinh trong cuộc đột kích giải cứu tù binh Mỹ ngày 21/11/1970. Bà lấy cho tôi xem kỷ vật duy nhất bà biết về liệt sỹ là tấm ảnh trên bàn thờ đã rất cũ.
Tôi nhìn tấm ảnh. Trong ấy là một chàng trai với nét mặt còn non tơ, như học sinh lớp 9 lớp 10 bây giờ. Bà Thủy nói theo gia phả, gia đình thuộc dòng họ Ngô Thời (Thì). Ông Ngô Mạnh Hùng, chồng bà và liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ (trong gia phả ghi nhầm thành Ngô Thế Vỹ, theo lời giải thích của bà Thủy) là hậu duệ đời thứ 19.
Ngõ vào và ngôi nhà liệt sỹ Vỹ ở từ thủa ấu thơ
Theo gia phả, liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ còn có một chị gái tên là Ngô Thị Mai Liên, sinh năm 1943, tức là hơn liệt sỹ 7 tuổi. Bà Liên nguyên là cán bộ ngành văn hóa của Hà Nội đã về hưu. Năm nay 89 tuổi, bà Liên vẫn còn rất minh mẫn. Tuy nhiên, ông Tuấn, chồng bà, người đầu tiên lên thăm mộ liệt sỹ Vỹ sau cuộc tập kích Sơn Tây khoảng một tháng, nay đã 95 tuổi, lúc nhớ lúc quên. “Ông nhà tôi là người trong quân đội. Một tháng sau cuộc tập kích Sơn Tây, ông ấy bảo tôi, hình như những người chết ở trên đó có em mình”, bà Liên kể.
Hình ảnh 3D về trại giam ở Sơn Tây do các nhà làm phim Mỹ dựng (Nguồn: Military.com)
Một trực thăng HH-3E, tương tự chiếc máy bay biệt kích Mỹ bỏ lại sân trại giam
Sau khi xác minh thông tin, biết chắc chắn ông Vỹ đã hy sinh, thời gian sau, bà Liên lên Sơn Tây, vào khu Xã Tắc, nơi khi ông Vỹ còn sống, bà từng lên thăm em tại đây và biết gia đình nhà ông bà giáo Ân - Liên. “Mộ em tôi nằm giữa hai ngôi mộ khác. Một ngôi mộ thì tôi không có thông tin, ngôi mộ còn lại là người nghe nói mới lấy vợ xong. Thương quá”, bà Liên nhớ lại.
Theo lời người chị, ông Vỹ đi bộ đội năm 1968, khi vừa 18 tuổi. Ông chiến đấu hai năm ở chiến trường Lào, rồi bị thương. “Lúc đó em tôi muốn chuyển ngành làm công nhân nên không phục viên. Vì thế người ta đưa chú ấy ra Hà Tây trông coi trại giam, chờ ngày chuyển ngành. Nào ngờ cuộc tập kích xảy ra”, bà Liên rơm rớm nước mắt.
Tôi có hỏi cả bà Thủy lẫn bà Liên về đơn vị công tác của liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ trước khi mất, nhưng gia đình nói không ai lưu giữ được thông tin này.
“Mấy năm sau, gia đình lên trên ấy tổ chức cất bốc em tôi về”, bà Liên kể tiếp. Theo bà, ở Xã Tắc có gia đình làm nghề buôn bán, cứ sáng sáng lại thắp hương cho mấy nấm mộ bộ đội. Hôm nào thắp hương thì mua may bán đắt. Hôm nào quên hay vội đi thì y như rằng ế hàng. “Khi gia đình lên bốc mộ, họ nói hay là cứ để đây, cho họ cùng thờ cúng. Nhưng chúng tôi nghĩ vẫn phải đưa em về với quê hương”, bà Liên nói.
Bà cũng nói còn nhớ lúc còn sống, chú Vỹ hay qua lại gia đình nhà ông bà giáo Ân - Liên, được gia đình quý trọng lắm. Mấy ngày trước, khi gặp bà Cấn Thị Phượng, tôi hứa nếu tìm được thân nhân liệt sỹ Vỹ sẽ cho bà Phượng hay.
Nhớ lại lời hứa, tôi kết nối điện thoại cho bà Liên gặp bà Phượng. Hai bà phút chốc đã nhận ra nhau, cùng nhắc nhớ, trò chuyện hàn huyên về một thời khói lửa, về người em, người anh tên Ngô Phượng Vỹ “dáng cao, đẹp trai” thủa nào.
Quý độc giả có thông tin về liệt sỹ và thân nhân liên quan đến vụ tập kích Sơn Tây ngày 21/11/1970 xin bình luận vào ô "Bình luận" ở cuối bài. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và sẽ tiếp tục tìm kiếm, thông tin đến quý độc giả trong thời gian sớm nhất.
Đón đọc kỳ sau: Cuộc tình làng Sen
Chúng tôi tìm về làng Sen ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, quê hương của liệt sỹ Nguyễn Sinh Túc và được nghe kể về một câu chuyện tình đẫm nước mắt.
Bình luận