• Zalo

Di chúc Hồ Chủ tịch: Điều chưa biết về bản công bố đầu tiên

Thời sựThứ Hai, 01/09/2014 10:16:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chuyên gia Chu Thị Ngọc Lan đã đưa ra nhiều thông tin giá trị về bản Di chúc lần đầu tiên được công bố.

(VTC News) - Chuyên gia Chu Thị Ngọc Lan đã đưa ra nhiều thông tin giá trị về bản Di chúc lần đầu tiên được công bố.

Tại hội thảo khoa học “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức, chuyên gia Chu Thị Ngọc Lan (công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh) đã đưa ra nhiều thông tin giá trị về bản Di chúc lần đầu tiên được công bố.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 
Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp chiều 3/9/1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết chúc thư, mà Người ghi rõ là tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào 9h sáng ngày 10/5/1965, đúng dịp kỷ niệm lần sinh nhật 75 của Người.

Rồi từ ngày 10 – 20/5 hàng năm, mỗi ngày Người dành trọn một giờ từ 9h đến 10h sáng để chỉnh sửa Di chúc.

Bản Di chúc được công bố chính thức là bản do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố khi đó chủ yếu dựa theo bản Người viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Người viết năm 1968 và năm 1969.

Đoạn mở đầu lấy nguyên văn toàn bộ đoạn mở đầu Người viết năm 1969, thay cho đoạn mở đầu Người viết năm 1965. Bút tích của Bác về đoạn này đã được chụp lại và công bố đầy đủ năm 1969.

Trong bản Di chúc công bố chính thức đầu tiên, các đoạn đều lấy nguyên văn bản gốc, chỉ có một câu có sửa lại.

Bản năm 1965, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”; bản công bố chính thức sửa lại là: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang nét độc đáo riêng, cho dù bút tích Người ghi rõ “Tuyệt đối bí mật”, nhưng đây là tài liệu được công bố rộng rãi nhất.
Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp chiều ngày 3/9/1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp chiều ngày 3/9/1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Người.
Trang trọng trên trang nhất báo Nhân dân ra ngày 10/9/1969 là toàn văn Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo bản chụp trang viết tay phần mở đầu Di chúc viết vào ngày 10/5/1969.

Lời Di chúc được công bố chính thức khi đó là Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc sau khi đọc Điếu văn tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình trước một triệu nhân dân, cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế.

Trong bản tường thuật buổi Lễ truy điệu có viết: “Đọc xong Lời điếu, đồng chí Lê Duẩn đọc Lời Di chúc của Hồ Chủ tịch. Đồng chí Lê Duẩn vừa mới đọc dòng đầu tiên những lời căn dặn cuối cùng của Bác Hồ, cả Quảng trường òa lên khóc. Đau thương đến lúc này như không sao nén nổi. Càng nghe lời dặn cuối cùng của Hồ Chủ tịch, càng khóc nhiều. Nhưng không ai dám khóc to, vì còn muốn nghe cho thấm vào lòng từng lời của Bác”.

Một số cuốn sách Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất bản sau ngày Người mất.

Sách: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Sách gồm 47 trang do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản năm 1969, tiếng Việt. Bìa màu nâu, với tiêu đề: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Cuốn sách cỡ nhỏ: 9cm x 13cm. Trang 3 là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách gồm 3 phần: Di chúc, Lời kêu gọi và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Phần Di chúc (từ trang 8 đến trang 21) in trang bút tích phần đầu và toàn văn Di chúc năm 1969 đã được đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sách: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Sách xuất bản năm 1969, sách cỡ nhỏ dạng bỏ túi, kích thước: 9 cm x 13 cm, 21 trang, bìa màu nâu có dòng chữ: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bìa trong có tiêu đề: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trang bút tích phần mở đầu và toàn văn nội dung Di chúc công bố năm 1969. Sách phát hành để phát cho đồng bào đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sách do anh Đỗ Văn Tốt, thôn Trung, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Tây tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 22/12/2006. Sách đã cũ, rách nhiều chỗ, bìa ngoài dính băng dính đen. Cuốn sách do bố của anh Đỗ Văn Tốt trân trọng gìn giữ từ năm 1969 và khi ông qua đời đã trao lại cho con trai và dặn đây là quyển sách do chính tay Bác Hồ viết nên sau này anh phải giao tặng cuốn sách Di chúc của Bác Hồ cho người tin tưởng.

Bộ sách in Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lời kêu gọi và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam


Sách do Phủ Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xuất bản tại Hà Nội năm 1969 bằng tiếng Việt và 6 thứ tiếng nước ngoài (Nga, Trung, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha). Văn phòng Phủ Thủ tướng giao cho Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 5/7/1971.

Mỗi bộ sách gồm 2 quyển, bìa cứng: một quyển in Lời Di chúc và một quyển in Lời kêu gọi và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Hai quyển để trong cặp giấy cứng, mặt ngoài sơn mài bóng màu vàng (Loại in giấy dó) và bìa màu trắng (loại giấy thường), góc phải bìa in nổi hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nghiêng và dòng chữ phía dưới “1890-1969” bằng nhũ vàng. Giữa mép cạnh ngoài của bìa có đính hai dây bằng vải tơ để buộc. Sách có kích thước: 20cm x 27cm. Mỗi quyển trong bộ sách gồm 8 trang (không đánh số trang).

Đây là những bản in rất đẹp, trình bày trang trọng, chất lượng giấy tốt, nhất là những bản in đặc biệt bằng giấy dó, không chỉ phát hành bằng tiếng Việt mà còn bằng 6 thứ tiếng nước ngoài với số lượng khá lớn.

   
Lời Di chúc in tại Sài Gòn năm 1970


Bản Di chúc công bố năm 1969 được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức in tại cơ sở bí mật, số nhà 157 đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn và phát hành rộng rãi tại các vùng giải phóng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng cổ vũ, khích lệ quân dân miền Nam thực hiện lời căn dặn của Người là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn dù có phải hy sinh nhiều của, nhiều người, thực hiện niềm tin tưởng sắc son của Người là  đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà.

Sách: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản tại Hà Nội năm 1980, gồm 16 trang (Không kể bìa), kích thước: 9cm x 11cm. Bìa màu ghi tím, trên nền hoa văn chìm hình bông sen vàng nhạt. Di chúc in trên giấy xám xanh nền hoa văn hình bông sen màu xanh ghi.

Trang 3 có in hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang 5 in trang bản viết tay của Người đề ngày 10/5/1969. Cuối bản Di chúc có in chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là cuốn sách Di chúc cùng với các kỷ vật quí giá khác của Việt Nam như: Cờ Đảng, cờ Tổ quốc, huy hiệu Bác Hồ, huy hiệu Interkosmos, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945, Đại cáo bình ngô của Nguyễn Trãi, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đã được nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân đem theo trong chuyến bày vào vũ trụ của đội bay quốc tế Việt Nam - Liên Xô tháng 6/1980. Nhiều kỷ vật có chữ ký của hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và anh hùng vũ trụ Liên Xô Gorơbátcô.

Chu Thị Ngọc Lan
Bình luận
vtcnews.vn