Thức dậy từ 3h sáng, chị Trần Thị Thuỷ (SN 1984) vội vàng giục con gái soạn đồ kịp ra bắt chuyến xe khách sớm nhất từ Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc xuống Hà Nội kịp tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng nay. Vốn có ước mơ được làm giáo viên, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị buộc phải nghỉ học từ năm lớp 9 để đi làm phụ giúp bố mẹ, nhường cho hai người em cơ hội tiếp tục đến trường. Hiểu được ước mơ của mẹ nên từ khi học THPT con gái đã xác định thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội để được làm giáo viên. "Gia đình còn nhiều khó khăn, tôi hiện làm giúp việc thuê nên cũng mong con thi đỗ vào sư phạm để bớt gánh nặng về học phí", chị Thuỷ cho hay.
Các học sinh có mặt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ sáng sớm. Trần Hoàng Linh - một học sinh lớp 12 quê Thái Bình cho biết, từ 4h sáng đã cùng mẹ bắt xe từ quê lên trường để dự thi đánh giá năng lực. Với ước mơ xét tuyển vào ngành sư phạm Hoá, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Linh dành 1 năm tập trung ôn tập các đề thi đánh giá năng lực các trường của các năm trước. Nữ sinh hồi hộp trước khi bước vào kỳ thi.
Theo thống kê, kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay có hơn 11.000 thí sinh (tăng gấp 2,5 lần so với năm ngoái) tham gia, với hơn 290 phòng thi tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quy Nhơn, Đà Nẵng. Riêng ở Hà Nội, ngoài các điểm thi trong khuôn viên Đại học Sư phạm Hà Nội, trường còn bố trí các phòng thi ở trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
TS Trần Bá Trình, Trưởng Phòng Đào tạo, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo thi cho biết, để chuẩn bị tốt nhất cho các thí sinh, trước ngày thi, trường bố trí nhiều phòng ký túc xá để hỗ trợ các em ở xa đến, gặp khó khăn trong việc tìm phòng trọ, nhà nghỉ. Ở phía Bắc, các thí sinh xa nhất đăng ký tham gia thi năm nay đến từ Điện Biên, Lai Châu, còn phía Nam, thí sinh xa nhất đến từ Cà Mau, Kiên giang.
Môn Ngữ văn có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất - hơn 7.500, kế đến là Toán - hơn 6.600. Môn có ít đăng ký nhất là Sinh học, chỉ có 380 thí sinh. Với các điểm thi ở Đà Nẵng và Quy Nhơn, giấy thi, giấy nháp, đề thi đều vận chuyển từ Hà Nội vào, thời gian phát đề, bắt đầu làm bài thi được thực hiện đồng loạt ở các điểm thi, kiểm soát chặt chẽ, TS Trình thông tin.
Đúng 6h30, thí sinh được gọi vào phòng thi. Hồi hộp đợi thời gian phát đề, em Lê Đình Toàn, học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến (Nam Định) cho biết, kỳ thi này, Toàn dự thi môn Ngữ văn và tiếng Anh với nguyện vọng vào khoa Sư phạm tiếng Anh của trường. Châu tham gia các khóa học thêm bên ngoài về môn tiếng Anh và “cày” thêm đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lần đầu tiên tham gia kỳ thi lớn như thế này nên nữ sinh năm 2006 khá hồi hộp, cả đêm trước khi thi không ngủ được
Các thí sinh ngồi nghe giám thị phổ biến quy chế và nhắc nhở các thủ tục cần thiết trước khi bước vào môn thi đầu tiên.
2024 là năm thứ ba Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, Ngữ văn có 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm và 70% tự luận, tiếng Anh có tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm - tự luận là 80-20%, các môn còn lại là 70-30%. Các câu hỏi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, đánh giá theo mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thí sinh làm bài trực tiếp trên giấy.
Theo kế hoạch, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ được công bố trước ngày 1/6. 9 trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, gồm Đại học Sư phạm Hà Nội; Sư phạm Hà Nội 2; Sư phạm TP.HCM; các trường Sư phạm thuộc Đại học Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên; Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn và Đại học Y Dược Thái Bình.
Bình luận