Bóng dáng Tập đoàn Lã Vọng
Tháng 7 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để triển khai thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT (gọi tắt là Dự án Ba La - Xuân Mai) với nhà đầu tư dự kiến được lựa chọn là Công ty CP Đầu tư Louis Group (Louis Group).
Cơ sở cho đề xuất chỉ định nhà đầu tư, theo UBND TP. Hà Nội là do tính cấp thiết của việc đầu tư Dự án và kế thừa từ việc thực hiện lựa chọn nhà đầu tư Dự án từ 7 - 8 năm trước. Cụ thể, ngày 17/12/2009, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh Đề xuất Dự án.
Ngày 25/3/2010, tại Thông báo số 88/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT như kiến nghị của TP. Hà Nội, trong đó có dự án này.
Ngày 27/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện Dự án Ba La - Xuân Mai; khi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 88/TB-VPCP phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật để bảo đảm hiệu quả Dự án, không làm thất thoát tài sản nhà nước.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, Dự án Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dự án khoảng 2.615 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 4.349 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 1.063 tỷ đồng, lãi vay 647 tỷ đồng, còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác.
Đề xuất dự án của nhà đầu tư cũng nêu rõ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai có mặt cắt ngang từ 4-6 làn xe, có suất đầu tư khoảng 130 tỷ đồng/km.
UBND TP. Hà Nội dự kiến sẽ sử dụng 41 ô đất, với tổng diện tích 441,26ha trên địa bàn các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, và các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh.
Cần phải nhắc lại, cơ sở cho đề xuất chỉ định nhà đầu tư, theo UBND TP. Hà Nội là do tính cấp thiết của việc đầu tư Dự án và kế thừa kết quả công việc của Tổng công ty CP Sông Đà, Công ty Sông Đà Hà Nội. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV thì, Công ty Sông Đà Hà Nội gần như không có tiếng nói gì trong Công ty Louis Group. Cụ thể:
Louis Group thành lập ngày 9/3/2017, do ông Lê Văn Vọng là người đại diện pháp luật. Địa chỉ trụ sở chính tại sàn 5B, tầng 5, tòa nhà 25T2, Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ trụ sở chính của Công ty CP Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng). Ông Lê Văn Vọng đồng thời là người đại diện pháp luật, cổ đông sáng lập của Tập đoàn Lã Vọng.
Louis Group có vốn điều lệ 675 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập: Sông Đà Hà Nội (5%); Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty TNHH MTV (20%); Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới (45%) và Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An (30%).
Đến tháng 7, cơ cấu cổ đông của Louis Group có sự thay đổi lớn khi Sông Đà Hà Nội và UDIC rút bớt vốn tại đây. Cụ thể, số vốn góp của Sông Đà Hà Nội chỉ còn 1 tỷ đồng (0,15%) và UDIC là 67,5 tỷ đồng (10%). Gần 90% cổ phần còn lại nằm trong tay Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An.
Điều đáng nói, Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới chính là công ty chuyên về đầu tư thuộc Tập đoàn Lã Vọng. Ông Lê Văn Vọng cũng là người đại diện pháp luật của Ngôi nhà mới, đồng thời là một trong ba cổ đông sáng lập với 97,97% cổ phần. Hai cổ đông sáng lập còn lại là ông Lê Văn Vân và bà Ngô Thị Toàn. Ông Lê Văn Vọng và ông Lê Văn Vân có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Một điều trùng hợp nữa là Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An không thuộc tập đoàn Lã Vọng, song trong số 3 cổ đông sáng lập nổi bật lên cái tên Lê Văn Vân.
Dấu hỏi năng lực tập đoàn Lã Vọng
Tập đoàn Lã Vọng được biết đến chuỗi nhà hàng, khu ăn chơi sang trọng hàng đầu tại Thủ đô. Năm 2008, Tập đoàn này mới bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.
Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới của Tập đoàn Lã Vọng chính là chủ đầu tư dự án Ngôi nhà mới ở Quốc Oai với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, đang bị bỏ hoang nhiều năm qua.
Năm 2016, Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới được Hà Nội chỉ định thực hiện Dự án BT Cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng.
Thực hiện dự án này, Ngôi nhà mới được thanh toán bằng quỹ đất hơn 9,9 ha thực hiện dự án đối ứng trên địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm thuộc Đồ án Quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70. Đây là vị trí Dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ đang được chào bán trên rất nhiều trang giao dịch bất động sản với mức giá khá cao.
Video: Hé lộ bí mật phía sau phần lớn các dự án BOT
Đầu năm 2017, cũng bằng hình thức góp vốn sáng lập vào Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai, Ngôi nhà mới và một công ty khác thuộc Tập đoàn Lã Vọng - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis (LOUIS INVEST), hiện đã nắm quyền chi phối tại Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại phường Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt, Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó Ngôi nhà mới và LOUIS INVEST giữ 85% cổ phần.
Tập đoàn Lã Vọng còn một dự án khác ở Xa La là Dự án Trụ sở làm việc và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại (NewHouse Xa La). Dự án này do liên danh Lã Vọng và Công ty đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ thực hiện, có tổng diện tích 10.553m2, bao gồm khối nhà văn phòng kết hợp chung cư và khu thương mại, dự án được đầu tư với tổng mức trên 500 tỷ đồng.
Với việc thực hiện đồng thời nhiều dự án lớn, các công ty thuộc Tập đoàn Lã Vọng liệu có đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu vào từng dự án? Mối liên hệ giữa các cá nhân Lê Văn Vọng, Lê Văn Hải và Lê Văn Vân cùng quá trình thâu tóm hàng loạt dự án BT ở Hà Nội ra sao?
Bình luận