Video: Người dân Bình Định chịu cảnh bụi ngày nắng, ngập trắng ngày mưa.
2 năm qua, gần 400 hộ dân sống dọc tuyến quốc lộ 19, đoạn qua huyện Tây Sơn phải sống chung với những cơn "ác mộng" bởi Dự án thi công cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 nối Bình Định - Gia Lai mang lại.
Bụi bặm, nhà cửa nứt nẻ, xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày đến cuộc sống người dân khu vực này.
Đến thời điểm hiện tại, các tồn tại vướng mắc, hệ lụy trên dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 vẫn đang phát sinh, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ven dự án.
Công tác thi công của dự án đầu tư thiếu đồng bộ, chậm trễ. Nhiều vị trí mặt bằng đã có sẵn nhưng đơn vị thi công làm chậm, có vị trí mặt đường làm xong nhưng chậm đầu tư hoàn thiện hệ thống hành lang lề đường, cống thoát nước.
Hầu như các hộ dân đều sống trong cảnh mặt đường ngang mái nhà. Nhà của người dân biến thành điểm "trữ" nước vào ngày mưa, hứng bụi ngày nắng...
Ngoài ra, từ lúc đơn vị thi công lăn đường là nhà các hộ dân bị nứt, một số người dân không dám ngủ trong phòng vì vách tường lộ rõ những vết hở.
Đường mới làm bụi bẩn bay hết vào nhà dân.
Liên quan đến những bất cập quá trình triển khai dự án nâng cấp quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Bộ GTVT giải quyết thỏa đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Không riêng gì huyện Tây Sơn, người dân dọc quốc lộ 19 đoạn qua thị xã An Nhơn (Bình Định) cũng chịu chung số phận ảnh hưởng bởi bụi đường mù mịt từ các xe thi công các dự án trọng điểm.
Những quán ăn ven đường mỗi ngày phải hứng lượng bụi khủng khiếp từ quốc lộ 19.
Anh Hà Túc Du (39 tuổi), người dân sống tại quốc lộ 19 thuộc phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) cho hay, quốc lộ 19 đã bị băm nát. Hai bên đường bây giờ chỉ toàn khu công nghiệp. Xe cộ đi lại rầm rầm từ sáng đến đêm khiến người dân bức xúc.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 giúp tăng cường kết nối các tỉnh Tây Nguyên - Nam Trung Bộ tổng chiều dài 143 km, tổng vốn khoảng 3.600 tỷ đồng (chủ yếu vốn từ Ngân hàng Thế giới, còn lại vốn đối ứng trong nước). Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành tháng 6/2023, song xảy ra vướng mắc, tồn tại nên được điều chỉnh tiến độ đến hết 31/12/2024.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, huyện đã nhiều lần rà soát, tổng hợp tất cả kinh phí phải chi theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư).
Qua đó, Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn đã ban hành 4 văn bản đề nghị Ban QLDA 2 chuyển tiền theo phương án, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gỡ vướng dự án với tổng số tiền 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, sau gần 2 năm, chủ đầu tư mới chỉ mới chuyển 13,7 tỷ đồng.
Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn đã tổ chức giao nhận tiền hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng, di dời ven dự án ở khu vực cầu Ba La (các thôn Tả Giang 1, Tả Giang 2, xã Tây Giang). Đợt đầu, có 16 hộ dân trong diện nhận tiền hỗ trợ, bồi thường, trong đó có 7 hộ dân sát cầu Ba La nằm trong diện di dời, giải tỏa trắng.
Bình luận