Quốc hội hôm nay (13/11) dành trọn ngày thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018.
Dẫn báo cáo giám sát của Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện cho biết, trong giai đoạn từ 2014 - 2018, có 50 đám cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Nhưng chỉ trong vòng 1 năm từ tháng 7/2018 tới thời điểm báo cáo, có tới 43 vụ cháy lớn, bằng 86% của 4 năm trước.
Đặc biệt, các vụ cháy lớn tập trung ở 3 địa phương là TP.HCM (6 vụ), Hà Nội (5 vụ) và Bình Dương (10 vụ). 3 địa phương này, một là Thủ đô, hai là thành phố lớn nhất Việt Nam ba là cái nôi phát triển công nghiệp lớn nhất nước.
"Chúng ta phát triển "nóng quá" nên cháy hay là do trách nhiệm?", vị đại biểu đoàn Bến Tre đặt câu hỏi.
Theo ông Nhưỡng, trong báo cáo nêu ra nhiều nguyên nhân, nhưng không có nguyên nhân nào nói rõ lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm xử lý. Các vụ đều ít khởi tố và xử lý rất nhẹ.
"Tôi cảm thấy xử không tương xứng với các đám cháy. Cử tri thì đánh giá phải chăng do cháy không đến các đồng chí lãnh đạo nên các đồng chí không có trách nhiệm mà chỉ có dân phải chịu. Tôi cho rằng việc chúng ta truy cứu trách nhiệm của các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là đúng, nhưng phải siết chặt hơn", ông nhấn mạnh.
Phó trưởng Ban Dân nguyện phân tích, nếu xét nguyên nhân cháy nổ, thứ nhất là do con người, thứ 2 là do thiên nhiên. Do thiên nhiên thì hoàn toàn miễn trách nhiệm nhưng do con người cho dù có cố ý hay vô ý đều phải có trách nhiệm.
"Lơ là, buông lỏng quản lý đã phải chịu trách nhiệm chứ chưa nói tới dã tâm, độc ác, phóng hỏa, trả thù nhau, tiêu diệt lẫn nhau.
Cử tri phản ánh có trường hợp đem đốt chợ để phục vụ cho lợi ích nhóm. Rất đau lòng. Nếu quả thực như thế thì cháy không còn là vấn đề sơ suất nữa mà do dã tâm, sự độc ác.
Vậy những vấn đề này có được điều tra, truy tố trước pháp luật để trả lời cho nhân dân và cử tri hay không. Đây là vấn đề cần xem xét", ông cho hay.
Đại biểu Nhưỡng khẩng định chúng ta không nên chỉ tiếp tục rút kinh nghiệm mà không xem xét vấn đề trách nhiệm để xử lý trách nhiệm với người đứng đầu, các cán bộ, lãnh đạo, địa phương, các ngành để xảy ra cháy.
Từ đó ông đề xuất bổ sung xem xét kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với vấn đề phòng cháy, chữa cháy; rà soát việc xây dựng, quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy.
Góp ý vào nội dung thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh phòng cháy, chữa cháy là vấn đề rất hệ trọng của quốc gia, Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Phương, trong thời gian 4 năm mà có tới hơn 3.000 vụ cháy cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa tốt.
Vị đại biểu đoàn Quảng Bình đưa ra 3 đề xuất đối với công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay.
Thứ nhất là sửa đổi luật Phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu thiết kế các đường thoát hiểm trong các công trình xây dựng để sử dụng khi xảy ra cháy, nổ. Theo ông, cần sửa luật Xây dựng để các nhà cao tầng đều phải có đường thoát, đồng thời khi xảy ra cháy thì lực lượng cứu hộ cứu nạn có thể sử dụng để xử lý
Thứ 2 là sửa luật Xây dựng làm sao để các chung cư cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn không sử dụng tầng hầm làm nơi để xe.
“Từng xe đều có bình xăng và nhiều xe đậu dưới tầng hầm thì nơi đậu xe sẽ trở thành kho xăng dầu. Khi cháy thì không thể ứng cứu được. Kể cả có phun nước vào thì xăng nổi lên thì xăng vẫn cháy”, ông Phương phân tích.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quảng Bình kiến nghị các khu dân cư, chung cư, khách sạn phải xây dựng bãi đỗ xe riêng chứ không nên để xe dưới hầm và nhà để xe nên làm trên cao.
Cuối cùng, theo ông Phương cần đầu tư cho phương tiện, công cụ, con người phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy.
Bình luận